Trước việc ùn tắc nghiêm trọng tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và một số địa phương cả nước, người dân và doanh nghiệp đang rơi vào cảnh khó khăn.
Người dân mệt mỏi chờ đợi, doanh nghiệp đối diện nguy cơ thiệt hại khi phương tiện đến hạn đăng kiểm, nhưng không kiểm định kịp để chở hàng.
Khó khăn chồng chất
Ngày 24/3, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm Giải pháp dài hạn để gỡ vướng trong đăng kiểm. Lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Sở GTVT TP.HCM và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp vận tải đã nêu ra nhiều khó khăn trong ngành đăng kiểm hiện nay. Bên cạnh đó, một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng được các lãnh đạo, doanh nghiệp đề xuất, thực hiện trong thời gian tới.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM, nhìn nhận việc quá tải ngành đăng kiểm do trên do 9 trung tâm trên địa bàn thành phố và nhiều nơi khác trên cả nước đang đóng cửa, thiếu nơi cho tài xế lái xe đến kiểm định.
Nội dung đăng kiểm xe đang quá chi li, phức tạp. Nhiều xe tuổi đời cao, khó đáp ứng đủ tiêu chuẩn ngành đăng kiểm đưa ra, phải sửa nhiều lần tốn thời gian.
Theo ông Quản, nếu một phương tiện đáp ứng được các nội dung đăng kiểm thì xe này phải sửa gần bằng 80% xe mới. Thiếu đăng kiểm viên đã đành, đằng này luật yêu cầu xe đi đăng kiểm phải đúng từng chi tiết nhỏ, gây khó cho doanh nghiệp.
Xe xếp hàng chờ kiểm định trước trung tâm đăng kiểm 50-07V, quận Bình Tân. Ảnh: Minh Huy. |
“Chúng tôi nghĩ Cục Đăng kiểm cần xem xét chú trọng vào các chi tiết trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn giao thông, khí thải. Cái nào lặt vặt nên bỏ bớt để hỗ trợ người dân. Tài xế đi đăng kiểm mà xe bị lỗi áp suất lốp cũng bị trả về là gây khó”, ông Quản nói.
Đại diện Hợp tác xã vận tải Sen Việt, đơn vị có phương tiện chuyên đưa đón học sinh, cho biết mỗi xe chở học sinh chỉ có tài xế và tiếp viên. Tuy nhiên, xe nguyên bản phải đóng, mở cửa bằng tay.
Tài xế đã thay đổi loại cửa này thành cửa đóng tự động cho thuận lợi cả hành khách lẫn tiếp viên. Tuy nhiên, khi đi kiểm định, nhân viên đăng kiểm yêu cầu phải khôi phục nguyên bản. “Chúng tôi phải đưa toàn bộ xe đi sửa và xếp hàng lại để kiểm định, tốn nhiều thời gian. Tôi nghĩ chi tiết này không đáng để trả khi đăng kiểm”, vị này nói.
Chung khó khăn, ông Ngô Quang Trường, đại diện Công ty CP Vận tải Quang Châu, cho biết đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã khó khăn chồng chất thì nay khổ vì đăng kiểm.
Trước đây, doanh nghiệp ông đăng kiểm thuận lợi, vận tải mỗi ngày được 100.000 tấn hàng. Đến nay, 70% xe của doanh nghiệp ông phải dừng hoạt động vì hết hạn đăng kiểm. Nhân viên xếp hàng nhiều ngày nhưng chưa hoàn thiện được loại giấy tờ này gây thiệt hại lớn.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP.HCM, cho biết việc thiếu 500 đăng kiểm viên hiện nay là khủng hoảng mang tính quốc gia. Các trung tâm mới bổ sung được khoảng 80 đăng kiểm viên từ ngành công an và quân đội thì chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ.
CSGT hỗ trợ đăng kiểm ôtô tại Trung tâm đăng kiểm 50-07V. Ảnh: Minh Huy. |
Còn ông Nguyễn Tô An, Phó cục Đăng kiểm Việt Nam, nhìn nhận giai đoạn khó khăn ngành đăng kiểm đang hiện hữu. Dù khôi phục lại một số trung tâm đăng kiểm, vẫn thiếu nhân lực vận hành. Nhân lực chính là điểm nghẽn cơ bản hiện nay.
Tháo gỡ khó khăn
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết từ tháng 10/2022 đến nay, TP.HCM và cả nước gặp biến động lớn về ngành đăng kiểm, ảnh hướng đến người dân, doanh nghiệp.
Hiện TP.HCM còn 11/19 trung tâm đăng kiểm hoạt động với 23 dây chuyền, mỗi ngày kiểm định được 1.410 xe. Trong tháng 3 có khoảng 50.000 xe và tháng 4 là 85.000 xe cần đăng kiểm, chưa tính lượng xe bị rớt kiểm định nên áp lực rất lớn.
Trước tình trạng trên, Sở GTVT đã động viên các trung tâm làm thêm cả thứ 7 và chủ nhật. Tuy nhiên, việc tăng cường này không kéo dài được vì nhân viên làm không nổi. Việc sử dụng ứng dụng của Cục Đăng kiểm cũng bị quá tải.
Trước mắt, TP.HCM sẽ nhờ lực lượng CSGT hỗ trợ phân luồng phía ngoài, động viên đăng kiểm viên làm việc và khuyến cáo tài xế nên kiểm tra xe kỹ lưỡng trước khi đi kiểm định để tránh không đạt.
Phó cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An cho biết Thông tư 02/2023 về kiểm định xe cơ giới vừa được sửa đổi miễn đăng kiểm với phương tiện mới không giải quyết ách tắc kịp thời, mà góp một phần nào đó để giảm quá tải.
Việc ùn ứ tại trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM và một số địa phương do thiếu đăng kiểm viên nghiêm trọng. Ảnh: Minh Huy. |
Theo ông An, vấn đề cần giải quyết bây giờ chính là nhân lực. Một đăng kiểm viên tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật yêu cầu phải có 12 tháng kinh nghiệm.
Sắp tới, nếu sửa đổi Nghị định số 139 ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, có thể xem xét rút ngắn thời gian kinh nghiệm của đăng kiểm viên mới tốt nghiệp.
Đồng thời, sử dụng nhân lực có kinh nghiệm ở các cơ sở lắp ráp, bảo dưỡng xe cơ giới. Nhân lực này sẽ được huấn luyện ngắn trong thời gian 3 tháng để bổ sung ngành đăng kiểm.
Khi nguồn đăng kiểm viên tăng lên thì việc mở lại trung tâm đăng kiểm và tăng các chuyển kiểm định mới hiệu quả.
Ông An cho biết Cục Đăng kiểm đang tổ chức các lớp đào tạo nhân viên đăng kiểm. Sắp tới, đơn vị sẽ tổ chức thêm các lớp mới để bổ sung nhân lực, kêu gọi đăng kiểm viên nghỉ hưu quay lại làm việc.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm cũng kêu gọi các trung tâm đăng kiểm trên cả nước, nếu dư nguồn nhân lực thì có thể điều, hỗ trợ các trung tâm ở Hà Nội và TP.HCM đang thiếu đăng kiểm viên.
Cục Đăng kiểm cũng đang hướng tới áp dụng công nghệ thông tin vào đăng kiểm, hạn chế sự can thiệp của con người. “Chúng tôi đã đề xuất sử dụng các cơ sở sửa xe cấp 3S, 4S… tham gia vào ngành đăng kiểm. Lấy thước đo hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá”, ông An cho biết.
Ông Lê Trung Tính, cũng đề xuất nên ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào việc đào tạo nhân viên ngành đăng kiểm. Việc này sẽ giúp học viên tiếp thu kiến thức nhanh hơn, giảm chi phí và thời gian đào tạo. Theo ông, mỗi đăng kiểm viên đang được đào tạo 3-5 năm là quá lâu.
Đồng thời, ngành đăng kiểm nên tuyển dụng những kỹ sư học chuyên về ngành cơ khí ôtô, tập huấn nhanh để lấp vào thiếu hụt nhân lực ngành đăng kiểm.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.