Cứ đến gần Tết là đội quân “cò” vé tàu lại xuất hiện đông đúc tại ga Sài Gòn. Khách hàng vừa chạy xe tới cổng hoặc trong ga đi ra thì liên tục được mời chào mua vé tàu công khai của gần 20 “cò” thường trực ở đây.
Các quán nước trước cổng ga được chọn làm nơi nơi giao dịch. Một số "cò" đứng trước cổng, hễ thấy người đi đường rẽ vào ga hoặc chạy chậm chậm thì lập tức ào ra hỏi han, níu kéo. Cũng có một số "cò" chạy xe máy hoặc cắm chốt ngay trong ga để lân la tìm đối tượng cần mua vé.
Chúng tôi vừa dừng xe trước cổng ga thì 3 "cò" liền tiếp cận hỏi mua vé thường hay vé Tết. Khi trả lời mua vé Tết, một thanh niên khoảng 30 tuổi nhanh nhảu: “Về đâu, ngày mấy, lấy bao nhiêu? Sẽ có vé luôn bây giờ, ga nào cũng có, giá vé thì theo "nhà nước" cộng thêm phí dịch vụ 250.000 đồng/vé”.
Người này nhiệt tình dẫn chúng tôi tới một quán nhỏ trước cổng ga để tiến hành mua bán với một “cò” khác. Bảng giờ tàu được photo và ép nhựa cẩn thận để sẵn trên bàn, 1 tờ giấy ghi danh sách các chuyến tàu còn chỗ được nữ chủ quán luôn cầm trên tay.
Nữ “cò” này cho biết giá thì có sẵn trên vé, chỉ thêm phí dịch vụ, sẽ viết giấy biên nhận, khách đặt cọc 100.000 đồng, vài ngày nữa đến lấy và không quên hỏi số điện thoại để liên lạc. Khi chúng tôi hỏi có vé về ga Vinh đi vào ban đêm không, lập tức “cò” mở tờ giấy giờ tàu và thông báo có vé đi vào buổi sáng và trưa.
Các "cò" vé hoạt động nhộn nhịp và mời chào công khai trước và trong ga Sài Gòn từ sáng đến tối. |
Đội quân vé chợ "đen" đông đúc trước ga Sài Gòn hoạt động từ sáng đến tối, luôn có nhiều phương án để khách hàng lựa chọn.
Tiếp cận với một nữ “cò” vé tàu khác, chúng tôi muốn mua 4 vé về ga Ninh Bình, chạy vào buổi sáng ngày 26 Tết. Người này liền bấm điện thoại alo với ai đó rồi trả lời: “Vé cho anh sẽ có ngay”. Chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên và e ngại khi vé không có tên và CMND thì làm sao lên tàu, “cò” liền giải thích: “Yên tâm đi, tới ngày đó gặp em, em sẽ dẫn lên tàu luôn. Chúng em bán vé thì phải chịu trách nhiệm đến khi khách lên tàu chứ. Anh chị cứ lấy số điện thoại bọn em để liên lạc. Nhiều người mua không đúng tên, CMND vẫn đi được đầy ấy mà”.
Chúng tôi tiếp tục phân vân, thì chị ta đưa ra cách cách thức khác: “Nếu lấy đúng tên và CMND thì phải đợi 5 - 10 ngày, anh chị đọc tên và 3 số cuối của CMND, làm giấy biên nhận và đặt cọc. Hoặc tới ngày đi, anh chị cứ đến ga trước 2 giờ sẽ được giao vé, hoa hồng chỉ 150.000 đồng".
Khi chúng tôi tỏ ra ái ngại nếu lúc đó mang hành lý lên ga mà không có vé thì lỡ hết mọi chuyện, “cò” vé liền trấn an: “Chúng em đã hứa và ghi biên nhận thì phải có vé, làm ăn uy tín lâu nay rồi mà. Phải chờ như vậy bởi ngày đó người ta mới đưa vé cho chúng em. Còn không anh chị cứ đặt cọc 100.000 đồng lấy giấy biên nhận, đến giờ lên tàu gặp chúng em, sẽ có người dẫn lên tàu và mua vé trên đó luôn".
Khi chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ về sự thật giả của vé tàu Tết này, lập tức một “cò” khác nói: “Anh chị mang vào phòng vé trong ga đưa cho nhân viên nói muốn đổi. Khi nhân viên xem, nếu là vé giả họ sẽ... tạm giữ anh chị để điều tra. Còn nếu nhân viên nói đổi vé phải mất 30% thì là đúng là vé thật.
“Anh đừng sợ, công an ở đây nhiều lắm nên không ai dám bán vé giả đâu”, một “cò” khác tiếp lời "đồng nghiệp".