Nhà văn của Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Sông Đà, Chùa Đàn… hiện lên trong lời kể của nhà văn Ngọc Trai đầy những chi tiết sống động của đời thường mà nếu chỉ đọc văn ông độc giả sẽ không bao giờ hiểu được…
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai dần dần kể cho tôi nghe những câu chuyện về nhà văn Nguyễn Tuân. Trên tay bà vẫn cầm cuốn sổ tay cũ mèm theo thời gian với những ghi chép tỉ mẩn trong những cuộc gặp gỡ nhà văn tài hoa, ưa xê dịch với những tác phẩm chưa ai vượt qua của văn học Việt Nam đương đại. Hơn ai hết, bà là người quan tâm sâu sắc tới cơ duyên hình thành nên các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân. Bà từng hỏi về thói quen xây dựng một tác phẩm như thế nào? Làm thế nào để có cái sắc sảo, cái độc đáo như những tác phẩm của ông...
Và nhà văn đã chia sẻ: “Bắt đầu là anh có cái gì hay những cái gì để nói. Tìm ra cách để viết cho được cái gì hay những cái gì đó mới công phu. Vì vậy tôi vẫn hay nói rằng, một nhà văn mà chết đi là coi như bị cháy bao nhiêu bản thảo, dù chết trẻ hay chết già. Có nhiều vấn đề, nhiều dự định, khi nghĩ được thấy rất hay nhưng tìm cách để thể hiện nó trên trang giấy thật là khó, nhiều khi loay hoay mãi không tìm ra được, mất hứng rồi bỏ đấy, có khi bỏ hằng năm, hằng chục năm, nhân viết một cái khác lại tìm thấy cách để thể hiện cái cũ.
Trường hợp đó là đáng mừng nhất. Nhưng thường là bỏ luôn, không viết được nữa. Cho nên nghĩ được nói được là một chuyện, còn viết ra được lại là chuyện khác, không dễ dàng gì đâu. Sau Cách mạng tháng Tám, tôi dự định viết một tập truyện ngắn lấy tên là Vang bóng một thời Tây, nói về nhà nho trong buổi đầu tiếp xúc với văn minh phương Tây, có nhiều ý, nhiều chuyện hay lắm, thế mà rồi cứ lần chần mãi không viết ra được. Qua cái thời kỳ háo hức ban đầu rồi không còn hứng để viết nữa, thế là bỏ”.
Nhà văn Nguyễn Tuân. |
Nhà văn Nguyễn Tuân có nhiều tác phẩm hay, được nhiều nhà phê bình khen chê khác nhau, nhưng bản thân ông, ông lại không ưa các nhà phê bình. Tôi từng hỏi ông, trước đây, trước cửa nhà nhà văn Nguyễn Tuân từng treo biển đề Không tiếp các nhà phê bình có phải hay không, thì nhà văn Nguyễn Tuân trả lời: “Tôi không thích các nhà phê bình cơ hội chứ không phải tất cả các nhà phê bình và không treo cái biển nào như thế cả. Có những lúc bận hay mệt tôi có treo cái biển Nguyễn Tuân đi vắng rồi đóng cửa, còn bình thường lúc nào nhà tôi cùng mở rộng cửa đón bạn bè”.
Ông cười bằng mắt rồi nói tiếp: “Kể ra nhà cứ mở cửa toang hoác như thế này nhiều khi cũng bị những kẻ bất lịch sự quấy nhiễu đến là khó chịu. Một lần tôi đang ngồi ở đây, có người ló vào hỏi trống không: “Mấy giờ rồi?”. Thấy vẻ mặt rất lấc cấc, tôi hỏi lại: “Anh hỏi tôi hay hỏi cái đồng hồ? Nếu hỏi cái đồng hồ thì đấy, đọc đi!” - Tôi chỉ cái đồng hồ cho hắn chứ không đọc hộ.
Có lần, tôi thấy trong người khó chịu, không muốn gặp ai, đã treo cái biển: Nguyễn Tuân đi vắng trước cửa rồi ngồi đây uống rượu, đọc sách, đột nhiên XT - đúng là một tay cơ hội, lại ra vẻ lãnh đạo, đến gõ cửa. Tôi phải đứng dậy ra mở cửa, nhìn cái mặt anh ta mình đã khó chịu, anh ta lại giở giọng hách: “Nguyễn Tuân có nhà đây sao lại bảo đi vắng?”. Mình chỉ vào cái biển đọc rành rọt: “Nguyễn Tuân đi vắng”. Nếu ông chưa tin vào cái biển này thì chính nhà văn Nguyễn Tuân bảo: “Nguyễn Tuân đi vắng” thế có được không? Biết là bị hố, ông ta bẽn lẽn quay lui”.
Hồi còn sống, nhà văn Nguyễn Tuân cũng từng nói vui với nhiều người rằng khi ông mất, không để cho các nhà phê bình đi đưa tang. Thậm chí, ông đã làm sẵn một danh sách những bạn bè mà ông mời đi đưa tang ông, không chỉ những anh phê bình tồi mà những kẻ cơ hội, nịnh bợ, giả dối, xin đừng để họ đi đưa tang ông. Ông cũng dặn vợ con khi hóa vàng cho ông, ngoài áo quần, bút mực, vàng mã nhớ đốt theo cho ông vài hình nộm anh phê bình. Biết đâu về cõi vĩnh hằng anh ta có thể làm phê bình chân chính, như vậy ông cũng có người trò chuyện, mà tranh luận cũng đỡ buồn.
Rồi ông kể: Đám tang nhà văn Nguyễn Công Hoan, thấy có nhiều vòng hoa và nhiều vị lãnh đạo đi đưa ma. Giữa đông đảo bạn bè ở sân 51 Trần Hưng Đạo, nhà thơ Bảo Định Giang đùa vui với Nguyễn Tuân: “Ông Tuân này lúc sống cứ hay gây gổ vậy chứ đến lúc ông mất, đám ma cũng to lắm đấy, tôi dự kiến là phải hàng trăm tràng hoa chứ không ít”.
Nguyễn Tuân mới nói ngay rằng: “Thế thì tôi chỉ cần một vòng hoa là đủ, còn bao nhiêu ông tạm ứng trước đây cho tôi uống rượu”... Nguyễn Tuân còn di chúc cho Bảo Định Giang: “Nếu ông tổ chức đám ma tôi thì ông cứ thông báo với bạn bè rằng đừng có mang vòng hoa, ai thương tôi thì xin cứ góp tiền mua một xe xi-tec bia để bạn bè đi đưa tang được uống bia mà tiễn biệt mình”.
Nguyễn Tuân đã chuẩn bị cho buổi ra đi của mình một cách bình thản, dí dỏm và lạc quan như thế, nhưng từ trong đáy lòng, tôi biết ông đầy ưu tư và lưu luyến với cuộc đời này. Ông đã để lại cho đời những giá trị tinh thần quý báu, nhưng ông vẫn luôn day dứt về những điều muốn viết mà không viết ra được, luôn trăn trở về trách nhiệm công dân của nhà văn và cho rằng mình chưa đóng góp được bao nhiêu.
Là người đi nhiều, ưa “xê dịch”, những tưởng ông chỉ mải mê văn chương, nhưng thực tình nhà văn Nguyễn Tuân lại là người có tấm lòng yêu thương vợ con hết mực.
Ông tự nhận xét: “Phải nói rằng họ nhà tôi có cái gien giang hồ. Gien di truyền nó là khoa học đấy! Không hiểu cụ tổ tôi thì thế nào chứ từ ông nội tôi, đến bố tôi và cho đến tôi thì cái gien giang hồ như ngày càng mạnh lên. Ông tôi và bố tôi là những người thích chu du đây đó, ra Bắc và Nam. Phải nói rằng tôi mê bố tôi chứ không chỉ là chịu ảnh hưởng thôi đâu. Tất nhiên là tôi bị nhiễm cả cái tốt lẫn cái xấu của ông cụ. Bà cụ thường lo sợ thay cho tôi và nhiều lúc phản ứng ra mặt. Bố tôi nghiện thuốc phiện, rồi vợ bé con thêm chơi bời phóng túng, việc nhà phó thác một tay mẹ tôi. Bố tôi làm viên chức nhà nước nhưng kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào mẹ tôi.
Có lần tôi hỏi xin bà cụ tiền, cụ hất hàm chỉ lên nhà trên, nơi ông cụ nằm hút và bảo: “Anh lên mà xin “nhà nước” ấy”. Bố tôi có các bà vợ bé ở Quảng Nam, ở Huế, ông cụ thường vào ra thăm các bà và mỗi lúc đi cứ kéo tôi đi theo. Từ hồi trẻ tôi đã thích đi lang thang theo ông cụ như vậy. Bà cụ cản nhiều lần không được nên đành bỏ mặc.
Nhưng có một nguyên tắc mà cụ kiên quyết không từ bỏ làm nhiều lúc tôi thật đến khổ: Bố con tôi đi đâu thì đi, nhưng đến ngày Tết bà cụ buộc tôi - ông con cả, nhất thiết phải có mặt ở nhà. Nhiều lúc, bố tôi mải rong chơi, sắp đến Tết cũng không nghĩ đến chuyện đưa tôi về, thế là bà cụ quyết lặn lội vào tận nơi đưa tôi về nhà ăn Tết cho bằng được. Những lúc tôi được lang thang theo ông cụ như vậy, cụ kể cho tôi đến lắm thứ chuyện. Những truyện trong Vang bóng một thời là dư âm của cuộc đời ông cụ và những chuyện kể của cụ đấy.
Thực tế thì tôi không có kỷ niệm đẹp về thời thơ ấu và tuổi thanh xuân. Tôi chưa có tuổi trẻ thì đã thành ông cụ non rồi. Tôi viết Vang bóng một thời và Thiếu quê hương từ những năm 29-30 tuổi, mà Vang bóng đúng là giọng điệu một ông cụ già hoài cổ, như vậy thì làm gì có tuổi trẻ. Có lẽ lúc nhỏ tôi chịu ảnh hưởng sự bất đắc chí của cha tôi. Lớn lên đi học tôi lại bất mãn với các thầy giáo tây đầm khinh miệt mình. Hồi đi học tôi rất lười và nghịch, chuyên ngồi cuối lớp để dễ bề trốn học và bày trò nghịch. Tôi chơi bời cũng là một cách phá phách để tự lẩn trốn mình chứ có thích thú gì đâu! Sau mỗi cuộc chơi bời phá phách về, mình lại tự chán mình, tự xỉ vả mình, nhưng sau đó vẫn thấy bế tắc, lại lao vào con đường cũ. Vào kháng chiến, đi với bộ đội, tôi thấy trẻ lại, tôi đã tìm thấy mình nên tôi thật lạc quan yêu đời, có lúc người ta còn thấy tôi ngây thơ, ấu trĩ nữa đấy!
Dù ảnh hưởng của người cha khá nhiều, song, nhà văn Nguyễn Tuân lại có một gia đình vẹn toàn, chung thủy. Học đến năm thứ hai trung học ông đã cưới vợ. Vợ ông là con gái hàng Bạc, cũng là môn đăng hộ đối do gia đình lựa chọn cho. Ông cưới vợ sớm, vì hồi đó bố ông ốm nặng, sợ không qua khỏi, Nguyễn Tuân là con trưởng, hai gia đình đã biết nhau rồi nên bà cụ muốn cưới sớm. Cuộc tình do sắp đặt, nhưng như đã nói ở trên, nhà văn Nguyễn Tuân yêu thương vợ con lắm. Cũng hiếm nhà văn nào có được người vợ như bà Nguyễn.
Nhà văn Nguyễn Tuân kể: “Tôi nghiện hút thuốc phiện và đi hát ả đào mê say, lúc đầu thì bà ấy cũng can ngăn, nhưng thấy tôi lì lợm quá không còn cách nào, bà ấy tìm cách đối phó. Hồi mẹ tôi mới làm cho cái nhà để mở hiệu sách, lấy cớ không muốn tôi la cà, bệ rạc, bà ấy sắm bàn đèn cho tôi hút ở nhà. Tôi cũng rủ bạn bè về nhà phá phách bà ấy quá lắm. Nhưng rồi cái tính phóng túng của tôi không để tôi ngồi nhà lâu, tôi lại lẳng lặng chuồn theo bạn bè đến nhà hát. Hút ở nhà hát có không khí hơn, bạn bè bù khú thoải mái hơn. Bà ấy đành bất lực. Bà nhà tôi không bao giờ càu nhàu, làm ầm ĩ nhà cửa lên. Có lẽ vì thế mà sau này tôi càng thấy quý và nể bà ấy. Vợ tôi chỉ nói những câu châm biếm mát mẻ mà làm mình ngượng đến chết. Ngày bà cụ tôi mất có rất nhiều bà chủ nhà hát ở Khâm Thiên đi đưa ma, bà ấy chỉ và nói thầm với ông chú tôi: “Ông ấy báo hiếu cho bà cụ đấy!”. Nhưng ngẫm nghĩ là tại mình chuốc lấy cái nghiệp chướng ấy, nên tôi có ngượng, có đau, cũng đành bấm bụng mà chịu, chứ biết nói sao”.
Có lần Nghệ sĩ nhân dân Đình Quang, người bạn thân thiết của Nguyễn Tuân kể lại: “Ông ấy (Nguyễn Tuân) thì mê say với nghề nghiệp, quý vợ yêu con nhưng đôi lúc tâm hồn nghệ sĩ cũng đểnh đoảng lắm. Có lần ông dẫn Xuân Trường, con trai cả đi xem xine, tan buổi chiếu ông mải theo bạn bè đi chơi tiếp, bỏ quên ông con lại trong rạp. Ông con nằm ngủ chỏng queo trong rạp, đến khi thức dậy thấy rạp vắng hoe thì cuống lên. May sao vợ ông đã kịp đi tìm để đón con trai về, vậy mà Nguyễn Tuân đi chơi vẫn không hề hay biết.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai đang chuẩn bị cho tái bản cuốn sách Trò chuyện với Nguyễn Tuân, những tư liệu mà bà có được về nhà văn tài hoa, ưa xê dịch đã là một nguồn tư liệu quý, hiếm hoi để độc giả thế hệ sau hiểu hơn về con người và cuộc đời của một cây đại thụ của văn học Việt Nam.