Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà văn có sách bán chạy nhất 2013 gặp câu hỏi khó

Nhiều 9X đến giao lưu với nhà văn 6X có sách bán chạy nhất năm 2013 – Phạm Công Luận. Những câu hỏi về sự nghiện Facebook, chán môn xã hội của giới trẻ đủ khiến ông... gãi đầu.

Không lo khi giới trẻ nghiện Facebook

Buổi giao lưu với nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận thu hút nhiều khán giả đủ mọi thế hệ, nhất là các bạn 9X. Ông  là tác giả cuốn sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn. Đây là cuốn sách bán chạy nhất năm 2013.

Nội dung buổi giao lưu với chủ đề về tác phẩm Sài Gòn – chuyện đời của phố của ông. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5 cánh tay đưa lên thừa nhận mình đã đọc cuốn sách này. Và những câu chuyện đối thoại giữa 9X và 6X đi xa hơn chủ đề ban đầu. Có những câu hóc búa đến độ tác giả phải gãi tai hay cầu cứu... vợ.

Nhà văn Phạm Công Luận tại buổi giao lưu.
Nhà văn Phạm Công Luận tại buổi giao lưu.

Độc giả Phan Huỳnh Hiếu đặt vấn đề về ảnh hưởng của việc giới trẻ sa đà vào Facebook. Hiếu lập luận: “Em thấy nhiều bạn trẻ giao tiếp online rất tốt nhưng khi gặp nhau ngoài đời họ rất e dè, nói chuyện thiếu tự tin và phòng thủ lẫn nhau. Phải chăng mạng xã hội làm khả năng giao tiếp bị cùn đi?”.

Trước câu hỏi này, nhà văn chỉ biết... cười trừ: “Đây là một vấn đề lớn, cần một chuyên gia giải đáp. Có lẽ tôi xin nhường cho bà xã trả lời". Người bạn đời của ông cũng chính là đồng tác giả sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn, bà Đặng Nguyễn Đông Vy.

Bà Đặng Nguyễn Đông Vy thay mặt chồng trả lời một câu hỏi khó của đọc giả.
Bà Đặng Nguyễn Đông Vy thay mặt chồng trả lời một câu hỏi khó của độc giả.

Để trợ giúp chồng, bà Vy kể một câu chuyện: “Có một lần tôi nói với chồng chuyện giới trẻ lười đọc sách mà chỉ chơi Facebook, online cả ngày. Tuy nhiên, một thời gian sau tôi nhận thấy các bạn vẫn thích đọc sách. Như ở hội sách này vẫn chủ yếu là người trẻ. Tại sao 9X nghiện mạng xã hội? Theo tôi vì họ cô đơn. Khi tắt máy tính đi thì điều ấy càng lớn. Có lẽ đó là lý do họ đến với sách khi đã thấm thía nỗi cô đơn”.

“Tôi không lo lắng nhiều khi giới trẻ nghiện Facebook. Điều này cũng không làm họ giao tiếp kém đi vì đến một lúc nào đó các bạn sẽ tự điều tiết được hoạt động của mình trên mạng xã hội. Cũng giống như cách 9X đến với sách khi đã trải nghiệm nỗi cô đơn trên mạng vậy”, bà Đông Vy kết luận. Câu trả lời của bà nhận được sự đồng tình bằng tiếng cười, cái vỗ tay của chồng.

Ông Mẫn, một độc giả 6X cho rằng giới trẻ ngày nay không còn sự lễ phép, khiêm nhường, lịch sự như thời của ông. Đồng tình với nhận định này, tác giả bày tỏ: “Cuộc sống giờ đổi thay nên khó mà kỳ vọng giới trẻ sẽ ứng xử như thời trước. Tuy nhiên, người lớn chúng ta phải biết trăn trở thì mới có biện pháp cải thiện”.

Một bạn trẻ khác thắc mắc: “Em thấy ở đây những quyển giảm giá đến 50% đều là sách lịch sử, xã hội. Ông nghĩ gì khi giới trẻ không tha thiết với các môn xã hội”. Về câu hỏi này, ông Luận tâm sự: “Tôi biết có nhiều bạn định cư ở nước ngoài từ bé, và đến khi trưởng thành họ đều có tâm thức trở lại quê hương nơi cha mẹ họ từng sống để tìm hiểu. Nói vậy để thấy các bạn không hoàn toàn chán ghét lịch sử, xã hội. Nhưng chúng ta cần phải có định hướng để các bạn thích thú môn học này”.

Mong người trẻ biết hoài niệm quá khứ

Cuốn sách Sài Gòn – Chuyện đời của phố là tập hợp 36 mẩu chuyện về những con đường, cửa tiệm, ngôi nhà cổ hay một nếp sống của mảnh đất phương Nam.

Nhà văn chia sẻ: “Cuộc sống Sài Gòn xưa vốn là chủ đề tôi yêu thích. Từ đó tôi tìm kiếm thông tin về các nhân vật, câu chuyện mà không mấy ai nhớ. Tôi hỏi thăm người này người kia, tìm qua Internet, các đầu mối dần hiện ra, để tôi có tư liệu viết sách”.

Hai vợ chồng nhà văn ký tặng khán giả yêu sách của mình.
Hai vợ chồng nhà văn ký tặng khán giả yêu sách của mình.

“Có vẻ như giờ nhiều tác giả thích viết về Sài Gòn, liệu đây có phải là trào lưu không”, Huy Hoàng (ĐH KHXH&NV TP.HCM) thắc mắc. Ông Luận cho rằng nếu so với sách về Hà Nội, Huế thì sách viết về thành phố này vẫn còn quá ít. “Tuy nhiên nếu là trào lưu thì cũng chỉ có tính thời điểm. Sức sống của một tác phẩm nằm ở giá trị mang lại cho đọc giả”, ông nói.

Câu hỏi của Bùi Long Hải Vân: “Mục đích ban đầu khi viết sách của tác giả là dành cho ai. Nếu cho người trẻ thì đây có phải là cuốn sách đáng đọc. Vì chúng em không biết ngôi nhà cổ đẹp ra sao, không biết tiếng rao như thế nào thì làm sao thích đọc được?”.

Trả lời câu hỏi của Hải Vân, nhà văn bộc bạch: “Thật ra ban đầu tôi tính nhắm đến đọc giả trung niên. Nhưng khi viết thì tôi lại nghĩ sách này đáng để giới trẻ đọc. Lúc tác phẩm phát hành, tôi bất ngờ vì có nhiều bạn trẻ phản hồi lại. Hy vọng cuốn sách sẽ tác động đến dù ít hay nhiều để các bạn biết hoài niệm quá khứ, bảo tồn những giá trị văn hóa còn sót lại, đó cũng là cách để sống tốt hơn. Có thể bằng việc viết, chụp hình, quay phim lại những điều các bạn chứng kiến ở thế hệ của mình”.

 

Như Quỳnh

Bạn có thể quan tâm