Cái tên Thy Ngọc đã đến với tôi từ những trang sách Kim Đồng thời bé thơ, nhưng để được gặp người thật, thì phải hơn 30 năm sau - khi đã bước vào tuổi trung niên - tôi mới được gặp ông.
Năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi được giao nhiệm vụ thu thập tài liệu để làm cuốn sách 50 năm Nhà xuất bản Kim Đồng với Mỹ thuật cho thiếu nhi. Tôi tìm gặp họa sĩ Nguyễn Phú Kim - người phụ trách mỹ thuật của Nhà xuất bản trước đây và được giới thiệu rằng: "Chú biết tới đâu sẽ làm đến đó, nhưng muốn biết kỹ càng chi tiết thì chú mày phải hỏi cụ Thy Ngọc". Và từ đó, tôi được làm việc với ông qua thư từ và điện thoại. Có thể nói, ông là người lưu giữ rất kỹ càng, trân trọng tất cả tư liệu liên quan đến các họa sĩ đã từng cộng tác với Nhà xuất bản. Ông nhớ gần như đầy đủ về các cuốn sách mà các họa sĩ đã vẽ. Nhờ ông mà cuốn sách hoàn thành kịp trong thời gian Kỷ niệm 50 năm thành lập, là một trong những món quà tặng được các khách mời thích thú và trân trọng.
Nhà văn Thy Ngọc (bên trái) và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (bên phải). |
Khoảng một năm sau đó, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 họp tại Hà Nội, nhân dịp này Nhà xuất bản Kim Đồng có cuộc gặp gỡ các nhà văn viết cho thiếu nhi và tôi có dịp được gặp ông. Cảm giác của tôi khi gặp ông gần như cảm xúc của người con gặp cha... Trong cuốn sổ tay của cha tôi vẫn còn lưu giữ dòng chữ: "Thy Ngọc B1-72…", tôi mở cuốn sổ của cha mình lại gặp ông ở đó… Tôi biết ông đã từng đặt cha tôi vẽ minh họa cho sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, ông là bạn của cha tôi nhưng không hiểu sao khi gặp ông, tôi lại có cái cảm xúc như vậy!
Ông điềm đạm, và mực thước như một ông giáo thuở xa xưa, gần gũi nhưng không suồng sã, một tính cách bây giờ hiếm gặp.
Nhà văn - họa sỹ Thy Ngọc, xin gọi ông như vậy, tên thật là Nguyễn Ngọc, sinh ngày 4/10/1925 tại Quảng Ninh. Ông tham gia viết báo, viết văn trên báo Dân Chủ thời Mặt trận Việt Minh ở Hải Phòng. Năm 1950, ông làm Bí thư Hội Văn hóa kháng chiến tỉnh Thái Bình. Kháng chiến quá gian lao, gia đình neo túng, ông trở về Hà Nội, tiếp tục dạy học. Những năm 1955 - 1957, ông giảng dạy hai môn văn và họa tại Hà Nội. Ông viết nhiều, đã có 20 đầu sách và chỉ viết cho một đối tượng, đó là thiếu nhi, và ông cũng đã vẽ bìa, minh họa cho hơn 300 cuốn sách. Nhà xuất bản Kim Ðồng thành lập năm 1957, cùng với Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... Thy Ngọc là thành viên sáng lập, được phân công biên tập nội dung và trình bày, vẽ minh họa, vẽ bìa sách. Ðể hoàn thành nhiệm vụ, nhiều khi ông phải đạp xe 50 cây số, đến tận vùng cao, miền hẻo lánh để vẽ tại chỗ rồi trở về ngay để kịp in ấn, vì minh họa theo sách hồi đó hầu hết là người thực việc thực.
Thy Ngọc là một tác giả được nhiều người trong và ngoài giới văn chương, nghệ thuật kính trọng bởi sự thống nhất giữa nhân cách sống và tác phẩm. Tên ông thường được nhắc tới cùng các tên tuổi lớn khác của nền văn học viết cho thiếu nhi như: Phạm Hổ, Trần Hoài Dương, những tính cách văn chương cao đẹp tới mức hiếm hoi trong thời nay. Trong văn chương, ông cũng rất cẩn trọng. Nhà thơ Trần Quốc Toàn không bao giờ quên lời nhắc nhở của Thy Ngọc khi ông viết thiếu một chữ s trong tên của nhà thơ nước ngoài ở bài thơ đăng báo. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì kể lại những kỷ niệm với ông thuở mới vào nghề: "Ông không chỉ là bà đỡ mát tay cho các cây bút chập chững vào nghề. Những lần tôi ghé giao bài cho ông, ông luôn niềm nở và tiếp đón tôi ân cần như với một người bạn vong niên. Ngồi với ông, tôi hỏi ông đủ thứ quanh việc viết lách, say sưa nghe ông kể chuyện các nhà văn cùng thời mà ông có dịp tiếp xúc: Tô Hoài, Nam Cao, Lê Văn Trương... Kho chuyện của ông phong phú hấp dẫn vô cùng, tiếc là ông không viết ra thành sách. Đối với tôi, những mẩu chuyện quanh bàn trà đó giúp tôi thêm gần gũi với thế giới văn chương, bơm vào tâm hồn tôi niềm say mê kỳ diệu đối với nghề viết.
Là một trong những người sáng lập Nhà xuất bản Kim Đồng, ông đã dành cả cuộc đời viết và vẽ cho tuổi thơ. Tôi tin những đóng góp và trải nghiệm của ông là một kho tàng vô giá với bất cứ người trẻ nào muốn hành nghề bằng con chữ, đặc biệt với những ai chọn việc phục vụ cho trẻ em làm sứ mệnh của đời mình".
Cuộc đời riêng của nhà văn Thy Ngọc, cũng vất vả ngược xuôi. Nhưng khi ngồi trước trang giấy, ông quên mọi cay đắng, muộn phiền để chắt lọc từng giọt trong vắt, tinh khiết cho ánh mắt và nụ cười trẻ thơ.
Ông quan niệm: "Viết cho thiếu nhi trước hết phải có tính giáo dục, song lại phải giản dị mà vẫn hấp dẫn. Ngay cả đến giờ, càng viết tôi càng thấy khó. Bởi sự hấp dẫn không phải ở chỗ cầu kỳ, mới lạ, mà là cách viết câu chuyện như thế nào. Nhưng trên hết, mình phải hết lòng với các em thì mới viết được. Tôi có may mắn là được sống và làm việc cùng các nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, những bậc thầy hết lòng khi viết truyện thiếu nhi. Rồi các họa sĩ Mạnh Quỳnh, Tạ Thúc Bình, những người vẽ, dù chỉ là phác thảo thôi, cũng công phu, kỹ lưỡng…".
Khi nói về nghề vẽ của mình, ông từng kể: "Tôi mê hội họa cũng rất sớm, gần như đồng lúc với mê văn chương. Trên tờ báo thiếu nhi Cậu ấm, tôi có nhắc ban nãy, tôi rất mê tranh vẽ của họa sĩ Mạnh Quỳnh. Theo tôi, ông là họa sĩ vẽ truyện tranh đầu tiên ở Việt Nam. Thầy dạy vẽ của tôi thời đi học thành chung là thầy Trần Quang Trân với bút danh NGYM. Ðầu những năm 1940, tôi học hàm thụ vẽ tại Paris (Pháp), sau đó quen biết họa sĩ Bùi Xuân Phái, tôi hay đến xưởng vẽ của ông ở trao đổi và luyện vẽ.
…Thời Pháp, trước năm 1940 có một trường ở Paris đào tạo theo lối gửi bài chấm, rồi mình trả tiền. Cứ vẽ bài xong thì mình gửi bài qua đường bưu điện sang bên đấy. Họ xem, chấm bài bằng cách viết thư lại cho mình, đề cập tỉ mỉ các lỗi của mình, khuyên nên chữa như thế nào với bài mẫu gửi kèm theo. Rất quy củ nghiêm túc. Nói nôm na như bây giờ là đào tạo từ xa. Cứ thế vài ba năm là mình đã nắm khá căn bản kiến thức hội họa. Nếu ai yêu thích thì đều có thể học như thế".
Chị Minh Châu, con gái nhà văn kể lại: "Hồi bé, bố tôi hay vẽ ký hoạ mọi người trong nhà, nhất là mấy anh em tôi. Đó chính là tư liệu để bố tôi vẽ minh hoạ sách Kim Đồng. Tôi rất hay xem bố vẽ minh hoạ truyện Kim Đồng. Chỉ vài nét là đã có một gương mặt xinh tươi, thơ ngây. Bố tôi hay vừa kể vừa vẽ làm mấy anh em chăm chú nghe không rời mắt dược. Ngay từ bé, mấy anh em tôi đều được dạy vẽ từ những nét cơ bản. Tôi còn nhớ các anh Võ Châu Tấn, chị Võ ngọc Lan (con Bác Võ Quảng) cũng đến nhà để cùng học vẽ. Sau những nét cơ bản, bố tôi cho vẽ theo ý thích. Năm tuổi, tôi đã thi vẽ và được bằng khen của cuộc thi vẽ của Hung ga ri. Tôi còn nhớ cảm giác bố tôi phải bế tôi lên xem bức vẽ Bảo vệ hoà bìnhcủa tôi được phóng to bầy giữa phòng triển lãm tranh thiếu nhi ở Hà Nội.
Vào năm 1968, giữa Nhà xuất bản Kim Đồng và Xưởng phim Hoạt họa (Hoạt hình) Việt Nam, tự nhiên hình thành một mối liên hệ, cộng tác rất chặt chẽ với nhau: một số họa sĩ, đạo diễn của Xưởng phim Hoạt hình thường vẽ bìa và minh họa các sách và tranh truyện cho Nhà xuất bản Kim Đồng như Mai Long, Ngô Mạnh Lân, Hồ Quảng, Trương Qua, Lê Huy Hòa, Ngô Đình Chương v.v... và có một số nhà văn như Phong Thu, Lê Cận, Hà Ân, Viết Linh, nhà thơ như Võ Quảng, Phạm Hổ cũng đã viết kịch bản cho phim hoạt hình.
Đạo diễn - Họa sĩ Trương Qua kể lại: "…Với tôi, khi còn công tác ở Hà Nội rồi chuyển vào TP HCM, trong hơn 23 năm cộng tác với NXB Kim Đồng, bây giờ có dịp ngồi ngắm nghía công việc mình đã say mê và thích thú thì tôi nhớ đến anh Thy Ngọc trước tiên. Bởi lẽ, quyển sách viết cho thiếu nhi Chú đất nung của nhà văn Nguyễn Kiên là quyển sách đầu tiên được anh Thy Ngọc tin cậy giao cho tôi vẽ bìa và vẽ 10 minh họa vào năm 1961.
Với các họa sĩ cộng tác viên khác ở Xưởng phim hoạt hình Việt Nam, anh Thy Ngọc đã sắp xếp để tất cả chúng tôi có thể tham gia công việc mỹ thuật với Nhà xuất bản Kim Đồng, mỗi người nhận vẽ bìa sách và minh họa từ 1 đến 2 quyển trong một năm, với câu động viên của anh: "Bao giờ thấy vui thì xin các anh vẽ cho các em nhé!". Thấm thoát, trong hơn 23 năm, với sự động viên và khích lệ rất chân tình, rất quý mến của anh Thy Ngọc, tôi cố gắng thu xếp công việc của Xưởng phim, vẫn bảo đảm hoàn thành tốt công tác của cơ quan đồng thời đã vẽ được tất cả 25 quyển".
Khi đọc một đoạn thơ ông viết để ru cháu: " Cháu ngủ đi, cháu ngủ đi/ Lời ông ru cháu thầm thì bên tai/ Cháu nép má, ấm bả vai / Nhẹ nhàng ông bước chắp vài ý ru / Cứ cho là những câu thơ / Miễn sao cháu được giấc mơ, ông tìm.../ Ông nghe như trái tim mình / Hoài hơi thở thật yên bình cháu ngoan..." người đọc cảm nhận được nó được chắt ra từ trái tim yêu thương con trẻ của ông.
Nhà văn - Họa sĨ Thy Ngọc là vậy đó, say đắm với tình yêu con trẻ, minh bạch trong cuộc sống thường ngày, tận tụy với bạn bè, đồng nghiệp. Với tôi, ông là một người Hiền.
Xin kết thúc bằng lời của một đồng nghiệp của ông tại Nhà Xuất bản Kim Đồng - Nhà văn Viết Linh : Nhà văn Thy Thy Tống Ngọc, tưởng gọi như vậy đã đầy đủ".