Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhạc sĩ Lam Phương và cơn say màu hồng

Trong khoảng 15 năm (1960-1975), Lam Phương là một trong số ít nhạc sĩ sáng tác “mát tay” nhất ở miền Nam.

Nhạc sĩ Lam Phương và nghệ sĩ Túy Hồng.

Nhạc của ông không cầu kỳ, cao sâu nhưng lại được công chúng đón nhận nồng nhiệt bởi được viết bằng những cảm xúc chân thành qua những hình ảnh đời thường rất gần gũi, quen thuộc... Xen vào đó là những xót xa, hoài vọng một “cánh chim” ông từng yêu dấu, nay đã bay xa... rất xa...

Tuổi thơ cơ cực...

Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá (Kiên Giang), tổ tiên vốn gốc Hoa nhưng đến đời cha của ông (tên Lâm Đình Chất) thì đã “rặt Việt”. Là anh cả của 5 đứa em nên tuổi thơ của Lam Phương đã sớm nhọc nhằn, cơ cực.

Dạo ấy miền quê của ông chìm trong khói lửa chiến tranh Việt - Pháp, rồi máy bay của quân đồng minh dội bom, bắn phá lính Nhật khắp Nam Bộ. Cuộc sống bất ổn, nhiều người cha (chủ gia đình) ra đi, tìm chỗ trú ngụ an toàn hơn rồi sẽ về đón gia đình đến chỗ ở mới. Ông bố của Lam Phương cũng thế, nhưng ông ra đi rồi... không bao giờ trở lại, y hệt như trong câu hò quê ông: “Chợ Sài Gòn cẩn đá / Chợ Rạch Giá tráng xi-mon ( i-măng) / Giã em ở lại vuông tròn / Anh về xứ sở... hết còn ra vô!”...

Bà mẹ (Trần Thị Nho) bị bỏ rơi, một nách sáu người con, mà đứa đầu (Lam Phương) chưa tròn 10 tuổi đã phải cùng mẹ tảo tần nuôi em. Những đêm mưa rơi, trong túp lều trống trước hở sau, gió lùa hun hút, Lam Phương nằm nghe mẹ ru em: “Đường đi Rạch Giá / Chợ quá sơn trường / Gió lay bông sậy, dạ buồn tái tê...” mà thương mẹ, thương em đứt ruột...

10 tuổi, Lam Phương lên Sài Gòn theo học trường Les Lauriers và ở trọ trong nhà bà dì trên đường Đinh Công Tráng (gần nhà thờ Tân Định). Gần nhà trọ, có lớp dạy nhạc của nhạc sĩ Hoàng Lang. Từ “cơ duyên” gặp gỡ với nhạc sĩ này, thấy cậu bé hiền lành, chân chất và rất có khiếu về âm nhạc nên ông thầy đồng ý dạy nhạc miễn phí cho cậu.

Sau đó còn được nhạc sĩ Lê Thương chỉ giáo thêm, nên 15 tuổi Lam Phương đã có sáng tác đầu tay (bài Chiều thu ấy-1952). Khi Lam Phương tạm ổn định chỗ ở, anh đã rước mẹ và các em lên Sài Gòn tá túc trong một con hẻm vùng Đa Kao...

Có thể nói những hoài niệm về quê hương với những đêm trăng ngập cánh đồng lúa (trong Trăng thanh bình, Nắng đẹp miền Nam, Khúc ca ngày mùa...), và cả nỗi xót xa thương mẹ, thương em ở chốn quê nghèo (Kiếp nghèo, Đèn khuya...) đã góp phần làm nên sự thành công của nhạc Lam Phương ngay trong giai đoạn sáng tác đầu tay.

Cơn say màu hồng

Khoảng năm 1955, 1956 cô nữ sinh Trương Ánh Tuyết từ Bình Dương về Sài Gòn đầu quân vào Ban thoại kịch Dân Nam của ông bầu Anh Lân (đây là ban kịch đầu tiên ở miền Nam mà phía nữ diễn viên chỉ có Tuyết Vân và mẹ con Túy Hoa, Túy Phượng).

Đó là một cô gái có khuôn mặt thanh tú, dáng dấp nữ sinh nhỏ nhắn trông rất xinh. Có lẽ vì gần gũi hai mẹ con nghệ sĩ trong ban kịch này nên Trương Ánh Tuyết cũng lấy nghệ danh là Túy Hồng (cơn say màu hồng)...

Nhac si Lam Phuong anh 1

Nghệ sĩ sân khấu Túy Hồng. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.

Năm 1959, nữ kịch sĩ Túy Hồng trở thành “Lam Phương phu nhân”. Từ đó nhờ ông xã kèm cặp, đào luyện mà Túy Hồng tiến triển vượt bậc trong lĩnh vực ca nhạc.

Những ca khúc của Lam Phương dù bình dị, không chút không cao sang, nhưng qua tiếng hát Túy Hồng đều trở nên thanh thoát, diễn cảm - nhất là ở các ca khúc Chiều tàn Phút cuối...

Chỉ ít lâu sau ngày tổ ấm Lam Phương - Túy Hồng được gây dựng, Túy Hồng tách ra lập đoàn kịch riêng cho mình. Đó là Ban kịch “Sống” (dân miền Nam quen gọi là “Kịch Sống Túy Hồng”) với sự cộng tác của La Thoại Tân, Vân Hùng, Tú Trinh...

Trên sân khấu của Ban kịch “Sống”, lần đầu tiên những ca khúc đời thường (của Lam Phương) được lồng vào nội dung tạo nên một sức hấp dẫn mới lạ (người viết còn nhớ, cảnh cuối ở một vở kịch: nhân vật chính đi lang thang giữa hàng thông cao vút, thẫn thờ nhớ đến người yêu giờ đã xa vời vợi trong tiếng hát nghèn nghẹn của ca sĩ Chế Linh với bản Thành phố buồn)...

Kịch “Sống” Túy Hồng là một trong 3 ban kịch nổi tiếng nhất trước 1975 (cùng với Ban kịch Thẩm Thúy Hằng và Ban kịch Kim Cương). Chồng viết nhạc, vợ dựng kịch. Có thể nói đây là “cơn say màu hồng” - giai đoạn hoàng kim, của họ (kéo dài cho đến đầu năm 1975). Họ không chỉ tậu được căn nhà khang trang trong Cư xá Lữ Gia mà còn mua được một căn nhà khác ở đường Nguyễn Tri Phương, hoàn thành mơ ước của bà mẹ năm xưa: “Má chỉ mơ ước có một chỗ trú ngụ đừng quá tồi tàn”...

Chim bay xứ xa mờ...

Cuộc sống gia đình của đôi “tài tử - giai nhân” này tưởng chừng như mặt biển êm đềm hạnh phúc, nhưng chính nhạc sĩ Lam Phương đã không giấu được những đợt “sóng ngầm” mình từng trang trải qua điệu nhạc lời ca.

Hình bóng để người nhạc sĩ tài hoa thổn thức cũng là một ca sĩ cùng thời, nhưng cô chỉ xuất hiện ở sân khấu miền Nam vỏn vẹn có 2 năm rồi bay sang trời Tây sinh sống. Đó là nữ danh ca Bạch Yến (lúc chưa là vợ của GS.TS Trần Quang Hải, dâu của GS.TS Trần Văn Khê).

Nếu thuộc nhạc Lam Phương và nếu tinh ý, sẽ nhận ra ngay những năm đầu thập niên 1960, nhạc của Lam Phương đã nhớ thương, trách móc một cánh chim nơi trùng khơi mịt mù: “... Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu... Người đi hoa lá chết trong mùa nhớ. Người về lặng lẽ tình vẫn bơ vơ...” (Thu sầu), “... Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi... để bước phong trần tha hương, em khóc cho đời viễn xứ. Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi. Gom góp yêu thương quê nhà. Dâng hết cho người tình xa...” (Tình bơ vơ), “... Người theo cánh chim về nơi cuối trời, để lại thương nhớ cho kiếp đơn côi...” (Phút cuối), “... Thôi em ra đi về nơi xứ xa. Đêm đông cô đơn buồn cho kiếp xa nhà. Lạnh giá rét mướt, đời bạc phước không chồng, chỉ còn lại nhớ mong...” (Chờ người), “... Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa. Rồi từ đó chốn phong ba em làm dâu nhà người...” (Thành phố buồn), “... Hai phương trời cách biệt, đêm chờ và đêm mong...” (Xin thời gian qua mau)...

Không hiểu đó có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chia tay của cặp Lam Phương - Túy Hồng sau hơn 40 năm gắn bó (họ chia tay năm 1981 tại Mỹ). Có người cho rằng chính trong nhạc của Lam Phương đã có sự tiên tri, và nay thì... linh ứng: “Thôi là hết em đi đường em. Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi. Còn mong gì hình bóng xa xôi...(Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi), hoặc “... Ai ngờ chim trời vỗ cánh tung bay. Người đi để nhớ cho đời. Làm sao tôi đến bên người? Bao giờ mây hồng đưa bước em sang hay từ đây ta dở dang? Tình hỡi chôn vào thiên thu...” (Trăm nhớ ngàn thương).

Hà Đình Nguyên / NXB Trẻ

SÁCH HAY