Nhà xe 'quên' giảm giá cước
Đã có bốn đợt giảm giá xăng dầu trong gần một tháng rưỡi qua nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn phớt lờ việc giảm giá cước, kể cả khi có yêu cầu từ Bộ Tài chính.
>> Nhà xe ngửa tay xin tiền khách bù giá xăng
>> Doanh nghiệp làm ngơ chuyện giảm giá cước
>> Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá cước vận tải
>> Giá xăng giảm, giá cước vận tải vẫn giữ nguyên
Giá dầu đã giảm thấp hơn đầu năm 2012 nhưng giá cước vận tải tuyến Bắc - Nam không giảm mà còn tăng 2 triệu đồng (khoảng 11%) - Đồ họa: N.Khanh |
Từ ngày 9/5 đến nay đã bốn lần liên tiếp Bộ Tài chính điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu, với mức giảm giá dầu DO tổng cộng là 1.800 đồng/lít. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn “đánh trống lảng” khi nhắc đến việc giảm giá cước vận chuyển.
Đến thời điểm này, giá bán lẻ dầu DO đã xuống mức thấp hơn hồi đầu năm nay nhưng giá cước vận tải lại đang đứng ở mức cao hơn so với cùng thời điểm, mặc dù các lý do để tăng giá cước trong tháng 3 và 4 vừa qua là do giá dầu tăng.
Giá dầu đã giảm bốn lần nhưng cước vận tải vẫn đứng yên |
Do khách hàng không chú ý?
Ngày 22/6, một ngày sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 300-700 đồng/lít, các doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển hàng hóa vẫn im hơi lặng tiếng. Trước đó, trong các đợt giảm giá xăng dầu ngày 9/5, 23/5 và 7/6, các doanh nghiệp vận tải cũng trì hoãn giảm cước với lý do giá dầu DO chỉ giảm được “chút ít”, không thấm tháp vào đâu so với giá cước trên thị trường. Sau lần giảm giá xăng dầu thứ tư liên tiếp vào ngày 21/6, giới kinh doanh dịch vụ vận tải lại “ca bài cũ” là mức giảm giá dầu DO chỉ 400 đồng/lít, không đáng kể để điều chỉnh cước vận chuyển hàng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc một công ty vận tải ở TP.HCM, thừa nhận đến thời điểm này công ty vẫn chưa giảm giá cước vận chuyển do trên thị trường các doanh nghiệp trong ngành không giảm. “Mặc dù đến nay dầu DO đã giảm được 1.800 đồng/lít nhưng do mỗi lần giảm giá lại có chút ít nên khách hàng của chúng tôi không chú ý để yêu cầu giảm cước. Lần đầu có khách yêu cầu giảm giá, chúng tôi nói mức giảm của giá dầu quá ít nên họ cũng bỏ qua. Đến giờ, họ không ngồi cộng lại để ra mức giảm tổng cộng như trên nên chúng tôi cũng không việc gì phải cầm đèn chạy trước ôtô!” - ông Tuấn nói.
Yêu cầu giảm giá cước vận tải Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu. Đồng thời bộ cũng đề nghị các sở tài chính địa phương hướng dẫn và kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rà soát, thực hiện kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã giảm. Việc giảm giá cước vận tải là để góp phần bình ổn giá nhiều mặt hàng trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu vì giá cước vận tải chiếm phần không nhỏ trong chi phí đầu vào của nhiều mặt hàng. Đơn vị vận tải nào đã tăng giá trước đó thì bây giờ buộc phải giảm giá khi giá xăng dầu giảm mạnh. Như thế mới công bằng và sòng phẳng với người tiêu dùng. Hiện nay, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đang tập hợp báo cáo của các sở tài chính địa phương về tình hình đăng ký lại giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu giảm mạnh. LÊ THANH |
Theo báo giá của một doanh nghiệp vận tải hàng rời ở TP.HCM, với loại xe 5 tấn, các chuyến chạy trong vòng 100km trở lại, cước vận chuyển hồi đầu năm (thời điểm giá dầu DO là 20.400 đồng/lít) là 1,8 triệu đồng. Sau hai lần tăng giá dầu trong tháng 3 và 4 vừa qua (giá bán lẻ dầu DO tăng lên 21.900 đồng/lít), giá cước mà chủ hàng phải trả cho tuyến đi như vậy tăng lên 2 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay giá dầu DO chỉ còn 20.100 đồng/lít, thấp hơn 300 đồng/lít so với thời điểm đầu năm nhưng giá cước vẫn giữ mức 2 triệu đồng!
Tương tự, với tuyến Bắc - Nam, thời điểm đầu năm 2012 giá cước là 19 triệu đồng. Sau khi giá dầu tăng, công ty tăng thêm 2 triệu đồng. Hiện nay sau bốn lần giảm, giá dầu đã xuống thấp hơn trước thời điểm tăng vào đầu năm, nhưng cước vẫn giữ nguyên 21 triệu đồng. Việc giữ nguyên giá cước ở thời điểm này, thay vì giảm theo giá xăng dầu, đã giúp các doanh nghiệp có thêm một khoản lời đáng kể.
Theo một số doanh nghiệp vận tải, cả đi và về của tuyến Bắc - Nam xe chạy hết 400 lít dầu. Như vậy với giá dầu DO đã giảm 1.800 đồng/lít, tính ra chi phí dầu mỗi chuyến đã giảm 720.000 đồng (400 lít x 1. 800 đồng).
Chưa kể ở thời điểm tháng 3 và 4/2012, chi phí mua dầu chỉ tăng thêm 600.000 đồng/chuyến nhưng doanh nghiệp tăng cước tới 2 triệu đồng/chuyến. Không những thế, theo tính toán chi phí cho một chuyến chạy Bắc - Nam của doanh nghiệp này gồm: lương tài xế, tiền ăn dọc đường, tiền mua dầu, phí cầu đường và một số chi phí phát sinh khác trên đường đi trong khoảng 14 triệu đồng/xe. Như vậy, mỗi chuyến doanh nghiệp dư ra tới gần 7 triệu đồng.
Tương tự, các nhà xe chạy hàng từ cảng về chợ đầu mối, từ chợ đi các quận, huyện và vùng lân cận TP.HCM cũng từ chối giảm cước cho khách. Với các xe tải 800kg-1 tấn, giá cước vận chuyển các mặt hàng như trái cây, rau củ quả, thực phẩm tươi sống... giữ mức 550.000-600.000 đồng/chuyến. Công ty TNHH vận tải TC cho biết mức cước này đang cao hơn hồi đầu năm 50.000-100.000 đồng/chuyến tùy loại xe và mặt hàng chuyên chở.
Đại diện Công ty vận tải Hợp Thành Công (TP.HCM) cho biết đã thực hiện giảm giá cước cho chủ hàng nhưng mức giảm không đáng kể. Với các xe container chạy từ TP.HCM đi một số khu công nghiệp ở Bình Dương, mức cước hiện nay là 2.060.000 đồng/chuyến, giảm được 2% (khoảng 42.000 đồng/chuyến) so với cuối tháng 4-2012.
Tuy nhiên, khi giá dầu DO tăng 1.500 đồng/lít thì doanh nghiệp tăng 100.000 đồng/chuyến (tương đương 5%), từ 2 triệu đồng/chuyến lên 2,1 triệu đồng/chuyến. Các chuyến chạy đường dài cũng được điều chỉnh cước với tỉ lệ tương tự ở các thời điểm giá dầu tăng và giá dầu giảm hiện nay.
Diễn biến giá cước vận tải và so sánh với biến động giá dầu
Nguồn: Tổng hợp từ các doanh nghiệp vận tải và Tập đoàn Xăng dầu VN (giá dầu) |
Doanh nghiệp vận tải vẫn than khổ
Mặc dù có lời không nhỏ từ việc “đã tăng rồi thì khó giảm cước” nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn than, nếu có chủ hàng nào yêu cầu giảm cước.
Ông Nguyễn Minh Trung, giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần giấy tập Vĩnh Tiến, cho biết: “Tôi từng chủ động đề nghị các doanh nghiệp vận tải xem xét lại giá cước khi thấy giá xăng dầu giảm nhưng hầu như không ai thay đổi giá cước. Họ đều than khổ, nói giá nhiên liệu giảm chẳng bao nhiêu, trong khi chi phí lương, thực phẩm... không hề giảm nên không thể điều chỉnh giá được”.
Với tổng chi phí vận tải thuê bên ngoài hơn 1,5 tỉ đồng/năm, hiện công ty phải chi trên 100 triệu đồng/tháng tiền cước vận chuyển hàng. “Do phần lớn công ty vận tải không giảm giá nên cũng khó lòng bỏ công ty này để sang thuê công ty khác. Chỉ có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn khổ vì không thể tiết giảm được chi phí đầu vào” - ông Trung than.
Ông N., phó tổng giám đốc một doanh nghiệp trong ngành thép, cho rằng do sức mua quá thấp nên lượng hàng bán ra hầu như không đủ cho các doanh nghiệp vận tải chuyên chở, nên cả doanh nghiệp sản xuất lẫn doanh nghiệp vận tải đều không được lợi.
Với cước phí chuyên chở 120.000 đồng/tấn thép, ông N. cho hay lượng thép bán ra khoảng 30.000 tấn/tháng, chỉ bằng 60% so với trước, “nhà xe chẳng đủ chi phí để duy trì hoạt động lấy gì đòi họ giảm giá cho mình”. Cũng theo ông N., doanh nghiệp sản xuất thép không thể giảm giá thành sản xuất vì với sức mua quá yếu hiện nay, định phí (khấu hao, lãi suất ngân hàng, chi phí quản lý...)sản xuất lại lớn hơn rất nhiều so với các biến phí (nguyên - nhiên - vật liệu sản xuất...) nên khả năng giảm giá bán vẫn là điều... xa xỉ!
Theo ông Nguyễn Đắc Hải - giám đốc tài chính Công ty CP nhựa Rạng Đông, hiện chi phí vận chuyển đang chiếm 1,4% tổng chi phí sản xuất. Năm tháng đầu năm 2012, tổng chi phí vận chuyển của công ty đã chi khoảng 4 tỉ đồng, trong đó 1,8 tỉ đồng được trả cho các công ty vận chuyển thuê bên ngoài.
Theo tính toán của ông Hải, với tổng mức giá xăng dầu các loại đã giảm trong thời gian qua, nếu được các công ty vận tải giảm giá, mỗi tháng công ty cũng tiết giảm được chi phí khoảng 50 triệu đồng. “Nhưng cho đến nay các công ty vận tải vẫn không có dấu hiệu điều chỉnh giá cước chuyên chở dù chúng tôi có đề cập. Vì nếu cước vận chuyển giảm, ít nhất khi lưu thông ra thị trường sẽ giảm được bình quân 0,5%/sản phẩm so với giá bán hiện tại” - ông Hải tính toán.
Chưa sòng phẳng với khách hàng Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN, cho biết sau khi giá xăng tăng vào đầu năm, đã có nhiều hãng taxi tăng giá 500-1.000 đồng/km. “Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, sau bốn lần giá xăng giảm thì Hiệp hội Vận tải ôtô VN có khuyến cáo với các đơn vị đã điều chỉnh cước taxi nên giảm giá cước ngay. Mức giảm 500-800 đồng/km” - ông Hùng cho biết. Chia sẻ ý kiến này, ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, cũng nhấn mạnh là giá xăng giảm thì cước taxi phải giảm theo vì chi phí xăng chiếm hơn 30% chi phí vận tải taxi. Nếu hãng taxi nào không giảm giá cước sẽ bị mất khách, vì có đến hơn 60% là khách quen. Ông Nguyễn Hồng Minh, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty thương mại và du lịch Nguyễn Minh (chủ quản Hãng taxi Nguyễn Minh và taxi Thu Hương), cho hay đã giữ giá cước taxi từ đầu năm đến nay dù giá xăng có tăng mạnh. Thực tế việc cạnh tranh giữa các hãng khá gay gắt, nên cùng với việc chất lượng dịch vụ tốt thì giá cước hợp lý cũng là để giữ chân khách hàng trong thời buổi hiện nay. Nhiều doanh nghiệp hoạt động taxi tại TP.HCM như Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang, Công ty TNHH một thành viên taxi Sài Gòn cho biết vẫn chưa bàn việc giảm giá cước taxi. Ông Tạ Long Hỷ - giám đốc Hãng xe Vinasun và là chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - cho biết giá cước taxi Vinasun không giảm vì các chi phí dịch vụ đầu vào vẫn còn cao. Theo ông Hỷ, hiện nay lãi suất vay ngân hàng giảm xuống 12%/năm, nhưng các doanh nghiệp taxi không dễ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất 12%. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp taxi đã vay ngân hàng với lãi suất cao trước đây nay vẫn phải trả lãi vay cao nên chưa tính giảm giá cước trong đợt giá xăng dầu giảm lần này. Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Phú - giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ vận tải Minh Liên - cho biết đơn vị không giảm giá cước vận tải trong đợt giá dầu giảm lần này. Bởi vì doanh nghiệp của ông và chủ hàng thỏa thuận nếu trong một lần điều chỉnh mà giá xăng dầu tăng thêm trên 1.000 đồng/lít thì sẽ điều chỉnh giá cước tăng, ngược lại nếu một lần điều chỉnh giá xăng dầu giảm 1.000 đồng/lít thì điều chỉnh giá cước giảm. Như vậy, hai lần giảm giá cước vừa qua mỗi lần đều giảm dưới 1.000 đồng/lít nên chủ hàng và chủ xe thống nhất không điều chỉnh giảm giá cước vận tải hàng hóa, và hai bên đã thống nhất không cộng dồn hai lần điều chỉnh giá xăng dầu tăng hoặc giảm để điều chỉnh giá cước vận tải tăng hoặc giảm. Theo ông Hoàng Duy Kha - chủ nhiệm Hợp tác xã Đông Bắc - đơn vị có xe đò hoạt động ở bến xe miền Đông, mấy lần trước giá xăng dầu tăng nhưng hợp tác xã không tăng giá cước xe đò nhằm cạnh tranh thu hút hành khách đi xe. Do đó, nay giá xăng dầu giảm nên doanh nghiệp không giảm giá cước. Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng - chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải du lịch và dịch vụ Sài Gòn - cho biết mấy lần trước xăng dầu tăng nhưng hợp tác xã không tăng giá cước nên bây giờ hợp tác xã không giảm giá cước khi giá dầu giảm. Hơn nữa, hợp tác xã không thể giảm giá vé xe đò vì giá phụ tùng xe, tiền lương và các chi phí dịch vụ vận tải vẫn tăng mà không giảm. L.THANH - N.ẨN |
Theo tuổi trẻ