Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) vừa thông báo tiếp tục đạt kết quả tích cực trong quý III so với mức nền thấp cùng kỳ. Doanh thu thuần ghi nhận mức tăng trưởng 54% lên 7.709 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện giúp lãi gộp tăng vọt 72% lên 1.197 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng mạnh theo quy mô lên 865 tỷ đồng và chi phí quản lý nhích nhẹ lên 210 tỷ đồng.
Từ các biến động trên, công ty vẫn có lãi sau thuế đạt trên 85 tỷ đồng, cao hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng cao 80% so với quý liền trước.
Ban lãnh đạo lý giải kết quả trên do so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ trong giai đoạn chống dịch Covid-19, cùng với đó là chuỗi Long Châu đạt mức tăng trưởng tốt khi mở rộng thêm hàng trăm cửa hàng.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA FPT RETAIL | ||||||||||
Nhãn | Quý III/2020 | Quý IV | Quý I/2021 | Quý II | Quý III | Quý IV | Quý I/2022 | Quý II | Quý III | |
Lãi sau thuế | Tỷ đồng | -7 | 1 | 31 | 30 | 47 | 335 | 169 | 47 | 85 |
Kết thúc 3 quý đầu năm, FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất 21.708 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ và hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu của cả năm.
Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 369 tỷ đồng, gấp 2,7 lần 9 tháng đầu năm 2021 và hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Xét theo cơ cấu, doanh thu chuỗi Long Châu đóng góp 6.562 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm tỷ trọng 30% tổng nguồn thu. Doanh thu chuỗi FPT Shop vẫn là chủ lực mang về 15.233 tỷ đồng, tăng trưởng 32% và chiếm 70% tổng nguồn thu.
Doanh thu mảng online 9 tháng đầu năm đạt 3.958 tỷ đồng, tăng trưởng 39% so với cùng kỳ và chiếm 18% tổng doanh thu hợp nhất.
Về mạng lưới, đại gia bán lẻ này hiện sở hữu tổng cộng 1.545 cửa hàng bán lẻ đồ điện tử và nhà thuốc. Trong đó, công ty mở thêm 98 cửa hàng FPT Shop so với đầu năm để nâng tổng số lượng lên 745 điểm bán.
Đồng thời, hệ thống này cũng mở mới 400 nhà thuốc Long Châu so với đầu năm để nâng tổng số lượng lên 800 địa điểm kinh doanh. Như vậy, công ty này đã hoàn thành sớm kế hoạch mở mới nhà thuốc trong năm nay.
Tại thời điểm cuối quý, tổng tài sản của FPT Retail giảm nhẹ về dưới 10.000 tỷ đồng, chủ yếu do chính sách đẩy mạnh tồn kho cho mùa bán hàng cuối năm và giảm phải thu. Công ty cũng giảm dư nợ vay ngân hàng từ hơn 6.000 tỷ đầu năm về 4.900 tỷ đồng.