Nhà Trắng hôm 8/2 đã bác bỏ đề xuất của Bộ trưởng Tư pháp William Barr về việc cho phép Mỹ kiểm soát Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển), 2 đối thủ nước ngoài của tập đoàn viễn thông Huawei.
Trước đó vào ngày 6/2, ông Barr cho rằng Mỹ và các đồng minh nên xem xét liên kết với 2 tập đoàn trên để ngăn sự vươn lên của Huawei trong cuộc đua triển khai thế hệ mạng không dây 5G.
Đề xuất giúp Mỹ nắm lợi thế trong cuộc đua 5G so với Huawei của Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã không được chấp nhận. Ảnh: Reuters. |
Việc này có thể tiến hành bằng cách mua cổ phần để kiểm soát các tập đoàn, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty tư nhân và đồng minh của Mỹ. Barr cho rằng một thị trường lớn với tiềm lực tài chính mạnh như Mỹ khi đứng sau các tập đoàn trên sẽ giúp họ trở thành đối thủ đáng gờm.
Trong thư phản hồi, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Nokia và Ericsson, khẳng định thiết bị của họ rất cần thiết trong việc xây dựng hạ tầng 5G tại quốc gia này. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không mua cổ phần những công ty trên, bất kể họ là công ty trong hay ngoài nước.
"Chúng tôi tôn trọng ý kiến của Bộ trưởng Barr, tuy nhiên giải pháp tốt nhất bây giờ nằm ở đề xuất của Ajit Pai (Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang)", Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nhận định.
Cụ thể, kế hoạch của Pai là Mỹ sẽ mở rộng triển khai 5G bằng sức mạnh của thị trường tự do và các công ty của Mỹ.
Sau thông tin này, cổ phiếu của Nokia trên sàn chứng khoán New York đã tăng 4%, trong khi cổ phiếu Ericsson trên sàn Nasdaq tăng gần 5,4%. Cả 2 từ chối bình luận về thông tin.
Hiện tổng giá trị vốn hóa của Nokia và Ericsson vào khoảng 53 tỷ USD. Nếu đề xuất được thông qua, không rõ nguồn vốn nào sẽ được Mỹ khai thác để mua cổ phần các công ty này.