Kẻ biết điểm dở của mình, biết chán mình, đương nhiên là kẻ tỉnh. Đọc thơ Đặng Huy Giang bỗng dưng tôi thèm cái ngây ngây của Bùi Giáng:
“Xin chào nhau cuối con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”.
Chẳng ai biết đích xác nghĩa của “miên trường” là gì nhưng cứ bị say lây Bùi Giáng. Thơ Đặng Huy Giang thiếu cái lơ mơ ấy.
Song hạn chế đôi khi cũng là ưu điểm. Người ta không thấy sự làm duyên dễ dãi trong thơ Đặng Huy Giang, ngay cả thơ tình, từng câu, từng chữ đều được tác giả canh chừng:
“Biển bịt bùng đến nỗi
Đất trời không cõi riêng
Đền đài quen đến nỗi
Chẳng còn gì thiêng liêng
Phố chen chúc đến nỗi
Không nhận ra người quen
Rượu uống nhiều đến nỗi
Cốc chén say ngả nghiêng
Đầu bạc trắng đến nỗi
Tóc quen mình vốn đen
Nhắm mắt và lặng im
Anh yêu em đến nỗi…”.
Đặng Huy Giang đến với văn chương hoàn toàn do chủ ý. Anh yêu thích văn chương từ nhỏ nên thi vào khoa ngữ văn, Đại học tổng hợp ngày trước. 23 tuổi, anh có bài thơ đầu tiên đăng ở Văn nghệ quân đội: Bài thơ viết dưới gốc tràm. Cũng tháng 10 năm đó, anh được đăng bài thơ đầu tiên ở báo Văn nghệ, một bài thơ viết về Hà Nội.
Nhà thơ Đặng Huy Giang dưới nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Văn Hổ. |
Sau này, những đứa con tinh thần phôi thai đầu tiên ấy đều không được anh đưa vào tuyển thơ của mình. Đó lại là một sự tỉnh táo. Người làm văn, làm thơ mà thấy tất cả những “đứa con” do mình sinh ra đều hay như nhau lại là sự dở. Bởi văn chương đòi hỏi sự sáng tạo và tối kị sự cào bằng. Anh kể, khi Phạm Tiến Duật còn sống, ông từng nói: “Thơ phải có sự trồi, sụt thì mới có sự khác nhau, giở ra bài nào cũng được lại là không được”.
Tôi hỏi Đặng Huy Giang “Bài thơ nào anh thích hơn cả trong tất cả những sáng tác của mình?”, thì ra anh tâm đắc bài Trước sen. Không tụng ca kiểu “Trong đầm gì đẹp bằng sen”, “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, Đặng Huy Giang viết khác:
“Sáng lên trong màn đêm ngờ vực
Thơm lên trên sình lầy cùng cực”.
Bài thơ kết lại trong băn khoăn đầy cảm thông của tác giả: “Em xoay sở làm sao mà hoa trắng nhụy vàng?”.
Khước từ sự đèm đẹp
Người xưa khuyên “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” song cuộc tranh luận “gỗ” và “nước sơn” vẫn diễn ra bất tận trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Không ít người coi trọng nước sơn hơn chất lượng. Như trong thi ca gần đây, có những người chủ trương chạy theo hình thức. Quan điểm của Đặng Huy Giang: “Tôi không định đả phá ai nhưng với tôi, con đường đi đến hình thức không là gì cả. Bài thơ hay là bởi nó hay chứ không phải do nó viết bằng lục bát hay năm chữ. Nội dung đẻ ra hình thức. Anh phải có nước, mới sinh ra bình được chứ. Nhà thơ Thi Hoàng từng nói: Muốn nấu một bữa ăn, anh phải có thức ăn, rồi mới bàn chuyện nướng hay xào. Không có ý tưởng chỉ nói loanh quanh”.
Xương sống của một bài thơ theo Đặng Huy Giang chính là tư tưởng. Anh thích những câu thơ như:
“Hoa huệ trắng
Hoa lan cũng trắng
Sao bóng nó trên tường thì đen”.
Thi sĩ đặc biệt tâm đắc câu thơ: “Tại sao ánh sáng đi qua chúng ta chỉ còn bóng tối”. Anh còn dẫn ra bài Mặt nạ kẻ ác của Bertolt Brecht với câu kết đắt giá “Làm kẻ ác vất vả vô cùng” để chứng minh sức nặng của tư tưởng. Cho nên, nếu ai đó muốn tìm sự đèm đẹp, nhẹ nhàng, đừng tới với thơ Đặng Huy Giang: “Thơ tôi không đèm đẹp, thơ phải có tứ, có ý”. Anh cũng nhận ra thêm một nét gần như là sự “cố hữu” của thơ mình: “Thơ tôi đôi khi hay triết lí nhưng quen thế rồi, viết mấy mươi năm như thế, thay đổi gì nữa”.
Nhà thơ Đặng Huy Giang. |
Nếu có cuộc thi “Bài thơ yêu thích” kiểu như “Bài hát yêu thích” đang diễn ra trên truyền hình, ban giám khảo chính là độc giả, có lẽ thơ Đặng Huy Giang bị thiệt. Nói gì thì nói, phần đông khán giả chắc vẫn yêu thích thứ thơ êm êm, đèm đẹp, dễ nhớ, dễ thuộc. Liệu Đặng Huy Giang có chạnh lòng khi thơ mình không phổ cập đám đông? Nhưng không, “đường ta, ta cứ đi”, anh có lí riêng: “Số người quan tâm thơ bây giờ rất ít, không trách được họ. Khi tôi viết báo, tôi vì độc giả, còn khi tôi làm thơ, không thể vì độc giả, bởi đó không phải mối quan tâm của người ta, sự yêu thích hay am hiểu của người ta”. Vẫn là một sự tỉnh táo, khi thi sĩ không “ngã” trước sự cám dỗ của đám đông.
Thơ cũng phải có nghề
Con trai anh, Đặng Chân Nhân, được biết đến như một “thần đồng” thơ Việt Nam, sau Trần Đăng Khoa. Cháu làm thơ khi mới 7 tuổi. Hỏi Đặng Huy Giang sao để tận 23 tuổi mới làm thơ? Anh đáp: “Phải có người chỉ bảo, hướng dẫn mình chứ, chỉ thuần túy cảm xúc thôi thì hỏng. Thơ cũng phải có nghề”. Anh nhắc lại Phạm Tiến Duật hồi còn sống từng nói: Làm thơ nói một cách thô thì như thợ mộc, cũng phải biết bào, biết đục… rồi mới có thể đóng một cái gì. Tóm lại, phải có kỹ thuật để đào bới cảm xúc.
Mấy chục năm lăn lộn với thơ, khi đã vững kỹ thuật, Đặng Huy Giang lại lo giấu nghề: “Dấu ấn kỹ thuật lộ quá nhiều trong thơ lại hỏng. Mình làm chủ kỹ thuật quá không nên, duy lí quá không nên”.
Kỹ thuật chưa có, cũng khó viết thơ nhưng khi tay nghề đã vững, cũng cần cảnh giác. Cho nên, ai đó nói văn chương là một cuộc dạo chơi, Đặng Huy Giang không đồng ý. Với anh, văn chương là “chốn gian nan”, lơ mơ còn vướng tai nạn nghề nghiệp. Anh cũng không đồng ý biến văn chương thành nơi để bỡn cợt. Việc xuất bản thơ hiện nay quá dễ dãi, dẫn đến việc ra đời những tập thơ có tên gọi hạ thấp văn chương, thí dụ: Khúc lêu hêu mùa hè, Đói những nụ hôn…
Được đào tạo văn chương trong trường đại học và chịu khó đọc sách, song Đặng Huy Giang coi kiến thức qua sách vở, qua học hỏi từ người khác chỉ xếp hạng hai, sự trải nghiệm của bản thân được xếp hạng nhất, bởi chỉ có sự trải nghiệm mới tạo ra cho mỗi người kho kiến thức khác biệt. Mặc dù chỉ nhận mình “dính dấp một tí chiến tranh” nhưng bốn năm đi bộ đội, là quãng trải nghiệm nhà thơ luôn trân trọng.
Từng là ủy viên Hội đồng thơ, Hội nhà văn Việt Nam, anh được đánh giá là người nghiêm túc khắt khe trong thẩm định thơ. Không chỉ với thơ người, với thơ mình cũng vậy: “Không chỉ trong thơ mà trong cuộc đời mình phải có những lúc biết chán mình”. Chán mình không phải là sự buông xuôi mà chính là quãng nghỉ để làm mới bản thân, tiếp tục trên con đường văn chương khó nhọc. Sau 8 năm chưa in một tập thơ nào, trong tháng 10, Đặng Huy Giang sẽ cho ra mắt một tập thơ mới với khoảng 90 bài được chính tác giả cẩn thận chọn lựa từ vài trăm bài thơ của mình.
Đặng Huy Giang ẵm nhiều giải thưởng văn chương: Nhất có, nhì có, ba có nhưng giải thưởng của Hội nhà văn thì “có cái tặng thưởng thôi”. Về giải thưởng văn chương anh bày tỏ quan điểm: “Hiện nay giải thưởng nói chung ít được quan tâm nó bị phần đời xâm lấn nhiều quá. Đối với người vào hội, tôi nghĩ nên cho cởi mở hơn, người ta có sở thích, có một khả năng nào đó thì cho người ta vào hội, còn riêng về giải thưởng phải làm hết sức nghiêm cẩn, cái đó như phần giữ phẩm giá cho văn chương”.
Thần đồng có gì ghê gớm?
"Thần đồng là một đứa trẻ có tài, vậy thôi, không có gì ghê gớm, cũng không có gì vĩnh viễn cả”, Đặng Huy Giang nói về Đặng Chân Nhân, con trai anh, từng được xem như “thần đồng” thơ. Hiện nay Đặng Chân Nhân 22 tuổi, đã du học 6 năm, đang làm thạc sỹ về sản xuất phim. Nói về “thần đồng” anh cho biết: “Từ bé làm thơ, cũng như bây giờ, nó làm xong là xong, danh tiếng không ảnh hưởng tới nó”. 2,3 năm nay Đặng Chân Nhân mới viết một bài thơ. Cứ đặt bút là viết được nhưng chàng trai không để tâm nhiều đến thơ. Tuy nhiên một khi đã sáng tác, Nhân là người đặc biệt cẩn trọng câu chữ, “đụng vào chữ nào của nó, nó kêu ầm lên”, cha cậu chia sẻ.
Nhiều nhà thơ không thuộc thơ mình, Đặng Huy Giang không chỉ nhớ thơ mình mà còn nhớ cả thơ của các con. Thơ Đặng Chân Nhân ngay từ nhỏ đã có màu sắc triết lí nhưng là sự triết lí của trẻ thơ khiến người lớn ngạc nhiên thích thú:
“Chúng ta có phải là thần
Bị biến thành người
Để có thể cảm thấy cái chết?
Chúng ta có phải là quỷ
Được biến thành người
Để có thế cảm thấy tình yêu?”
Đặng Huy Giang còn có một cô con gái cũng yêu thơ và làm thơ hay không kém em trai “thần đồng”:
“Họ cũng làm vậy với chúng ta
Và cả thế giới này là một bệnh viện
Đầy những kẻ đã mất niềm tin
Những kẻ trả tiền để tin vào những điều bịa đặt
Giống như viên thuốc không còn tác dụng”.
Người thẩm định thơ Đặng Huy Giang đầu tiên chính là vợ anh. Chị học văn học, sau học triết học và thông thạo ngoại ngữ.