Đào móng 4 m để xây nhà… cấp 4
Chúng tôi quay trở lại khu tái định cư Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp (Nha Trang) sau gần một tháng xảy ra vụ nhà ông Nguyễn Cà bị nứt, lún, phải khẩn trương di dời. Hiện căn nhà của ông Cà đã được đập phá để xây lại.
Ông Cà đang cho thợ đào đất sâu 4 m để làm móng, đổ trụ và lu lại nền. Theo chủ nhà, khi đào sâu xuống khoảng 3 m thì phát hiện nhiều rác, rễ cây, gốc dừa…
Nhà ông Nguyễn Cà được phá dỡ, đào lại móng sâu 4 m để xây nhà cấp 4. Ảnh: Ngọc Minh. |
Những người thợ hồ cho biết, nếu xây trên nền đất như vậy thì sau này gốc dừa, rễ cây, rác sẽ mục, tạo khoảng hở, gây lún nền và nứt nhà. Ông Cà cho rằng, đơn vị thi công khu tái định cư Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp đã làm ẩu, dẫn đến hàng loạt nhà tại đây vừa xây đã nứt.
“Nhà cũ bị giải toả phục vụ công trình nên tôi được đền bù hơn 800 triệu đồng. Nhưng xây nhà mất 780 triệu đồng ở chưa được một tháng thì sập. Đơn vị thi công đền bù cho 200 triệu đồng và thêm 36 triệu đồng hỗ trợ phá dỡ nhà nhưng cũng đủ làm móng”, ông Cà bức xúc.
Kế bên nhà ông Cà, ông Huỳnh Hòa cũng đang cho thợ đào đất sâu hơn 3 m để làm móng, đổ trụ. Chỉ vào những ống bi đặt dưới móng, ông Hòa cho biết do thấy nhà ông Cà bị sập nên gia đình cũng cố gắng làm móng chắc chắn.
“Tôi được bồi thường 340 triệu đồng, mua lô đất hết 77,6 triệu, làm móng tốn 150 triệu nên không còn tiền xây nhà. Chúng tôi chấp hành chủ trương di dời nhưng đưa người dân vào khu tái định cư chất lượng kém như thế thì ấm ức lắm”, ông Hòa cho hay.
Theo tìm hiểu, rất nhiều hộ dân ở khu tái định cư Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp mới xây nhà xong đã nứt. Hiện nay họ đã gia cố, hàn vết nứt lại để đối phó với mùa mưa.
Làm ẩu đất nền
Khu tái định cư Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp được xây dựng để phục vụ khoảng 120 hộ dân bị giải tỏa dự án đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng. Đến nay đã có hơn 100 hộ được bàn giao đất, trong đó có hơn 80 gia đình đến xây dựng nhà ở. Khu tái định cư này được khởi công từ tháng 12/2014, bàn giao đất vào tháng 7/2015.
Người dân phản ánh, khu vực này vốn là đất trồng lúa, được cơ quan chức năng thu hồi để xây dựng khu tái định cư. Chỉ trong vòng nửa năm, từ cánh đồng sình lầy đã được đơn vị thi công đổ đất, lu nền rồi bàn giao cho người dân.
Người dân đặt câu hỏi, có phải do ép tiến độ dự án đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng mà họ bị di dời quá nhanh, đơn vị thi công khu tái định cư cũng vội vàng?
Bà Huỳnh Thị Điệp (khu tái định cư Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp) cho biết: "Tôi nhớ không nhầm thì đơn vị thi công tiến hành đổ đất nền chỉ 4 tháng trước khi bàn giao mặt bằng nên nền đất chưa ổn định. Chúng tôi bị lấy mặt bằng để thực hiện dự án nên cũng phải vào đây vội vàng xây dựng nơi ở. Tôi nghĩ dù nền móng có kiên cố cũng khó tránh được nứt nhà”.
Sau vụ nhà ông Cà bị sập, nhiều hộ dân chấp nhận tốn tiền đào móng thật sâu đề phòng gặp sự cố tương tự. Ảnh: Ngọc Minh. |
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2015 của UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở xây dựng cho biết, Sở có nhận đơn của người dân phản ánh đất tái định cư yếu. Thực tế các khu tái định cư phía Tây Nha Trang hầu hết vốn là đất bùn, nhão. Ông Sơn cho rằng khi người dân xây nhà cần phải tính toán đất nền để có phương án ép cọc, làm móng phù hợp.
Ông Lê Thành Trực - Phó Giám đốc Ban quản lý các công trình giao thông và thủy lợi tỉnh cho biết, trường hợp nhà ông Nguyễn Cà, Ban đã phối hợp với đơn vị thi công tổ chức cuộc họp và hỗ trợ thỏa đáng.
Đối với ý kiến của người dân về chất lượng đất nền khu tái định cư, Ban đã gửi văn bản lên Sở Xây dựng đề nghị phối hợp kiểm tra chất lượng công trình trước khi nhận bàn giao từ đơn vị thi công. Nếu phát hiện có sai sót hoặc chất lượng không đảm bảo thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm.
“Do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng nên chúng tôi đã yêu cầu người dân về khu tái định cư xây dựng nhà mà không đợi đến khi cơ quan chức năng kiểm tra và nhận bàn giao. Tuy nhiên tôi khẳng định các thủ tục đều đúng và nằm trong khả năng cho phép. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi kỹ diễn biến tại khu tái định cư này”, ông Trực nói.