Tất cả các ngành đều phân bổ phương tiện tăng thêm chuyến cùng tỷ lệ thuận tăng thêm giá cước, do lịch nghỉ Tết năm nay được nghỉ dài ngày.
VNA: Dự phòng tăng thêm chuyến bay ở 2 đường bay chính Đà Nẵng - Hà Nội và Đà Nẵng - TPHCM
Vietnam Airlines (VNA) khu vực miền Trung cho biết, năm nay hãng đã sớm công bố kế hoạch phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014. Theo đó, trong tổng số 835 chuyến bay tăng cường trong đợt Tết, riêng tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng tăng nhiều nhất với 218 chuyến. Trong khi đó, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho hay, mặc dù kế hoạch của VNA là như vậy, nhưng sân bay đã đề nghị và được VNA đồng ý là nếu lượng khách tăng đột biến thì sẽ có phương án dự phòng bằng việc tăng tiếp các chuyến bay với hai đường bay chính là Đà Nẵng - thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng - Hà Nội. Đặc biệt, sẽ ưu tiên cho các chuyến bay cận Tết từ ngày 25 đến ngày 29 âm lịch, và sau Tết từ ngày 2 đến ngày 9/2/2014. Tương tự, hai hãng hàng không Vietjet Air và Jestar Pacific đều tăng chuyến tại sân bay Đà Nẵng lên từ 30-40%; đặc biệt sẽ có chế độ ưu đãi giá cho những hành khách đi các chuyến ban đêm.
VNA: dự phòng tăng thêm 2 đường bay chính trong dịp tết năm nay: Đà Nẵng - Hà Nội, Đà Nẵng - TP.HCM. Ảnh: D.H.N |
Song song với việc tăng chuyến thì các hãng hàng không cũng đã có 2 đợt tăng giá vé, trong đó VNA tăng khoảng 13%, Vietjet Air tăng gần 7% so với ngày thường. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các đại lý đều thông báo giá cao hơn ngày thường từ 25-35%, thậm chí có chuyến thông báo đã “cháy” vé, chỉ còn phải chờ… cú chót với giá vé cao ngất ngưởng.
Nhà tàu: Đa dạng hình thức bán vé
Theo phòng vé ga Đà Nẵng, nhằm tránh tình trạng cảnh chen chân nhau mua vé, gây ra sự lộn xộn, mất an ninh trật tự tại nhà ga, phòng vé Ga Đà Nẵng đã mở cửa bán vé tàu Tết từ rất sớm - tức là từ đầu tháng 10. Đến trung tuần tháng 12 đã bán khoảng hơn 6.500 vé cho tuyến đi các tỉnh phía Nam trong tổng số 7.000 vé được bán ra trong dịp này. Còn tuyến đi các tỉnh phía Bắc cũng đã bán gần hết 6.800 vé được phân bổ trong dịp Tết 2014. Nhìn chung, chủ yếu là khách đi 2 ga cuối là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; còn lại là rải rác các ga dọc đường.
Tết năm nay, ga Đà Nẵng đã đa dạng hình thức bán vé. Ảnh: D.H.N |
Hành khách chọn phương tiện tàu hỏa để đi lại trong dịp Tết năm nay vẫn đều đều như những năm trước. Tuy nhiên, do năm nay vé được bán sớm và đa dạng hình thức bán như bán trực tiếp tại ga, thông qua các đại lý trên tất cả các quận huyện ở Đà Nẵng và Hội An, cũng như mua vé qua mạng và qua điện thoại nên việc mua vé tàu Tết diễn ra… êm xuôi. Về giá vé, vẫn áp dụng nguyên theo sự chỉ đạo của Đường sắt Việt Nam, tức là tăng giá cước khoảng 30-50% chiều Sài Gòn ra (trước tết) và chiều Hà Nội vào (sau Tết) và giảm khoảng 50% với chiều ngược lại để bù lỗ. Năm nay, ga Đà Nẵng tăng thêm 2 tàu SE24 và SE28, xuất phát từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Bắc vào các ngày 27 và 28 tháng chạp, sớm hơn mọi năm 1-2 ngày. Đây là những chuyến tàu “vớt” cuối năm nhằm bảo đảm tất cả hành khách đều có thể kịp về quê ăn Tết.
Nhà xe: Đã chủ động đón đầu
Theo theo báo cáo của công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, phục vụ Tết năm nay, bến xe Đà Nẵng luôn đủ xe. Dự kiến trong 10 ngày cao điểm, mỗi ngày cần khoảng trên 300-400 lượt xe xuất bến mới đáp ứng đủ nhu cầu của hành khách. Đây là con số tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường, tuy nhiên với khoảng 1.500 đầu phương tiện hiện có thì hoàn toàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp đều cam kết thực hiện nghiêm túc việc điều tiết xe của Sở Giao thông vận tải, tức là tăng cường đầu xe cho các tuyến đông khách để bảo đảm giải phóng hết khách ngay trong ngày.
Taxi cũng là phương tiện tiện lợi để người dân lựa chọn đi đường gần trong dịp Tết năm nay. Ảnh: D.H.N |
Được biết, dịp Tết năm nay, các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ trên địa bàn Đà Nẵng đã có sự tính toán, chủ động đón đầu từ khá sớm. Công ty CP vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho rằng, năm nay các doanh nghiệp vận tải đã “hiệp thương” xây dựng giá cước từ trước. Với các tuyến cự ly ngắn dưới 300km trở lại sẽ có mức tăng giá cước khoảng 30%, từ 400-600km sẽ tăng khoảng 30-50% và từ 700km trở lên sẽ tăng “kịch trần” với mức khoảng 60% với chiều nhiều khách. Đồng thời, sẽ có mức giảm giá cước tương đương ở chiều ngược lại để cân đối cho chiều đi và về.