Theo Yonhap, phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc ông Kim Eui Kyeom trong cuộc họp báo hàng ngày 25/2 đã chia sẻ: "Tôi tin khả năng này có thể xảy ra. Không có cách nào biết được kiểu tuyên bố đó là gì, nhưng tôi tin Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được thỏa thuận về tuyên bố chấm dứt chiến tranh ở bất kỳ mức độ nào".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần hai vào các ngày 27-28/2 tại Hà Nội.
Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) trên lý thuyết mới chỉ tạm dừng bằng một thỏa thuận đình chiến. Seoul trước đó khẳng định rằng việc tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên ít nhất phải bao gồm sự có mặt của cả hai miền Triều Tiên và Mỹ.
Người phát ngôn phủ tống thống Hàn Quốc, ông Kim Eui Kyeom. Ảnh: Yonhap. |
Ông Kim cho rằng hai miền đã kết thúc chiến tranh trên thực tế sau khi quân đội hai nước ký một thỏa thuận từ bỏ mọi hành động thù địch sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thăm Bình Nhưỡng trong hội nghị cấp cao liên Triều lần thứ 3, diễn ra vào tháng 9/2018.
Người phát ngôn Nhà Xanh nói thêm rằng Seoul và Bắc Kinh trên thực tế cũng đã chấm dứt chiến tranh khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng với đó là việc bình thường hóa quan hệ của Bắc Kinh với Washington vào năm 1979. Trung Quốc là nước tham gia bên phía Triều Tiên trong cuộc chiến.
"Vì vậy, những bên còn lại chỉ là Triều Tiên và Mỹ, nếu Triều Tiên và Mỹ tuyên bố chiến tranh kết thúc, điều đó sẽ dẫn tới việc chiến tranh kết thúc trên thực tế", ông Kim nhận định.
"Điều quan trọng hơn là đảm bảo việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên diễn ra suôn sẻ thông qua tuyên bố chấm dứt chiến tranh và đẩy nhanh tốc độ của quá trình phi hạt nhân hóa".
Tuy vậy, người phát ngôn phủ tổng thống Hàn Quốc nói rằng việc thay thế thỏa thuận đình chiến Triều Tiên bằng một hiệp định hòa bình sẽ mất thời gian, và đó phải là một nỗ lực đa phương liên quan tới cả hai miền Triều Tiên và Trung Quốc.
"Một hiệp định hòa bình phải bao gồm những tiêu chí phức tạp và có hệ thống. Và một hiệp định hòa bình cần phải tới trong giai đoạn cuối của quá trình phi hạt nhân hóa", ông Kim cho biết.
"Vì hiệp định hòa bình phải bao gồm một cam kết an ninh của các quốc gia đa phương, nên chính phủ của chúng tôi cho rằng việc ký kết một hiệp định hòa bình phải là một tiến trình đa phương", ông Kim kết luận.