Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nhà Việt Nam' - lạc đề, không thể tiêu biểu

Trong khi đại đa số các nước bám chặt chủ đề lương thực và sự sống thì “Nhà Việt Nam” trưng bày những chiếc bình, lọ sơn mài... bên cạnh mớ thức ăn nhanh và và quần áo “hàng chợ”.

Thật sự ngỡ ngàng khi đọc thông tin Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đưa “Nhà Việt Nam” tại Expo Milano vào danh sách đề cử những sự kiện tiêu biểu trong năm 2015. 

Chúng tôi không muốn tranh luận với lãnh đạo bộ này về chuyện số lượng người tham quan, số lời khen... mà chỉ xét trên một yếu tố quan trọng bậc nhất, đó là cuộc triển lãm của Việt Nam tại Expo Milano “trúng đề” hay là “lạc đề”?

Trang phục được bày tại Nhà Việt Nam ở EXPO 2015 được thiết kế theo kiểu Trung Quốc - Ảnh tư liệu
Trang phục được bày tại Nhà Việt Nam ở EXPO 2015 được thiết kế theo kiểu Trung Quốc. Ảnh tư liệu

Cơ bản cần nêu rõ rằng Expo Milano không hề là một hội chợ, triển lãm văn hóa, du lịch chung chung mà có chủ đề được công bố làm “đề bài triển lãm” là “Nuôi nấng hành tinh, năng lượng cho sự sống” (Nutrire il pianeta, energia per la vita!).

Mỗi Expo, cách nhau 5 năm, có một chủ đề riêng: Expo Thượng Hải - 2010 có chủ đề là “Thành phố tốt đẹp hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn”; Expo tới, Dubai - 2020, thì siêu hiện đại: “Kết nối tâm hồn, sáng tạo tương lai”.

Thành ra, để đánh giá cho trúng thì phải trả lời câu hỏi: triển lãm của Việt Nam có đúng với chủ đề trên hay không?

Câu trả lời là: nội dung triển lãm của Việt Nam hoàn toàn lạc đề, trái với phần lớn các nước đều đã tham gia đúng theo “đề bài”. Đó là lý do mà ngay cổng vào lại sừng sững các tòa nhà hình vựa lúa của Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO).

Các nước trồng cà phê, ca cao, lúa mì, lúa gạo, nước nào nước ấy “hùng hồn” giới thiệu sản phẩm của mình, trồng như thế nào, chế biến ra sao. Hầu hết đều mong muốn qua việc giới thiệu quá trình trồng trọt, cho ra kết quả sản phẩm như thế nào, sẽ đưa khách xem đến với văn hóa đất nước mình.

Một nước láng giềng sát cạnh Việt Nam cả trong địa lý lẫn ở Expo Milano, đó là Campuchia đã trưng lên được một hình chiếu cảnh trồng lúa có dòng chữ “Nuôi nấng tương lai với hạt gạo và thực phẩm an toàn, dinh dưỡng và truy nguyên được nguồn gốc”... 

Vương quốc Bỉ triển lãm với khẩu hiệu “Nước nhỏ nhưng nền ăn uống thì vĩ đại” với các món “sôcôla Bỉ”, “bia Bỉ”, “khoai chiên Bỉ”. Khách mua “khoai chiên Bỉ” được biếu huy hiệu “Eat Belgian fries” (Hãy ăn khoai chiên Bỉ).

Nỗ lực nhằm đánh bật cái quan niệm cho đến nay vẫn cho rằng khoai chiên là một món của người Pháp (French fries), và để đòi lại vai trò “ông tổ” của món này là người Bỉ.

Trong khi đại đa số các nước bám chặt chủ đề lương thực và sự sống khi tham gia Expo Milano, thì ở “Nhà Việt Nam” lại chủ lực trưng bày là những chiếc vại, bình, lọ sơn mài, cùng mấy nhạc cụ cổ truyền trên sân khấu dựng ở chính diện cái ngôi nhà bằng tre hai tầng phải nói là “lạ mắt”. Bên cạnh đó là mớ thức ăn nhanh và quần áo “hàng chợ” như đắp vô cho đầy!

Giá như “Nhà Việt Nam” giới thiệu với khách quốc tế về hạt gạo, con cá, mớ rau, hột tiêu, hạt cà phê, trái cây... của Việt Nam là ngon tuyệt, lành mạnh, tầm cỡ như thế nào. Hay “nuoc mam Phu Quoc” là của đảo Phú Quốc của Việt Nam chứ không thể nào “made in Thailand” được... Khi ấy, có lẽ đỡ xót số tiền 3 triệu USD bỏ ra.

Không phủ nhận rằng về mặt kiến trúc, tòa “Nhà Việt Nam” lạ mắt, nhạc cổ truyền Việt Nam ngày diễn mấy suất cũng thế. Song, kiến trúc tòa nhà hay văn nghệ biểu diễn không đủ để xóa đi điều cốt lõi: lạc đề! Và đi thi mà làm bài lạc đề thì làm sao tiêu biểu được.


http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20151227/nha-viet-nam-lac-de-khong-the-tieu-bieu/1028029.html

Theo Danh Đức/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm