Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà thơ Thường Đoan: 'Tôi sẽ mời công an văn hóa điều tra'

Tác giả bài thơ "Buổi sáng" cho biết sẽ nhờ tới công an văn hoá nếu Phan Huyền Thư không nhận lỗi và tiếp tục ngụy biện.

- Cảm giác của chị khi đọc bài thơ "Bạch lộ (Độc ẩm với Lã Bất Vi)" của Phan Huyền Thư như thế nào?

- Cảm giác đầu tiên là sốc. Sốc không phải vì thơ mình bị người ta lấy vì người đó là Phan Huyền Thư. Không lẽ Thư không làm được thơ mà phải đi lấy của người khác? Ban đầu nghe Hà Quang Minh nói qua điện thoại, tôi còn không dám tin. Cho tới khi Hà Quang Minh viết trên facebook, đọc cả bài thơ thì tôi mới tin là sự thật. Một người nổi tiếng như Thư không biết tại sao phải làm điều đó?

Nhà thơ, nhà báo Phan Ngọc Thường Đoan.

- Là nhà thơ kiêm nhà báo nhưng tại sao ban đầu chị chị chọn cách phản ứng không quá gay gắt như nhiều người bị "đạo thơ" khác?

- Nếu bạn gặp tôi cách đây 20 năm, tôi là người khác hẳn. Lúc ấy, nếu biết ai đạo thơ mình, tôi tức giận và gọi nói chuyện cho ra lẽ. Có người chôm cả bài, người chôm đoạn, người chôm ý, sinh viên, nhạc sĩ… đều có cả nên tôi như người lỳ đòn, chai sạn rồi, không còn ngạc nhiên khi bị đạo thơ nữa. Mà không nên tranh chấp với những người lấy thơ của mình. Khả năng họ không có thì mới làm thế.  

Hội Nhà văn Hà Nội chờ phản hồi của Phan Huyền Thư

Trong diễn biến sự việc bị tố "đạo thơ" của tác giả Thường Đoan, nhà thơ Phan Huyền Thư cho biết sau khi giải trình xong với Hội Nhà văn Hà Nội, chị sẽ lên tiếng trên báo chí.

- Chị Phan Huyền Thư đã liên lạc với chị chưa từ sau khi sự việc được đưa ra dư luận?

- Tối qua Phan Huyền Thư gọi cho tôi nhưng tôi nghĩ chỉ là câu chuyện nên không có ghi âm lại. Câu đầu tiên Thư hỏi là "Bây giờ chị tính sao?" Tôi hỏi lại: "Tính sao là tính sao? Tôi hơi ngạc nhiên". Thư bảo tiếp: "Thôi sự việc giờ vậy rồi, em vừa gặp nhiều sự cố thì chị cho em sự im lặng để em giải quyết. Mai em sẽ vào Sài Gòn để gặp chị". 

Khi biết tôi là nhà báo, Thư lặng đi một lúc rồi khóc: “Mai em sẽ vào Sài Gòn gặp chị để giải thích”. Chắc Thư không nghĩ tôi là nhà báo mà nghĩ là Phan Ngọc Thường Đoan là cô cậu sinh viên nào đó, hoặc là bà nào ở nơi xa xôi nào đó. 

Đến ngày hôm nay, tôi lại nhận được tin Phan Huyền Thư nhờ người bạn Đỗ Khiêm nào đó xác nhận đã viết bài thơ từ lâu, trước cả thời gian tôi in tập Đếm cát.

Tôi định không nói gì trước báo chí, để mọi việc trôi qua nhưng đọc được  lời của Thư trên mạng xã hội là đã viết lâu rồi, giờ mới in. Tôi cảm thấy Thư không nhận lỗi mà còn xúc phạm tôi thì tôi không thể im lặng.

Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan quá bất ngờ vì người đạo thơ là người nổi tiếng như nhà thơ Phan Huyền Thư.

- Chị sáng tác bài "Buổi sáng" trong hoàn cảnh nào?

Khoảng năm 2000, anh Phú Quang mở quán cà phê Catina ở quận 1, TP HCM. Đó là nơi tụ tập của anh em văn nghệ sĩ. Hôm đó, anh Phú Quang ra trễ hơn so với thường ngày nên trong lúc ngồi một mình tôi sáng tác bài Buổi sáng. Anh Minh, giám đốc công ty Cát Tiên Sa cũng có mặt hôm đó. Vì thế, sáng nay, anh gọi điện chia sẻ với tôi.

- Ngoài ra, chị còn có kỷ niệm nào liên quan đến bài thơ cũng như tập thơ "Đếm cát" của mình không?

- Trong bài có tứ thơ liên quan đến cây đàn dương cầm là vì tối hôm trước, chúng tôi ở quán nghe anh Phú Quang đệm đàn cho anh Ngọc Tân hát bài Nỗi nhớ mùa đông. Ngữ cảnh sinh ra chứ không phải ngẫu nhiên ra tứ thơ đó. Phan Huyền Thư có muốn nói gì thì thơ vẫn là của tôi. Sau đó, anh Phú Quang phổ nhạc và còn được giải thưởng. 

Tập thơ này, do những người bạn thân thiết của tôi góp sức thực hiện. Họa sĩ trình bày bìa là Bích Nguyệt, còn dàn trang là Nguyễn Văn Nam – hiện cậu ấy đang dạy ở trường Đại học Kinh tế. 

Những tập thơ đã ra mắt của Phan Ngọc Thường Đoan.

- Chị có nghĩ cần phải có biện pháp để bảo vệ những đứa con tinh thần của mình sau sự việc lần này?

- Xưa nay, tôi sáng tác theo nhu cầu, cảm xúc của mình nên chưa từng gửi dự thi bất cứ cuộc thi nào. Bị đạo khá nhiều thơ nhưng tôi cũng không nản vì viết là cho mình, còn người khác lấy lại mới là người đáng thương vì họ không có khả năng. 

Một người làm thơ, viết văn thì trong sâu thẳm, sẽ có chút lương tâm, tự trọng, có điều, có dám mở cánh cửa đó ra nhìn không thôi. Nhưng tôi tin chắc bây giờ họ không dám nhìn thẳng thì đến 60 -70 tuổi họ sẽ phải ân hận. 

Qua vụ việc này, bạn bè tôi bảo nhau: lần sau, ai có bài mới, phải la làng lên cho mọi người biết để nếu có chuyện gì xảy ra sẽ có bằng chứng.

- Đặt giả thiết trong trường hợp Phan Huyền Thư không xin lỗi chị và còn chứng minh sáng tác trước thời gian chị ra tập thơ thì sao?

- Thư làm thế nào thì cô ấy sẽ lãnh hậu quả thế. Tôi nghĩ, tôi cũng không cần quá căng thẳng với cô ấy. Nếu Thư làm quá, tôi sẽ mời công an văn hóa vào cuộc. 

Hằng Nguyễn

Ảnh: Bá Ngọc

Bạn có thể quan tâm