Vấn đề nằm ở chỗ độc giả và nhà văn nên có "thái độ ứng xử" đối với nhau như thế nào trong thời đại công nghệ.
"Tầm đón nhận" khác nhau
Trong đời sống xã hội, hoạt động của mỗi người đều phải tuân thủ theo một số quy tắc nhất định. Trong tư duy, trong cảm nghĩ, con người được tự do tuyệt đối. Nhưng, thể hiện tư duy, cảm nghĩ ấy ra ngoài như thế nào thì lại phải chọn lựa để phù hợp với xã hội. Ngược lại, chính những tiêu chuẩn của xã hội đang sống cũng tác động đến sự lựa chọn đó. Nhận xét về tác phẩm văn học cũng là một trong những hoạt động tư duy tự do tuyệt đối. Các suy nghĩ của con người có thể rất khác nhau cho nên độc giả có ý kiến khác nhau về một tác phẩm cũng là lẽ thường tình.
Tính chủ quan luôn là tiền đề cho mọi hoạt động đọc của con người. Người đọc tiếp nhận tác phẩm với những tâm trạng buồn vui khác nhau, có trình độ văn hóa khác nhau, xuất thân từ những nghề nghiệp khác nhau, có độ tuổi và giới tính khác nhau, có thái độ khác nhau và ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử. Bao nhiêu người đọc một tác phẩm, thì sẽ bấy nhiêu cách tiếp nhận. Có những cách tiếp nhận sâu sắc, cũng có những cách tiếp nhận hời hợt. Và, nhiều khi, các cách hiểu riêng ấy lại trùng hợp với nhau. Khi ấy, tác phẩm văn học thường được số đông đồng ý cho là hay (hoặc dở).
Mặt khác, khi đến với một tác phẩm văn học, người đọc thường có sẵn một "tầm đón nhận", tức là những thị hiếu có sẵn, phụ thuộc vào sự hiểu biết, tri thức cá nhân, tình cảm, quan niệm, lứa tuổi, giới tính... Do vậy, sẽ xảy ra hiện tượng là thấy cuốn sách này hay vì phù hợp với tầm đón nhận của mình, hoặc thấy không hay, thấy lúng túng vì xa lạ với tầm đón nhận sẵn có. Nhưng, tầm đón nhận cũng sẽ thường xuyên thay đổi thông qua việc đọc tác phẩm văn học theo thời gian, kinh nghiệm sống, cho nên ở những thời điểm khác nhau, người đọc có thể có những đánh giá khác nhau về cùng một tác phẩm.
Những quan niệm về nhà văn không còn hợp thời đại
Cần xác định rằng, nghề văn là một nghề có tính chất lao động đặc thù, là lao động nghệ thuật, nhưng đó cũng là một nghề nghiệp như bao nhiêu nghề khác. Khi nhà văn đã muốn công bố tác phẩm của mình ra công chúng để đổi lấy lợi ích vật chất (tiền bạc) và tinh thần (danh tiếng), thì nhà văn cũng sẽ phải chịu sự phán xét của công chúng về sản phẩm của mình. Nhưng, văn chương thì không như định mức KPI để đánh giá, cũng không có chuẩn mực riêng để đánh giá cho mỗi tác phẩm riêng.
Nhà văn phải biết và học cách chấp nhận những đánh giá khác nhau để hiểu thêm về thị hiếu đọc của công chúng và có thể từ đó mà điều chỉnh lại cách viết của mình trong những tác phẩm sau. Khi nhà văn đã bán tác phẩm, nhà văn cũng chỉ là một người đi tìm khách hàng cho mình và xin đừng nhân danh nghề của mình là cao quý hơn người để coi thường khách hàng. Còn nếu không làm được điều đó, không viết được cho khách hàng (độc giả) thì nhà văn chỉ có cách là đừng bán tác phẩm nữa.
Sách điện tử đã có vị trí quan trọng trong thời đại công nghệ. |
Tại sao lại có tư duy cho rằng nghề văn là một nghề "hơn người"? Đây là do ảnh hưởng từ suốt chiều dài lịch sử văn chương truyền thống của Việt Nam nói riêng và ở nhiều nước phương Đông nói chung. Khi ấy, quan điểm "sĩ, nông, công, thương" phổ biến vì một lẽ đơn giản: những ai biết chữ thì đều có cơ hội đi thi, đỗ đạt, ra làm quan hay ít ra cũng làm thầy đồ dạy học. Thời trung đại, có mấy người biết chữ Hán, chữ Nôm? Và, ai là người làm thơ, làm văn? Họ toàn là quan lại, vua chúa, hay ít ra cũng là nhà Nho. Họ được người dân kính nể, tôn trọng có phải chỉ vì họ biết chữ, họ là nhà văn, nhà thơ đâu, mà còn vì địa vị xã hội cao ngất ngưởng của họ so với dân đen.
Nếu nói nhà thơ có tước và chức Du Đức Hầu, Cần Chánh điện học sĩ, Lễ Bộ Hữu Tham tri, người thời nay mấy ai biết đấy là Nguyễn Du. Nếu nói nhà thơ có chức Tham tri Bộ Binh, Tổng đốc, Phủ doãn Phủ Thừa Thiên, người đời nay mấy ai biết đó là Nguyễn Công Trứ? Thơ văn của họ viết để làm gì? Chỉ có hai mục đích: Một là văn quan phương, để phục vụ cho triều đình, công việc như Nguyễn Trãi viết "Đại cáo bình Ngô". Hai là để "văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí", hay cùng lắm là "mua vui cũng được một vài trống canh" như Nguyễn Du kết thúc "Truyện Kiều". Có ai dùng văn chương để bán đâu, bởi vì độc giả của họ cũng chính là bạn bè xung quanh họ, là tri âm, tri kỷ của họ. Họ làm văn, làm thơ còn để thù tạc, tặng nhau, đáp lễ... Mà, có muốn bán cũng khó lòng, vì thời đó có mấy ai biết chữ để làm độc giả? Độc giả của họ lúc đó cũng là những độc giả cùng tầng lớp, cùng tầm đón nhận, thậm chí, có những mối quan hệ quen biết, qua lại ngoài đời. Sự tiếp nhận tác phẩm, sự đồng cảm với những phát ngôn của nhà văn cũng dựa trên sự tri âm, tri kỷ, thấu hiểu lẫn nhau, hiểu được và đồng cảm với "cái tầm" của nhau.
Sang đến thế kỷ XX, cùng với văn minh phương Tây du nhập, sự lớn mạnh chính thống của chữ quốc ngữ, sự hình thành và phát triển các đô thị cùng các tầng lớp thị dân v.v..., các nhà văn đã không còn lối sáng tác như thời trung đại. Làm gì còn thứ văn chương miễn phí cho độc giả nữa. Tản Đà với tuyên bố bán văn chương lừng lẫy cùng với sự nghiệp nhiều phen sống dựa vào các “Mạnh Thường Quân” là một minh chứng điển hình.
Thế nhưng, trong suốt thế kỷ XX, nhà văn đối với độc giả Việt Nam vẫn là một con người được phủ lên vầng hào quang huyền thoại của chữ nghĩa. Một cuộc nói chuyện của nhà văn với công chúng ở trường học, công ty, nhà máy... cũng thành một sự kiện nổi bật và nhiều giai thoại văn học ra đời cũng từ đó. Sự bao cấp trong một thời gian dài đã khiến cho nhiều nhà văn và cả độc giả tự cho rằng nghề văn là một nghề đặc biệt, một nghề nhận được sự đãi ngộ, biệt đãi của Nhà nước, của những người xung quanh.
Nhà văn sống trong thời đại của mạng xã hội và cách tiếp nhận đúng đắn
Năm 1997, Internet chính thức vào Việt Nam, sau đó là sự bùng nổ của các forum (diễn đàn), blog và bây giờ là mạng xã hội. Bên cạnh đó là sự bùng nổ của truyền thông, báo chí cùng với sự phát triển về mọi mặt của xã hội Việt Nam. Lượng thông tin mà chúng ta phải đón nhận mỗi ngày tăng nhiều so với trước ở một mức độ khủng khiếp. Từ đó, phát sinh ra khái niệm "lật và lướt" thông tin.
Khi mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam, nhà văn tham gia trên đó có nghĩa là đã chấp nhận mình phải hòa vào với văn hóa mạng và bỏ đi vầng hào quang mờ ảo có được từ sự "cách xa" độc giả. Ngày trước, nhà văn chỉ được độc giả biết đến qua tác phẩm, qua những dòng tiểu sử chính thức, qua vài bài phỏng vấn, hay qua hồi ký... Còn ngày nay, nhờ mạng xã hội, nhà văn đi đâu, làm gì, như thế nào... đều được công chúng biết rõ. Thậm chí, công chúng còn tham gia hết sức tích cực vào quá trình "giải thiêng" chân dung nhà văn.
Đương nhiên, nhà văn cũng biến trang mạng xã hội của mình thành một kênh để quảng bá chính bản thân và tác phẩm của mình. Có người quảng bá khéo, có người vụng, có người chiêu trò, có người gây sốc v.v..., tất cả đều nhằm đến mục đích vật chất (bán tác phẩm kiếm tiền) và tinh thần (mang lại danh tiếng). Đây là điều tích cực mà mạng xã hội mang lại cho nhà văn. Sử dụng mạng xã hội như một kênh quảng bá cho mình thì cũng phải chấp nhận sự phán xét nhiều phía, nhiều chiều, từ nhiều tầm đón nhận của độc giả. Nhà văn phải chấp nhận sự "giải thiêng" chính mình nếu muốn bộc lộ trước đám đông.
Khi mà công chúng chỉ biết đến nhà văn qua tác phẩm, họ chỉ có thể nhận xét tác phẩm của nhà văn. Nhưng, khi nhà văn chọn mạng xã hội và các phương tiện truyền thông để "phơi mình" qua các cuộc giao lưu, trò chuyện, phỏng vấn, phát ngôn... thì công chúng lúc ấy lại có quyền đánh giá quan điểm của nhà văn hay thậm chí cả tư cách của nhà văn. Đây là một thực tế của thời đại số mà nhà văn phải chấp nhận!
Đời sống văn chương luôn sôi động và chính sự đa dạng trong cách viết cũng như cách đánh giá. Nếu thị hiếu văn chương của độc giả đều giống nhau thì khi ấy văn chương sẽ không còn là văn chương nữa và công việc nghiên cứu sự phản hồi, đánh giá ở độc giả của các nhà chuyên môn cũng sẽ không còn.