Spotify là một trong những app hỗ trợ định dàng nhạc chất lượng cao. Ảnh: Spotify. |
Âm thanh lossless đang ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người yêu thích trên các dịch vụ phát nhạc như Spotify, Apple Music. Với chuẩn âm thanh này, người dùng sẽ có thể trải nghiệm âm nhạc yêu thích một cách trọn vẹn nhất.
Tuy nhiên, theo cây bút Thomas Triggs của Android Authority, rất khó để người dùng nhận ra sự khác biệt giữa nhạc lossless và các định dạng thông thường. Bên cạnh đó, tốn quá nhiều dữ liệu di động cũng là một nhược điểm của chuẩn âm thanh này.
Nhạc lossless chưa thật sự khác biệt
Theo định nghĩa, lossless là định dạng nhạc số chất lượng cao, lưu trữ lại gần như toàn bộ âm thanh gốc, đối nghịch với lossy, âm thanh dùng các chuẩn nén dữ liệu để giảm dung lượng. Chất lượng âm thanh nhờ vậy vẫn được bảo toàn và có thể so sánh với những bản nhạc được phát ra từ đĩa CD.
Với ưu thế về truyền tải thông tin nhanh và tiết kiệm dữ liệu, những nền tảng phát nhạc miễn phí thường sẽ sử dụng chuẩn lossy 96 kbps. Chính điều này đã khiến nhiều người dùng phàn nàn về chất lượng nghe nhạc kém hơn so với định dạng lossless. Nhưng trên thực tế, chỉ khi sử dụng một chiếc tai nghe cao cấp, người dùng mới có thể phát hiện sự khác biệt giữa hai chuẩn âm thanh này.
Nhạc lossless có thể tốn nhiều dung lượng gấp 14 lần so với chuẩn âm thanh thông thường. Ảnh: Android Authority. |
Cây bút Android Authority cho rằng, ngoài khả năng hỗ trợ lossless, người dùng cũng nên xem xét về tính năng, lượng dữ liệu di động app sử dụng khi chọn nền tảng nghe nhạc yêu thích. Hiện nay, hầu hết nền tảng đều đã có lựa chọn chất lượng lossless nhưng người dùng sẽ phải trả phí hàng tháng cho trải nghiệm cao cấp này như Spotify Hi-Fi, Apple Music, Amazon Music Unlimited…
Tuy nhiên, sau khi dùng thử các dịch vụ này, Thomas Triggs nhận ra lossless “ngốn” nhiều dung lượng hơn hẳn. Anh đã thử phát nhạc định dạng chuẩn và chất lượng cao trên Spotify bằng dữ liệu di động để so sánh. MP3 thông thường sẽ ngốn khoảng 46 MB cho một giờ phát nhạc, chỉ bằng 1/4 so với con số 187 MB khi nghe ở chế độ nhạc lossless.
Bên cạnh đó, khi phát nhạc lossless ở chế độ Master trên ứng dụng Tidal, anh nhận thấy dữ liệu di động tốn gấp 14 lần so với định dạng âm thanh thông thường. Cụ thể, trung bình một lần phát nhạc lossless dài 1 giờ sẽ mất khoảng 723 MB dữ liệu di động trong khi MP3 chỉ dùng 52 MB. Bên cạnh đó, chuẩn HiFi với âm thanh chất lượng giống đĩa CD chỉ mất 368 MB dữ liệu, gấp 7 lần chất lượng thường.
Với ứng dụng Deezer, định dạng âm thanh chất lượng cao cũng có cách biệt lớn về lượng dữ liệu di động tiêu tốn. Thomas Triggs chỉ mất 54 MB dữ liệu cho MP3 và 498 MB cho nhạc HiFi chất lượng cao. Con số này gấp 9 lần so với dữ liệu di động cho chuẩn âm nhạc thường.
Âm thanh càng tốt, càng tốn dữ liệu
Trên thực tế, chất lượng âm thanh càng cao sẽ càng tốn nhiều dung lượng, nhưng con số sẽ không giống nhau giữa các app.
Âm thanh chất lượng cao trên Spotify thường sử dụng định dạng HE-AACv2 320 kbps, trong khi nhạc ở chế độ tiêu chuẩn chỉ mới ở định dạng Ogg/Vorbis, tương đương với khoảng 96 kbps. Còn âm thanh lossless ở chế độ HiFi và Master trên Tidal sẽ hỗ trợ chuẩn FLAC 1.411 kbps và âm thanh thường sẽ chỉ có chất lượng tương tự AAC với 160 kbps.
So sánh lượng dữ liệu di động khi nghe lossless và lossy trên các ứng dụng phát nhạc. Ảnh: Android Authority. |
Theo cây bút Android Authority, việc nghe nhạc lossless là lãng phí và không cần thiết. Chỉ cần nghe nhạc chất lượng cao 3 giờ, ông đã tốn gần 1,6 GB dữ liệu. Con số này quá lớn khi so sánh với lượng dữ liệu mà các ứng dụng khác sử dụng.
Bên cạnh đó, người dùng còn phải đầu tư một sản phẩm tai nghe chất lượng cao đi kèm nếu muốn nghe nhạc lossless một cách tối ưu. Thiết bị này sẽ có thể tái tạo những phần âm thanh còn thiếu, cho ra trải nghiệm nghe tốt hơn. “Nhưng từ trải nghiệm cá nhân, từ nay về sau tôi sẽ chỉ nghe nhạc lossless qua Wi-Fi để tiết kiệm dữ liệu”, Thomas Triggs viết.
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ
Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.