Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà vườn thu bộn tiền sau Tết

Nhiều nhà vườn tại ĐBSCL năm nay được mùa trái cây Tết với thị trường tiêu thụ mạnh. Sau Tết, các sản phẩm này vẫn tiếp tục “neo” giá ở mức cao, thậm chí đang trên đà tăng thêm.

Nhà vườn thu bộn tiền sau Tết

Nhiều nhà vườn tại ĐBSCL năm nay được mùa trái cây Tết với thị trường tiêu thụ mạnh. Sau Tết, các sản phẩm này vẫn tiếp tục “neo” giá ở mức cao, thậm chí đang trên đà tăng thêm.

Ông Võ Ngọc Diệp – nông dân trồng thanh long tại xã Lương Hòa Lạc, (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết, trước Tết Quý Tỵ, giá thanh long chỉ ở mức 17.000 – 20.000 đồng/kg, nhưng bắt đầu từ ngày mồng 7 tết, giá bán tại vườn “nhảy” lên tới 22.000 đồng/kg loại 1. Trái loại 2, loại 3 cũng được tăng thêm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg khiến nhà vườn vô cùng phấn khởi.

“Mọi năm, sau tết giá thường không tăng mạnh, phần lớn là giữ giá hoặc tụt giá so với thời điểm trước tết nhưng năm nay lại khác. Nhiều thương lái hỏi mua thanh long với giá cao ngay những ngày đầu năm mới” - ông Diệp vui vẻ cho hay.

 
Giá trái cây tăng mạnh những ngày đầu năm khiến nhà vườn phấn khởi.

Tại Đồng Tháp, bà con trồng xoài tại hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương cũng đang rất phấn khởi vì giá các sản phẩm xoài sau tết tăng mạnh so với mọi năm. Cụ thể, xoài cát Chu hiện tại có giá 25.000 – 27.000 đồng/kg trong khi xoài cát Hòa Lộc thu mua tại vườn với mức giá ngất ngưởng: 70.000 đồng/kg. “Giá cao nhưng thị trường trong nước vẫn tiêu thụ rất mạnh, HTX không đủ hàng để xuất khẩu nhưng vẫn phải ưu tiên bán cho người tiêu dùng trong nước” - ông Huỳnh Văn Bá – Chủ nhiệm HTX xoài Mỹ Xương cho biết.

Tại Bến Tre, bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cũng cho hay, giá nhiều loại trái cây khác đang ở mức giá khá cao so với thời điểm trước tết cũng như cùng kỳ năm trước. Cụ thể như giá chôm chôm các loại dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, bưởi da xanh có giá 50.000 đồng/kg…

Theo đánh giá của bà Thu, sau nhiều thông tin trái cây nhập khẩu có dư lượng hóa chất nguy hiểm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... đã khiến nhận thức của nhiều người tiêu dùng thay đổi. Nhiều người bỏ thói quen tiêu thụ các sản phẩm trái cây nhập khẩu, chuyển sang sử dụng các loại trái cây trong nước khiến nhu cầu tăng cao hơn mọi năm.

Xuất khẩu “yếu thế”

Trái ngược với thị trường trong nước, hoạt động xuất khẩu trái cây đầu năm Quý Tỵ không nhộn nhịp như những năm trước. Theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp, HTX chế biến, xuất khẩu trái cây, đến thời điểm hiện tại, lượng hợp đồng xuất khẩu trái cây cho năm mới vẫn rất hạn chế.

Ghi nhận tại các chợ bán lẻ ở TP.HCM, do nhu cầu sử dụng trái cây cho việc đi chùa, cúng lễ dịp đầu năm vẫn ở mức cao khiến giá trái cây bán lẻ cũng tăng theo. Cụ thể như xoài cát Hòa Lộc có giá 90.000 – 100.000 đồng/kg, quýt đường 80.000 - 90.000 đồng/kg, cam sành 50.000 đồng/kg, thanh long 50.000 – 55.000 đồng/kg, mãng cầu có giá 75.000 - 80.000 đồng/kg…

Ông Huỳnh Văn Bá – Chủ nhiệm HTX xoài Mỹ Xương cho biết, từ khi HTX đạt chứng nhận GlobalGAP cho 21ha xoài, nhiều bạn hàng quốc tế như Hàn Quốc, New Zealand có đến tham quan, tìm hiểu chất lượng sản phẩm nhưng tới nay vẫn chưa có nhiều hợp đồng được ký kết.

Nguyên nhân chủ yếu là do diện tích xoài GlobalGAP của Mỹ Xương còn ít, sản lượng hạn chế, không đủ đáp ứng các đơn hàng lớn của nước ngoài.

Trong khi đó, thông tin Trung Quốc – thị trường chính của trái thanh long Việt Nam đang khuyến khích phát triển, mở rộng diện tích vườn thanh long tại hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây cũng khiến ông Võ Ngọc Diệp và nhiều nông dân trồng loại cây này tại Đồng bằng sông Cửu Long lo lắng.

Theo ông Diệp, dù trái thanh long Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới nhưng nông dân trồng thanh long hiện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Do đó, nếu trong thời gian tới, thị trường này hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam sẽ gây nhiều khó khăn cho người trồng thanh long cả nước.

“Các đơn vị chế biến, xuất khẩu trái cây cũng như cơ quan chức năng cần tăng cường mở rộng thêm thị trường ở châu Phi, châu Mỹ, là những nơi tiêu thụ trái thanh long Việt Nam rất tốt thời gian qua, tránh phụ thuộc quá nhiều vào những thị trường không ổn định như Trung Quốc, Hong Kong…” - ông Diệp chia sẻ.

Còn theo bà Thu, ngành trái cây Việt Nam trong năm mới cần chấn chỉnh tình trạng mua bán chộp giật, tránh kiểu “ăn xổi ở thì”, tăng cường đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như uy tín của nhà xuất khẩu thì mới mong phát triển bền vững hoạt động xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Theo Dân Việt

Theo Dân Việt

Bạn có thể quan tâm