Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời

Tác giả "Lối cũ ta về" từ trần lúc 5h45 ngày 15/3, tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 69 tuổi.

Anh Nguyễn Thanh Bách, con trai nhạc sĩ xác nhận với Zing.vn thông tin bố qua đời và cho biết gia đình đang chuẩn bị hậu sự cho ông. Lễ viếng và truy điệu được tổ chức vào hồi 8 giờ ngày 22/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), an táng cùng ngày tại Công viên nghĩa trang Thiên Đức (tỉnh Phú Thọ).

NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương ngậm ngùi: “Tôi vừa đi công tác về, khi nghe tin dữ, tôi rất sốc và buồn”, ông chia sẻ.

Nhac si Thanh Tung qua doi anh 1

Nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh: 

Nguyễn Đình Toán

Ca sĩ Mỹ Dung - người học trò nhỏ của Thanh Tùng - nghẹn ngào: “Mọi chuyện xảy ra quá đột ngột. Tôi nghe mà đau xót vô cùng. Tôi cũng ân hận vì thiếu sót của mình. Mấy năm qua vì bận chuyện gia đình, tôi không có thời gian thường xuyên thăm hỏi thầy. Dù thầy bị bệnh đã 8 năm trời, cơ thể yếu, nhiều lần phải ngồi xe lăn lên sân khấu nhưng không ai ngờ thầy lại ra đi như vậy”. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Tùng luôn dành sự ưu ái cho Mỹ Dung. Một trong những sáng tác cuối cùng của ông là Hoa cúc vàng cũng được ông tin tưởng giao cho giọng ca Sao Mai điểm hẹn.

Lúc sinh thời, Thanh Tùng là một người đàn ông đào hoa, có vô số người đẹp vây quanh. Có người giải thích, Thanh Tùng được yêu vì ông nổi tiếng và giàu có. Nhưng nếu vì thế thì người ta chỉ gặp những cô gái “đào mỏ”, chứ không thể có những người "xin chết" như vậy.

Trần Bình bảo, Thanh Tùng may mắn nhưng cũng bất hạnh hơn người ở chỗ, ông có người vợ tuyệt vời cả về nhan sắc và nhân cách, nhưng bà ra đi rất sớm, từ những năm đầu thập niên 1990, sau 18 năm sánh bước bên ông. Phút lâm chung, có mặt cả Trịnh Công Sơn bên giường bệnh, bà hỏi Thanh Tùng: “Nếu em chết anh có lấy vợ mới và bỏ các con không?”. Thanh Tùng gọi đó là tuyên án chung thân, bởi chỉ “không” là có thể nói lúc này. 

Thanh Tùng thường gửi nỗi yêu thương, sự cô đơn, mất mát trong những bài hát như cách trải lòng cùng người vợ đang ở trên thiên đàng. Năm 1998, ông viết Một mình. 2007, ông viết Hoa cúc vàng đều là dành tặng cho mẹ của ba đứa con mình.

Nhac si Thanh Tung qua doi anh 2

Nhạc sĩ Thanh Tùng bên các con. Ông từng chia sẻ, ông không mưu cầu sức khỏe cho mình, chỉ cần các con thành đạt. Ảnh: 

Nguyễn Đình Toán

Vợ nhắm mắt, Thanh Tùng một mình nuôi ba con Bách, Thông và Bạch Dương trưởng thành. Khi được hỏi về ước nguyện, Thanh Tùng chọn sự thành đạt của con cái thay vì sức khỏe của mình. Thanh Tùng từng chia sẻ, ông không khuyến khích con cái theo nghề của bố vì đó là nghề rất khổ và khắc nghiệt, ông chỉ muốn họ phát triển tự nhiên, làm những việc mình thích. Rất may, cả ba con Thanh Tùng đều yêu nghệ thuật, trân trọng bạn bè của bố nhưng chọn đi những con đường khác.

Nhiều báo chí, khán giả gọi Thanh Tùng là người bố vĩ đại vì một mình nuôi ba con thành tài. Khi được hỏi, ông có nghĩ mình đúng như người ta nói hay không, ông cười sảnh khoái: “Đúng”. Là nghệ sĩ nhưng chưa khi nào Thanh Tùng để sự bay bổng của mình lên trên trách nhiệm với các con. Đó cũng là cách để ông tiếp tục thể hiện tình yêu với vợ.

Trong lần dạo chơi Hà Nội năm 2008, Thanh Tùng bị xuất huyết não và bị di chứng nặng nề. Ông liệt bên phải, nói khó khăn, bị tiểu đường và thận. Hàng tuần, ông đều phải tới bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Ông nhập viện từ đầu tháng 3, sau gần hai tuần thì qua đời.

Thanh Tùng (tên đầy đủ Nguyễn Thanh Tùng) là một nhạc sĩ với nhiều ca khúc nhạc trẻ rất được yêu thích.

Thanh Tùng sinh ngày 15/9/1948 tại Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Năm 6 tuổi ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Sau đó ông sang học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên và tốt nghiệp năm 23 tuổi.

Từ năm 1971 đến 1975 Thanh Tùng là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II. Sau 1975, Thanh Tùng về sống tại TP HCM và là người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP HCM và khai sinh nhóm hợp ca Những làn sóng nhỏ. Ông còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen. Thanh Tùng cũng là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh, Cánh chim báo tin vui của Đàm Thanh...

Năm 1975 Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay Cây sầu riêng trổ bông cho một vở cải lương. Từ 1987, Thanh Tùng trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều sáng tác, trong đó rất nhiều ca khúc được giới trẻ yêu thích như Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về...









Ngọc Trần

Bạn có thể quan tâm