Nhà thơ Thanh Tùng qua đời tối 13/9 sau thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư dạ dày. Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, nhưng có những người ra đi, nhân cách và những vần thơ đẹp vẫn ở lại với hậu thế.
Nhà thơ Thanh Tùng. Ảnh: Mễ Thuận. |
Đời nhọc nhằn, vẫn an nhiên sống
Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh năm 1935 ở Nam Định, nhưng lớn lên tại thành phố Hải Phòng. Do đó, ông có nhiều bài thơ viết về thành phố Cảng.
Nhà thơ Thanh Tùng có một cuộc đời lao động chân tay vất vả. Ông làm nghề khuân vác trên bến cảng Hải Phòng, có khi ông làm công nhân đóng tàu. Trong suốt nhiều năm sáng tác thơ, Thanh Tùng vẫn sống một cuộc đời lao động vất vả.
Thời điểm bài thơ Thời hoa đỏ được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc (khoảng năm 1989), nhà thơ Thanh Tùng vẫn đang làm nghề bán sách trên vỉa hè. Ngay cả khi Thời hoa đỏ trở thành tác phẩm rất nổi tiếng, ông vẫn chưa thành “người của công chúng” để báo chí đổ xô ngợi ca, như đáng ra phải thế.
Cho tới năm 2001, lúc ấy đã 66 tuổi, Thanh Tùng mới ra tập thơ đầu mang tên Thời hoa đỏ. Tập thơ đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng vào năm 2002.
Hôn nhân của nhà thơ cũng không được suôn sẻ cho lắm, bởi thế có lần ông từng nói: “Tôi không may mắn đường tình duyên”. Ông trải qua cuộc hôn nhân lãng mãn, với người vợ nhan sắc. Năm 1989, vợ của ông qua đời vì bệnh tim, để lại cho ông hai người con. Suốt quãng đời dài về sau, đôi lần trải qua những rung cảm lãng mạn, Thanh Tùng không kết hôn mà nuôi con khôn lớn.
Những năm cuối, đời sống của Thanh Tùng được bù đắp bởi con cháu. Ông sống cùng gia đình con gái. Năm nào con út cũng làm lễ mừng sinh nhật với hoa và nến, lại mời các bạn văn tới ngâm thơ, đàn hát.
Trong buổi sinh nhật ông tổ chức vào năm 2015, con gái nói về cha mình đầy tự hào: “Bố tôi thuần là một nhà thơ, một thi sĩ. Ông sống không ganh đua với ai, không bon chen tính toán thiệt hơn mà luôn giữ sự hồn nhiên, lãng tử. Ông luôn chịu đựng sự nghèo túng một cách vui vẻ, lạc quan. Ông yêu thơ nên coi sự nghèo khổ, rách rưới là một thử thách rồi sẽ vượt qua. Đời ông luôn coi trọng tình bạn và thơ ca. Tinh thần và nghị lực của ông đã truyền cho tôi có được cuộc sống ngày hôm nay”.
Liều mạng viết thơ về tình yêu
Thuở hoa niên, Thanh Tùng chưa bao giờ có ý định theo nghiệp viết, mà chỉ thích làm kỹ sư chế tạo máy. Điểm văn của ông không tốt, thậm chí dưới điểm trung bình, thường bị thầy cô phê bài văn lạc đề.
Ông tham gia thanh niên xung phong. Rồi chuyển sang làm thợ bốc xếp nơi bến cảng, thợ rèn nơi công xưởng đóng tàu… Công việc lao động tay chân, cầm quai cầm bú tưởng chẳng liên quan gì tới văn chương, cầm bút. Ấy vậy mà Thanh Tùng “làm thơ lúc nào cũng không biết”.
Trong bom đạn chiến tranh, có khi cảm xúc dâng tràn, tâm hồn thi sĩ bật ra những vần thơ. Ông thường mang theo mẩu bút chì và tờ giấy để chép lại thi tứ đến bất chợt ấy. Cũng có khi, ông cầm viên gạch non làm bút để viết, hoặc viết trên tấm tôn trong nhà xưởng. Dưới hầm trú bom, ông vẫn làm thơ, lẩm nhẩm cho tới khi thuộc lòng thơ mình.
Trong chiến tranh, các sáng tác văn chương thường gắn mọi đề tài với cuộc chiến, thơ tình cũng đi liền với lý tưởng, đấu tranh. Nhưng Thanh Tùng viết Thời hoa đỏ – một bài thơ thuần về tình yêu, một “tình yêu bao giờ cũng ám ảnh tôi” như lời ông nói. Ông gọi vui việc viết thơ, viết về tình yêu của mình giống như một hành động liều mạng vậy.
Thời hoa đỏ của Thanh Tùng được giới văn chương yêu thích, và đánh giá cao. Tên bài thơ thường được dùng để ví von, nhắc về thời thanh xuân. Nhà thơ Chế Lan Viên khen thơ Thanh Tùng “Tây Tây”, ý chỉ sự tác phẩm mang tinh thần mới mẻ. Còn nhà thơ Xuân Diệu vì mến tài Thanh Tùng mà đưa cho tác giả Thời hoa đỏ đọc trước cả một tập thơ chưa in của mình.
Sau khi Thời hoa đỏ được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, tác phẩm trở nên phổ biển. Ca sĩ Lệ Thu là người đầu tiên thu âm ca khúc, và Thái Bảo là nghệ sĩ mà tên tuổi gắn chặt với Thời hoa đỏ.
“Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ…”. Thanh Tùng viết về tình yêu thời trai trẻ chấm dứt, với sự lặng im. Mọi thứ qua đi, và chỉ còn màu hoa đỏ hằn sâu, ứa ra từ ký ức, về một thời đắm say.
Thời hoa đỏ còn sống mãi trong lòng công chúng, bởi tác phẩm đã nói hộ tâm tình của bao người về một quãng yêu đương say đắm của tuổi trẻ.
Nhưng Thanh Tùng đâu chỉ có Thời hoa đỏ. Mang tâm hồn thi sĩ, ông luôn sáng tác và để lại cho đời những vần thơ đẹp. Trong đó, nhiều tác phẩm của Thanh Tùng được bạn yêu thơ biết tới như: Con sông chảy từ lòng phố, Cửa sóng, Trường ca Phương Nam, Gió và chân trời, Khúc hát xa quê, Cái ngày xưa ấy, Thuyền đời…
Ngoài Thời hoa đỏ, Thanh Tùng còn có ba tác phẩm khác được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc: Người về, Hà Nội ngày trở về, Mùa thu giấu em. Ca khúc Hà Nội ngày trở về cũng nổi tiếng, được nhiều người đất kinh kỳ xa xứ yêu mến.