Ngày 16/6, PGS.TS Phạm Minh Phúc, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, trao đổi với Zing về định nghĩa nhà báo là "người không có việc làm, ăn bám gia đình" trong cuốn từ điển từ ngữ Nam Bộ đang gây nhiều tranh cãi.
Ông Phúc khẳng định từ điển có trong hệ thống lưu trữ của nhà xuất bản từ năm 2007. Tuy vậy, người chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách đã nghỉ hưu, nhà xuất bản từng chuyển trụ sở, các hồ sơ khác liên quan cũng chưa tìm thấy, nên đơn vị không thể rà soát bản thảo.
Từ điển Từ ngữ Nam Bộ của tác giả Huỳnh Công Tín xuất bản năm 2007 và tái bản năm 2009. |
"Đây là sách liên kết xuất bản do một đơn vị khác chịu trách nhiệm phát hành. Khó đối chiếu được bản thảo cuối cùng mà đơn vị chúng tôi đã biên tập, ký xác nhận để chuyển cho đơn vị phát hành", ông Phúc cho biết.
Theo ông, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội chỉ nắm được thông tin xác nhận đăng ký xuất bản của cục xuất bản, còn quyết định xuất bản không tìm thấy nên khó tra cứu.
Ngoài ra, ông Phúc không bình luận, không nêu quan điểm về định nghĩa "nhà báo" trong từ điển. Ông cho rằng tác giả, những nhà chuyên môn về ngôn ngữ sẽ cho ý kiến sâu sát hơn.
Trước đó, mạng xã hội bàn tán về định nghĩa nhà báo là "những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình" nêu trong cuốn Từ điển từ ngữ Nam Bộ của tác giả Huỳnh Công Tín.
Tiến sĩ Huỳnh Công Tín, tác giả cuốn từ điển, giải thích định nghĩa "nhà báo" được hiểu theo nghĩa bóng, không chỉ những người làm nghề báo.
Tác giả đưa từ nhà báo vào cuốn từ điển theo nghĩa "không có công ăn việc làm, báo cha, báo mẹ" để những người vùng miền khác khi nói chuyện với người miền Nam sẽ hiểu rõ hơn, tùy vào ngữ cảnh câu chuyện.
Tuy vậy, lý giải này không thuyết phục được các chuyên gia ngôn ngữ. Họ cho đây là cách định nghĩa rất tiêu cực và không hợp đưa vào từ điển.
Từ điển từ ngữ Nam Bộ dày 1.392 trang, có khoảng 20.000 từ. Cuốn từ điển được xuất bản lần đầu năm 2007 (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội) và tái bản năm 2009 (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia).