12 con giáp, chỉ dê là chưa viết!
- Thú vị bất ngờ nhất của Chúc một ngày tốt lành (NXB Trẻ) là từ điển ngôn ngữ của chó heo gà. Không biết anh mất bao lâu quan sát để có thể phát kiến ra một loại ngôn ngữ … lạ lùng và đáng yêu đến vậy?
- Gọi là phát kiến nghe hơi quá, đây chỉ là sự pha trộn từ tiếng kêu của 3 loài vật này, xuất phát từ những tiếng kêu ủn ủn ỉn ỉn, gâu gâu, chiếp chiếp. Đây vốn là những điều rất quen thuộc với tôi thời bé. Khu vườn trong cuốn sách tôi mô tả cũng là từ phiên bản khu vườn của mẹ tôi ở Bảo Lộc năm 1978. Nhân vật bà Đỏ chính là tên thường gọi của mẹ tôi. Thật ra mọi thứ đều hoàn toàn tình cờ, nhưng đó cũng là một điều ý nghĩa với riêng bản thân tôi cho tác phẩm này.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ký tặng sách. |
- Có vẻ bối cảnh thôn quê, những trò chơi trẻ nhỏ trong tác phẩm của anh lúc nào cũng vô cùng phong phú?
- Tôi vẫn còn nhiều điều chưa viết. Ở mỗi một tác phẩm tôi đều đưa vào những hình ảnh, trò chơi tuổi thơ mà những cuốn trước chưa kịp đưa vào. Nếu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có các trò chuồn chuồn cắn rốn biết bơi, bắt sâu róm về chơi, trò chơi thổi xoáy cát để tìm con cúc; thì Ngồi khóc trên cây có thổi bong bóng bằng ống đu đủ nhúng vào xà phòng. Rồi cảnh thiên nhiên với khu rừng bên kia thác nước, những triền đồi, cây duối dại hay ký ức về lần đầu tiên thấy tàu hỏa, mê mẩn ngắm máy bay để lại một vệt khói dài trên bầu trời… Đó là những hình ảnh rất đẹp mà trẻ nhỏ ở thành phố bây giờ ít có cơ hội trải qua.
Hình ảnh minh họa đáng yêu trong tác phẩm. |
- Rất nhiều vật nuôi trong nhà đã xuất hiện trong tác phẩm, có khi nào anh định đưa … động vật hoang dã vào sách?
- Tôi từng đưa nai, khỉ, nhím, chồn… vào cuốn Ngồi khóc trên cây. Nhưng với những loài vật dữ dằn hơn như hổ, tê giác, gấu… thì chắc phải đợi lúc nào đó tôi viết chuyện đường rừng. Thật ra tôi cũng không phải là nhà bảo vệ môi trường để nhất định theo đuổi đến cùng đề tài động vật hoang dã. Nhưng nếu một hôm nào đó tôi viết về đề tài liên quan thì có thể các con vật đó sẽ đi vào các trang sách của tôi một cách tự nhiên. Thỉnh thoảng nhìn lại, tôi phát hiện ra trong bộ 12 con giáp, ngoại trừ con dê, còn lại con vật nào cũng đã đi vào tác phẩm của tôi cả rồi. Không hiểu do tôi cầm tinh tuổi con dê nên… tôi kỵ hay vì đây là con vật gắn liền với những mẩu chuyện nhạy cảm. Nhưng biết đâu tôi sẽ viết về loài vật này trong thời gian tới để trong các tác phẩm của tôi có đầy đủ 12 con giáp.
Nguyễn Nhật Ánh nói ngày bé chưa bao giờ anh nghĩ sẽ trở thành nhà văn. |
Viết cho những “mê, man, ẩn, khuất”
- Không biết vì nhờ cuộc sống hạnh phúc anh mới viết được những cuốn sách nên thơ hay vì nhờ những câu chuyện mơ mộng mà cuộc sống của nhà văn trở nên hạnh phúc?
- Tôi nghĩ là cả hai. Không phải cuộc sống tôi hoàn toàn hạnh phúc, suôn sẻ từ nhỏ đến lớn. Cũng có một giai đoạn rất u ám ở tuổi hai mươi nhưng đó là vấn đề của … lịch sử. Tuy nhiên tôi nghĩ nhà văn có thuận lợi hơn người khác khi luôn biến những khó khăn về vật chất, tinh thần hay hoạn nạn thành những chất liệu cho sáng tác của mình. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ mình số đỏ, vì sống được bằng cái nghề mình mơ ước từ bé.
Hồi cấp một, cấp hai, tôi mê đọc những tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Tô Hoài, Thế Lữ, Hector Malot, Victor Hugo… tôi không hiểu sao họ có thể viết được những cuốn sách hấp dẫn như vậy. Hồi đó tôi nghĩ nhà văn không phải là… con người, chắc là thần thánh gì đấy. Tôi ao ước lớn lên cũng sẽ viết được những cuốn truyện như thế, chỉ là mơ ước trẻ con thôi, sau này đi qua bao khúc quanh của cuộc đời rốt cuộc tôi cũng trở thành nhà văn, nên ở khía cạnh này tôi thấy mình may mắn
- Đọc truyện của anh rất hài hước dí dỏm, trẻ thơ trong trẻo nhưng lúc nào cũng phảng phất tính thời sự; hồn nhiên và cũng chứa đựng trong đó những vấn đề rất lớn của thời đại. Sao anh không viết hẳn một câu chuyện lớn cho người lớn?
- Nếu gọi tác phẩm lớn là cuốn sách để đời thì cũng rất nhiều nhà văn ao ước. Nhưng thành tựu văn chương thường nằm ngoài ý chí của nhà văn. Anh muốn có tác phẩm để đời nhưng đời có cho anh để hay không là một chuyện khác. Có khi anh viết chơi chơi lại có tác phẩm lớn. Như cuốn sách mỏng teng Của chuột và người của John Steinbeck chẳng hạn. Vấn đề ở đây là tài năng của nhà văn. Rất nhiều kiệt tác văn học thế giới là những tác phẩm viết cho trẻ em. Ví dụ như Hoàng tử bé của Saint Exupery, Tom Sawyer của Mark Twain hay các truyện cổ của Andersen…
- Vậy anh nghĩ sao khi sau này cũng có không ít ý kiến nói “Nguyễn Nhật Ánh viết hoài về làng quê sắp cạn chữ rồi, các cuốn sau bắt đầu không còn hay như trước”. Và người đọc mua sách Nguyễn Nhật Ánh chỉ vì thương hiệu?
- Nếu nói viết về làng quê cạn chữ, thì không chỉ tôi mà bất kỳ nhà văn nào cũng cạn. Vì các nhà văn, nhà thơ Việt Nam bao đời nay và nhiều tác giả trên thế giới đã viết về làng quê quá nhiều rồi. Thực ra, đề tài là cái không mới, bởi vì bản thân con người cũng vậy. Vấn đề của nhà văn do đó không phải là khai thác cái gì mà quan trọng là anh khai thác như thế nào, cách anh tiếp cận nó. Tình yêu chẳng hạn, đã được viết cả ngàn năm nay rồi nhưng có ai chán đọc sách về đề tài tình yêu đâu.
Độc giả yêu mến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vì thế giới trong văn của anh thật trong trẻo, hồn nhiên. |
Còn về chuyện thương hiệu, tôi nghĩ một thương hiệu muốn tồn tại lâu dài, uy tín của nó phải luôn được đảm bảo bằng chất lượng sản phẩm. Thương hiệu toàn cầu như Coca Cola một hôm bỗng sản xuất một loại nước ngọt có mùi gián, chuột, người tiêu dùng sẽ tẩy chay và quay sang uống nước ngọt của hãng khác ngay. Vì vậy nếu bảo rằng độc giả bỏ tiền ra mua một cuốn sách nào đó là vì thương hiệu chứ không phải vì chất lượng, e rằng cách nghĩ này đánh giá quá thấp người đọc.
- Nhạc sĩ Hà Quang Minh từng viết thế này: “Thế giới của Nguyễn Nhật Ánh đẹp như bóng râm đầy những cây minh quyết mà Cosimo đã sống, đẹp như mộng địa mà Peter Pan vẫn bay lượn cùng những thiên tinh bé nhỏ của mình, hoang sơ như cung Hằng nơi chú Cuội ngẩn ngơ đợi trâu về… Không hiểu nổi là Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ ra như thế để người khác đọc hay cho chính anh sống trọn những mê, man, ẩn, khuất của riêng cuộc đời mình”?
- Hà Quang Minh có những cảm nhận tinh tế của một tâm hồn nghệ sĩ. Đúng là nhà văn viết trước hết là để cho mình, để đi đến cùng những giấc mơ của mình. Bạn đọc yêu thích một nhà văn nào đó vì họ có những cảm xúc giống như của nhà văn, vì nhà văn đó đã vẽ ra được những giấc mơ của chính họ. Đó chính là sự đồng cảm giữa nhà văn và bạn đọc.
Sách của Nguyễn Nhật Ánh luôn best-seller. |
- Phụ nữ hay nói thế này, đàn ông có nhiều giai đoạn, tuổi 20 bốc đồng sốc nổi, tuổi 30 khắc nghiệt, tuổi 40 nếu không trầm tĩnh vĩ đại sẽ bảo thủ cứng nhắc ; 50 tuổi … khó lường, 60 khó tính kỳ lạ, 70 tuổi bắt đầu ngồi bên hiên nhà dễ khóc như trẻ nhỏ. Anh thấy mình có đi theo quỹ đạo phán xét này của một nửa thế giới còn lại không?
- Có lẽ tôi không đúng quy luật đó lắm vì tôi quanh năm đắm chìm trong những trang sách tuổi thơ nên tính cách không bị cái quy luật đó chi phối. Có thể tôi “mãi mãi tuổi … 15”.