Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn Dương Thụy: người Việt có tinh thần cầu tiến

"Tôi tin vẫn còn nhiều phẩm chất tốt đẹp tồn tại ở người Việt, giới trẻ Việt, trong đó có tinh thần cầu tiến" - nhà văn Dương Thụy đưa ra nhận định.

Thời gian gần đây, nhiều người có cái nhìn bi quan và thường so sánh, đánh giá thấp người Việt hơn một số dân tộc khác. Cá nhân tôi tin rằng vẫn còn nhiều phẩm chất tốt đẹp tồn tại ở người Việt nói chung, giới trẻ Việt nói riêng, trong đó có tinh thần cầu tiến của người Việt.

Nhà văn Dương Thụy - Ảnh do tác giả cung cấp
Nhà văn Dương Thụy - Ảnh do tác giả cung cấp.

Niềm tự hào từ những chuyến xuất ngoại

Năm 1998, tôi thi đậu một cuộc thi tìm hiểu về văn hóa Pháp và được xuất ngoại lần đầu tiên. Sang Pháp, tôi theo học tại Trung tâm ngôn ngữ CIEL (tỉnh Brest) và thấy mình lọt thỏm, đầy tự ti giữa những người bạn cao ráo, phần lớn thuộc giới thượng lưu ở châu Âu.

Nhưng ngay buổi sinh hoạt đầu tiên cùng cô giáo trong lớp học, mọi người (kể cả chính tôi) đều ngạc nhiên nhận ra một hình ảnh hoàn toàn đối lập của cô học trò duy nhất đến từ VN. Tôi thấy mình hoạt bát, tự tin và chững chạc hơn hẳn chúng bạn đến từ châu Âu.

Tôi nhớ lúc đó cô giáo đã dành cho tôi những lời khen tặng đầy trìu mến, cô cũng chia sẻ thêm rằng hình ảnh VN và con người Việt trong cô luôn rất đặc biệt.

Một vài người bạn đến từ Đức giơ tay hỏi vì sao, “Người VN rất cầu tiến” - cô trả lời.

Năm 2001 tôi sang Bỉ học cao học ở ĐH Liège. Vì nhập học trễ nên trong tôi là sự thiếu tự tin, căng thẳng tột độ. Tôi thậm chí tìm đến văn phòng của một giáo sư và trình bày những nỗi niềm của bản thân, nhất là việc môn marketing của thầy quá khó với tôi.

Vị giáo sư tên Van Cailli sau đó đưa cho tôi thêm một số tài liệu để đọc và nhắn nhủ: “Hãy cố gắng hết sức!”.

Và trong một lần lên thuyết trình trước lớp ở môn học trên, tôi bất ngờ khi thấy mọi người chăm chú lắng nghe mình, còn vị giáo sư trên thì mỉm cười đầy hạnh phúc.

Cuối buổi học, ông nói một điều làm tôi nhớ đến tận bây giờ: “Người VN có một “điểm trừ” là hay đánh giá bản thân thấp hơn năng lực thực tế của họ”.

Ngày khóa học kết thúc, ông chia tay tôi với một niềm tin vững chắc rằng tôi sẽ gặt hái nhiều thành quả trong tương lai, bởi theo ông: “Vì em cũng như bao người Việt khác, luôn cầu tiến!”.

Thật vậy, nhìn xung quanh thời điểm đó, hầu hết anh chị du học sinh VN ở Liège đều nhận được sự nể trọng, đánh giá cao từ bạn bè quốc tế và các giáo sư. Có những anh chị xuất thân từ hoàn cảnh bần hàn, thế mà nhờ cầu tiến họ đạt được những suất học bổng danh giá ở trời Tây.

Tuổi thơ bươn chải chăn trâu, làm ruộng... nhưng những người con đất Việt đó giờ đây đã đứng trên bục cao như bao người.

Rất nhiều gương sáng ở quanh ta

Có thể nói cầu tiến là đức tính nổi trội và đáng tự hào của người Việt. Không chỉ trong những tháng ngày ngồi trên ghế nhà trường mà khi ra đời đi làm, tôi cũng thường được nghe những lời khen ngợi về đức tính này của người Việt từ các đồng nghiệp nước ngoài.

Khi tôi hỏi một vị lãnh đạo cũ người Pháp tại sao ông đánh giá cao tính cầu tiến của người VN, ông trả lời:

“Cầu tiến là khi chúng ta luôn không ngừng đặt ra những mục tiêu mới cho bản thân rồi nỗ lực vươn tới, dần dần hoàn thiện bản thân, tôi thấy điều này ở người Việt”.

Một vị sếp cũ khác người Singapore thì cho rằng người Việt ít khi than phiền mà thường tận dụng tối đa những gì trong tay để cố gắng xoay chuyển, đạt được mục tiêu đề ra. Tinh thần cầu tiến, vượt khó đó đối với ông là rất đáng quý.

Nhìn xa hơn, chúng ta có rất nhiều tấm gương hiếu học, cầu tiến trong lịch sử VN. Có thể kể đến nhà bác học Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký) được giới học thuật châu Âu thời điểm đó vinh danh là một trong 18 nhà bác học nổi tiếng thế giới.

Tới tận ngày nay, nhiều vị cao niên ở Pháp vẫn còn nhớ đến tên tuổi Pétrus Ký như một nhà văn hóa uyên bác, có thể sử dụng thông thạo 27 ngoại ngữ và là “ông tổ nghề báo VN”.

Hay như nhà văn hóa Hữu Ngọc, tuy năm nay đã 96 tuổi nhưng ông vẫn không ngừng học hỏi, viết lách, trau dồi vốn ngoại ngữ... và chỉ mới vài ngày trước đây ông đã ra mắt quyển sách Đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử VN.

Ông cũng là tác giả cuốn Lãng du trong văn hóa VN và tham gia nhiều buổi trò chuyện về văn hóa Việt trước người nước ngoài, được xem là “sứ giả văn hóa” tiêu biểu của nước Việt.

Thử hỏi không có tinh thần cầu tiến thì làm sao họ làm được những điều đáng nể như vậy?

Một số bạn bè người Ý và Tây Ban Nha của tôi thường không giấu được sự ngạc nhiên khi thấy du học sinh Việt luôn rất nghiêm túc trong việc học.

Theo lời họ kể, sinh viên nước họ học chẳng mấy tập trung, còn khi ra trường thì luôn tranh thủ đi du lịch đây đó, chưa vội tìm cơ hội làm việc, phát triển sự nghiệp. Còn với giới trẻ Việt thì hình ảnh ngược lại.

Chưa bao giờ bi quan 

Tôi chưa bao giờ bi quan về người Việt, giới trẻ Việt. Có thể nói trên các diễn đàn, mạng xã hội trực tuyến, báo đài... chúng ta bắt gặp đâu đó một bộ phận “người Việt xấu xí” có lối sống, hành động tiêu cực.

Nhưng bước ra ngoài cuộc sống, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều bạn trẻ có chí cầu tiến, lao động hăng say và tràn đầy niềm tin vào tương lai.

Họ luôn tìm hiểu và ý thức rõ về tình hình đất nước để có những đóng góp phù hợp cho việc nâng tầm đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.

Tuy vậy, những cá nhân trẻ, giỏi giang đó lại thường cần mẫn tập trung làm việc, không đứng dậy hô hào này nọ hay chẳng muốn thu hút sự quan tâm của đám đông nên chưa “nổi tiếng” thôi.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20141009/nha-van-duong-thuy-nguoi-viet-co-tinh-than-cau-tien/655906.html

Theo Dương Thuỵ/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm