Người đàn ông tại thành phố Karachi chăm sóc con gái trong khi chờ đợi các bác sĩ. Ảnh: AP |
Theo CNN, tại Trung tâm y tế Đại học Jinnah Post ở thành phố Karachi, thủ phủ của tỉnh Sindh, số lượng bệnh nhân vào bệnh viện do sốc nhiệt ngày càng tăng dẫn đến tình trạng quá tải. Máy móc, thiết bị tại bệnh viện không thể đáp ứng nhu cầu của mọi bệnh nhân.
Các bác sĩ và y tá cố gắng hết sức để chăm sóc người bệnh. Nhưng do nguồn lực hạn chế, bệnh viện phải dựa vào sự trợ giúp của các tình nguyện viên và những nhà hảo tâm. Thân nhân người bệnh cũng phải chủ động lo cho người nhà.
"Thời tiết quá nóng. Tôi cảm thấy buồn nôn và mệt mỏi. Dường như cơ thể tôi chẳng còn sức lực", một cụ già nói với CNN.
Tại Edhi, nhà xác lớn nhất vẫn hoạt động ở thành phố Karachi, tình hình thậm chí còn khó khăn hơn. Hôm 25/6, giới chức Pakistan cho biết, từ đầu đợt nắng nóng tới nay, hơn 1.000 người dân tại tỉnh Sindh thiệt mạng.
Người dân địa phương cho hay, nhà xác Edhi không thể tiếp nhận thêm tử thi vì không còn chỗ để chứa. Mùi tử khí bốc lên nồng nặc. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng cắt điện tại khu vực hàng ngày để đáp ứng nhu cầu dùng điện trong mùa nắng nóng của hơn 16 triệu dân. Các nhà xác trở nên nóng nực và nhớp nháp.
Người dân thành phố Karachi tránh nóng trong một thánh đường Hồi giáo hôm 22/6. Ảnh: Getty Images |
Nhiệt độ tại thành phố Karachi thường cao trong giai đoạn trước khi mùa mưa tới. Tuy nhiên, đợt nóng năm nay, bắt đầu từ hôm 19/6, đặc biệt khủng khiếp.
Hôm 20/6, nhiệt độ vọt lên 44,8 độ C, mức cao nhất trong vòng 15 năm qua, và giảm nhẹ xuống mức 42,5 độ C vào hôm 21/6. Theo dự đoán của các nhà khí tượng, nhiệt độ sẽ tiếp tục giảm vào cuối tuần.
Đợt nắng nóng xảy ra đúng vào tháng lễ Ramadan. Vào thời gian ấy, các tín đồ nhịn ăn và uống từ lúc bình minh đến khi mặt trời lặn. Trong bối cảnh nắng nóng gay gắt vẫn tiếp diễn, việc nhịn ăn sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ và đe doạ tính mạng của tín đồ. Nhiều giáo sĩ khuyên người dân ngừng nhịn ăn trong tháng lễ nếu cảm thấy không khỏe.