Chiếc loa nén JBL phóng âm thanh, dội vào thành tàu, cả chục ngư dân lắc đầu, phẩy tay trước phiên lặn cá giữa đêm trắng. Cách không xa mạn tàu là các đảo nổi Linh Côn, Đá Hải Sâm, Quang Ảnh, Hữu Nhật… nơi tròn 50 năm trước 14/1/1974 đã diễn ra cảnh mất mát.
Bám đảo Linh Côn
Nhìn lướt qua 10 ngư dân trên tàu đánh cá đang thả trôi gần đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa thì chiếm phần lớn là ngư dân dưới 35 tuổi, chỉ có ngư dân Trần Quang, sinh năm 1967 là lớn tuổi nhất. Vì vậy liên khúc với những bài hát được hòa nhịp remix “Em là cô dâu đẹp”, “Hoa cỏ mùa xuân”, “Hạnh phúc xuân ngời…” với âm điệu dập dồn và bass khá mạnh đã gây cảm hứng cho ngư dân cả tàu, chỉ riêng anh Quang lắc đầu và nói “chơi thứ nhạc gì mà cứ đùng đùng”.
Đảo Linh Côn là hòn đảo rất đẹp, bề ngoài hình chữ nhật. Nhiều ngư dân chỉ về hướng Linh Côn và kể về những chuyến biển cách đây hàng chục năm đã cho tàu chạy vô đảo tránh trú bão, ngư dân Bình Định thì mới vào cách đây 2 năm. Bãi san hô cạnh Linh Côn có rất nhiều cá mú đỏ, bạch tuộc, hải sâm, cá đỏ…
Thuyền trưởng Hữu vặn nhỏ volume chiếc loa nén JBL để trả lời cuộc trao đổi trên máy Icom IC 710 với thuyền trưởng tàu cá bên cạnh. Tiếng một ngư dân thường nói với vẻ giận dỗi, có lúc giọng nói bùng nổ, tính cách của một sói biển Hoàng Sa, đó là thuyền trưởng Võ Văn Lựu, người từng vài lần gặp đại nạn ở Hoàng Sa. Ông Lựu từng đi lính biên phòng nhiều năm, sau đó xin giải ngũ sớm để trở về bám biển.
Di chuyển từ tàu này sang tàu khác, tại chiếc tàu sử dụng đèn pha mắt cá để giấu sáng, hai chú gián từ khe ván lò dò chui ra, đi rất chậm. Ngư dân Trần Thanh Vương thốt lên “gián ra rồi, mấy ngày nữa là trời có dông”. Những ngư dân đi biển như anh Vương ngoài việc đón nghe thông tin cảnh báo thiên tai sớm từ máy Icom, thì còn đúc kết những hiện tượng thiên nhiên qua mây, trời, nước, chim, và gián... Ba ngày sau khi lũ gián bò ra khỏi hầm tàu, phía đường chân trời xuất hiện vòi rồng, sau đó là một cơn gió lốc. Mọi thứ chỉ ầm ào trong hơn một giờ rồi lại lắng xuống.
Tiếng nhạc dập dồn suốt đêm trắng. Cứ 45 phút, thuyền trưởng đếm chiều dài của đội ngư dân lặn dưới nước hiện lên trên máy định vị, sau đó hô to “kéo lên”. Từng cụm ngư dân lặn bắt cá dưới nước bơi ngược về phía con tàu. Vài ngư dân thốt lên “mới ngoi lên khỏi mặt biển là nghe tiếng nhạc, thấy người cũng khỏe ra hơn một chút”.
Hồn người trên mây trắng
Đầu tháng 8/2023, biển yên ả như một bức tranh trữ tình, hòn đảo Quang Ảnh, trước năm 1975 gọi là Vĩnh Lạc hiện lên vừa đáng sợ, vừa linh thiêng. Đáng sợ vì tàu tuần tiễu của Trung Quốc luôn ứng trực, thỉnh thoảng chạy một vòng như người đổi phiên gác. Còn linh thiêng, vì tháng 1/2024 là tròn 50 năm diễn ra trận Hải chiến Hoàng Sa, Trung Quốc đánh chiếm đảo từ lực lượng trấn giữ đảo của chế độ Sài Gòn. Rải rác ở những hòn đảo này đều có thân xác những người Việt Nam chôn vùi dưới cát trắng.
Ở Hoàng Sa, nếu có thông tin dự báo áp thấp nhiệt đới, những đàn chim thỉnh thoảng xuất hiện, bay về cụm Nguyệt Thiềm. Có chú chim non hạ cánh xuống trên nóc tàu với bộ lông xù, ánh mắt ngơ ngác, trông rất buồn.
Hoàng Sa là một nơi rất khác xa đất liền, tầm 3 giờ chiều trở đi, trên bầu trời xuất hiện vô số những hình thù kỳ lạ được vẽ lên bởi những đám mây di chuyển chậm. Năm 1967, khi những ngư dân đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi theo tàu đánh cá của ngư dân làng An Dũ, xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đến bãi Cát Vàng (Hoàng Sa), mọi người nhìn những đám mây trôi và tự diễn giải rằng, chỉ có linh hồn ông bà Hoàng Sa mới phác họa ra được những đám mây lạ trôi bồng bềnh từ buổi chiều cho đến khi hoàng hôn buông xuống.
Thời các ngư dân đi tàu đánh cá có chiều dài dưới 15 mét ra Hoàng Sa, thỉnh thoảng có cơn gió lốc, hoặc phía chân trời xuất hiện vòi rồng hút nước là ngư dân hốt hoảng. Có người lấy quần áo cũ ra đốt, vì ông bà xưa nói rằng, vòi rồng rất sợ mùi quần áo. Còn giờ đây, khi đi trên những chiếc tàu đánh cá vững chãi, không còn lo lắng gì đến những cơn gió lốc, các ngư dân trẻ nhìn mây trôi và nói về những ngày tới.
Có thể do xúc cảm, có thể do một nơi khác lạ, hay từ trường ở nơi xa khơi tác động lên tinh thần con người, khiến trong giấc mơ tôi luôn nhớ đến những chuyện xa xôi thăm thẳm, thấy xuất hiện những mặt người, rồi sau đó không hề biến đi, có cả chuyện về ngư dân Nguyễn Huê bị dính cơn bão số 1 năm 2008 khiến 9 ngư dân bỏ mạng.
Ở Hoàng Sa, nếu có thông tin dự báo áp thấp nhiệt đới, những đàn chim thỉnh thoảng xuất hiện, bay về cụm Nguyệt Thiềm. Có chú chim non hạ cánh xuống trên nóc tàu với bộ lông xù, ánh mắt ngơ ngác, trông rất buồn.
Sói biển ở Hoàng Sa
Đêm xuống, những chiếc tàu vẫn len lỏi, vào tận các bãi san hô bao quanh các hòn đảo nổi để lặn bắt cá. Ngư dân Nguyễn Đạm, 34 tuổi, quê ở khu vực gần nhà máy đóng tàu Dung Quất (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nhưng vào tận làng chài Bình Châu đi biển. Vương kể chuyện mình từng đi nghĩa vụ quân sự, giải ngũ trở về và đi làm biển ở các tàu đánh bắt xa bờ tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhưng rồi khi quay ra làng biển Hoàng Sa ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu thì nhận ra, đi làm nghề biển ở đây là vinh quang nhất, vì ra khơi không chỉ đánh cá, mà mỗi ngư dân giống như người lính thực thi nhiệm vụ đi giữ chủ quyền biển, đảo.
Làng chài ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, nhiều thuyền trưởng thu hút ngư dân đi bạn bằng sự hào phóng. Ngư dân đi bạn mỗi phiên được chia thêm 5 triệu tiền hỗ trợ dầu, lì xì riêng cho gia đình 1-2 triệu, trên tàu luôn có 15 thùng bia Heineiken bạc. Bữa nhậu với mực, bạch tuộc, cá bò đen…luôn được tổ chức nhẹ nhàng vào mỗi buổi chiều trên boong tàu, giữa sóng nước Hoàng Sa.
Hằng đêm, tàu mới tiến vào gần các đảo, trôi băng qua đảo Linh Côn, ngược về Đá Bắc, sang cụm Nguyệt Thiềm. Ánh đèn trên các đảo chớp nháy như mắt người đã khuất. Có tàu thả trôi đánh bắt chỉ một vùng, nhưng có tàu chạy ngược xuôi khắp Hoàng Sa. Tới mỗi đảo, thuyền trưởng lại nhắm mắt, khấn vái trước khi thả ngư dân vào phiên lặn biển. Gió khuya se lạnh và tiếng nhạc vẫn dội khắp khoang tàu.
Trước khi rời tàu vào đất liền, tôi nghe hai thuyền trưởng trao đổi nhỏ về việc sói biển Mai Phụng Lưu từng nổi tiếng một thời cũng đang có mặt trên một con tàu đang lặn cách đảo Linh Côn chỉ 1 hải lý. Con tàu này có 4 cha con đi chung, ai cũng rất giỏi, nên thu nhập rất khá. Sói biển Mai Phụng Lưu bây giờ sống lẳng lặng, nên đi trên con tàu không mở nhạc dập dồn. Cứ mỗi phiên mở biển hay kết thúc, chiếc tàu chở sói biển đều đi theo hướng cắt ngang đảo Bạch Quy, nơi cha con ông từng lên chụp ảnh xúc cát, thắp hương cho người đã khuất…
Thật may mắn khi đã trải nghiệm gần như đủ đầy cuộc đời một con người trên một đất nước giàu đẹp dù bị chiến tranh tàn phá khốc liệt.
Những phiên chợ Tết 0 đồng, hàng nghìn suất quà Tết… giúp công nhân, người lao động gặp khó khăn ở Đà Nẵng có cái Tết ấm áp, đủ đầy hơn.
‘Cây’ quyền lực mềm của Việt Nam ngày càng xòe tán rộng
Ngoại giao văn hóa giúp “cây” quyền lực mềm của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, xòe tán rộng hơn…