Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn săn nguồn tin độc bằng cách nào?

Các cuốn sách tiểu sử về thiếu tướng, anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn đều khẳng định, ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhà báo.

Trong cuốn sách tiểu sử đầu tiên về vị tướng tình báo mang tên Tên người như cuộc đời (NXB Công an nhân dân, 2005), nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, cho biết Phạm Xuân Ẩn (thiếu tướng tình báo Trần Văn Trung) không chỉ là nhà báo giỏi săn tin, có những tin độc, mà còn luôn tuân thủ các nguyên tắc báo chí mà ông học được ở Mỹ.

Là nhà báo nổi tiếng cho các cơ quan thông tấn phương Tây như hãng tin Reuters, tạp chí Time, không chỉ có nguồn tin phong phú, ông Ẩn còn có khả năng suy luận xuất sắc để có những thông tin độc quyền mà không ai có được.

Tháng 10/1963, khi miền Nam đang nóng bỏng với các cuộc biểu tình của giới Phật giáo chống lại chế độ Ngô Đình Diệm hà khắc, tất cả các giới chính trị và báo chí quốc tế đều trông ngóng tin khi nào Mỹ thay đại sứ ở miền Nam như tin tức đồn đại. Bởi vì nếu Cabot Lodge sang thay Nolting, tức là Mỹ muốn thay đổi đường lối, là ngày tàn của chế độ độc tài cá nhân gia đình trị họ Ngô.

Trước tất cả các báo, Phạm Xuân Ẩn viết một tin độc đáo: “Một tuần nữa Nolting về nước”. Ông Ẩn đã “mạo hiểm” đưa tin này dựa vào những thẩm định chính xác, tinh nhanh của óc quan sát cá nhân, kết hợp nguồn tin dựa vào những chi tiết nhiều người bỏ qua.

Pham Xuan An,  Larry Berman,  Ten nguoi nhu cuoc doi,  Diep vien hoan hao anh 1
Phạm Xuân Ẩn với thẻ báo chí do Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ (MACV) cấp.

Sách Tên người như cuộc đời giải thích, ông Ẩn viết tin này khi quan sát viên bí thư của Nolting, ông này mới ngoài 20 tuổi, rất đẹp trai. Mọi khi ông này mặc đồ đàng hoàng lắm, hôm đó lại diện áo “chim cò”, dẫn theo một cô gái Việt Nam xinh đẹp tới nhảy đầm. “Ê, bữa nay sao mặc lôi thôi, lại có cả đào”, một nhân viên an ninh Mỹ làm Tòa Đại sứ ngồi trên ghế cao của quầy rượu (bar) hỏi. Viên bí thư trả đũa: “Tuần tới tao về nước rồi. Cho tao xả hơi chứ”.

Chỉ có chi tiết đó đã “bỏ phiếu” chắc chắn cho dự đoán của Ẩn về một cái tin ông theo hoài mà nắm chưa chặt. Ông Ẩn chạy về đánh ngay cái tin độc đáo “Một tuần nữa thay đại sứ - Nolting về nước”. Có cả một chút mạo hiểm, tin ở sự suy diễn của mình.

Tin đó “trúng phóc”, nhưng đã làm cho Đại sứ Mỹ điên đầu. Nhân viên an ninh của tòa đại sứ gặng hỏi đủ kiểu, ông Ẩn không để lộ cách ông lấy tin này từ đâu ra. Thậm chí tòa đại sứ còn vận động để hãng Reuters phải cho ông Ẩn thôi việc, hoặc chí ít chuyển ông qua Singapore. Cũng may là đến ngày 1/11 thì cuộc đảo chính diễn ra, người bạn Mỹ trêu chọc ông Ẩn: “Đảo chính này cứu mày đấy”.

Cẩn trọng với tin tức cũng là một nguyên tắc của Phạm Xuân Ẩn. Như khi đưa tin việc đại sứ Mỹ Nolting khánh thành đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, dù có trong tay bản photo bài diễn văn, ông Ẩn vẫn phải cho một phóng viên trẻ lên canh trên sân bay, khi nào ông Nolting đọc xong, điện về cho ông biết, lúc đó ông mới chạy bài đó lên máy telex sang Singapore rồi chuyển đi khắp thế giới.

Ông rút kinh nghiệm từ sự kiện Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dag H.A.C. Hammarskjold người Thụy Điển, năm 1961 bị rớt máy bay chết ở châu Âu. Giới phóng viên không biết vụ tai nạn, đã đưa tin ngày giờ ông ta đến sân bay, tiếp đón linh đình. “Trật tuốt luốt. Lý do vì ký giả ngồi ở nhà viết tin dựa trên bản chương trình di chuyển của ông Hammarskjold phát trước”, ông Ẩn giải thích với tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải.

Tuy nhiên vụ đưa tin đại sứ Nolting đọc diễn văn này cũng khiến ông Ẩn gặp “tai nạn nghề nghiệp”. Đó là khi đọc diễn văn, viên đại sứ tự bỏ lướt qua một số câu chữ mà ông ta cho là không chỉnh, vậy mà khi bản tin của ông Ẩn phát lên lại vẫn còn y nguyên. Vụ đó cũng khiến ông Ẩn gặp nhiều phiền toái với an ninh chính quyền Sài Gòn, họ gặng hỏi ông Ẩn lấy bài diễn văn từ đâu, tuy nhiên ông Ẩn viện dẫn nguyên tắc nghề nghiệp báo chí là phải giữ bí mật nguồn tin, nên không thể tiết lộ.

Nhờ Ẩn cương quyết vậy nên các "nguồn tin” được bảo vệ, họ càng tin cậy một nhà báo trung thực.

Trong cuốn Điệp viên hoàn hảo của GS Larry Berman (NXB Hồng Đức, 2013), Phạm Xuân Ẩn cho biết “quy luật bàn chân” mà ông học được từ cuốn sách Nghề phóng viên do các nhà báo Mỹ viết, xuất bản từ năm 1953. Theo đó, một phóng viên giỏi phải rời bàn làm việc của mình để ra ngoài và gặp gỡ ít nhất bốn quan chức mỗi ngày.

Trong khi đó, nhà báo Bob Shaplen từng viết về cách tác nghiệp của ông Ẩn trên New Yorker rằng: “Ẩn đặt chỉ tiêu mỗi sáng phải tới ít nhất năm điểm (nơi có nhiều tin đồn), trước khi trực chỉ tiệm Givral…”.

Theo GS Berrman, tới hơi thở cuối cùng, ông Ẩn vẫn khẳng định chắc chắn rằng công việc tình báo đã không bao giờ ảnh hưởng tới công việc nhà báo của ông.

“Để làm việc cho Time, anh phải khách quan. Học được điều đó đã giúp tôi rất nhiều trong việc thực hiện nghĩa vụ cho đất nước. Báo chí Mỹ khác với tất cả các nền báo chí mà tôi biết. Một phóng viên giỏi sẽ đưa tin chính xác theo những gì anh ta thấy và phải hiểu điều đó là đúng. Nhà báo không được tự biện”, ông Ẩn giải thích.

Trong cuốn sách này, nhà báo Frank McCulloch, trưởng văn phòng Time tại Sài Gòn, đã đánh giá: “Ẩn rất am tường về sự xoay chuyển tình hình. Sau khi đã nhìn nhận mọi chuyện, tôi có thể nói rằng vai trò điệp viên đã không hề làm cong vênh nghề báo của ông ấy”.

Còn trong cuốn Điệp viên Z.21: Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ của Thomas A. Bass (NXB Hồng Đức, 2014), cũng chính McCulloch kể về khả năng của Phạm Xuân Ẩn. “Phạm Xuân Ẩn đóng vai trò nguồn tin cho các phóng viên khác hơn là vai trò chính mình là một phóng viên”, nhà báo này nói. “Một giá trị khác mà Phạm Xuân Ẩn có trên cương vị phóng viên là sự am hiểu sâu sắc về chính quyền Nam Việt Nam, đặc biệt là tình trạng tham nhũng trong đó. Anh ấy biết những viên tướng nào thích kiểu gì…”.

McCulloch cho rằng, do Phạm Xuân Ẩn quá am hiểu những quy tắc của nghề báo chí Mỹ, cách đặt bản thân mình ra ngoài câu chuyện và viết văn kiểu trung dung vốn được cho là khách quan. “Điều đó khiến anh ấy trở thành một nhân viên cực kỳ có giá trị. Người ta phải biết rằng anh ấy là một nhà báo hoàn toàn trung thực”, ông kết luận.

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm