Các công tố viên Mỹ mới công bố 17 cáo buộc bổ sung chống lại Assange, 47 tuổi, vì cho xuất bản hàng trăm nghìn hồ sơ ngoại giao bí mật về các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, theo Guardian.
Theo bản cáo trạng bí mật, trước đó, nhà sáng lập Wikileaks bị buộc tội đột nhập hệ thống máy tính của Lầu Năm Góc.
"Hoạt động của Assange có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia Mỹ, phục vụ lợi ích những kẻ thù của chúng ta", Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố.
Nếu bị kết án với tất cả các cáo buộc chống lại mình, nhà sáng lập WikiLeaks sẽ phải đối mặt với mức án tối đa là 175 năm tù ở Mỹ.
Barry Pollack, luật sư của Assange tại Mỹ, tuyên bố: "Những lời buộc tội chưa từng có này chứng tỏ sức nặng từ mối đe dọa của vụ việc đối với tất cả các nhà báo trong việc công khai hoạt động của chính phủ Mỹ".
Nhà sáng lập Wikileak Julian Assange. Ảnh: Getty. |
Bản cáo trạng mới, được phê chuẩn hôm 23/5 bởi bồi thẩm đoàn tại bang Virginia, nêu chi tiết cách Assange và WikiLeaks công bố các tài liệu nhận được từ Chelsea Manning, cựu chuyên gia phân tích tình báo quân đội Mỹ.
Manning bị kết án vào năm 2013 theo Đạo luật Gián điệp vì ăn cắp hồ sơ mật. Sau khi thụ án tù 7 năm trong bản án 35 năm, Manning được thả tự do khỏi nhà tù quân đội ở Kansas vào tháng 5/2017. Cựu tổng thống Barack Obama đã ban lệnh ân xá cho Manning trong những ngày cuối cùng tại nhiệm.
Tuy nhiên, Manning bị bắt giam từ tuần trước vì từ chối hợp tác với bồi thẩm đoàn được cho là có liên quan đến thủ tục tố tụng Assange.
Ngày 11/4, sau 7 năm trốn trong Đại sứ quán Ecuador ở London và bị chính phủ Ecuador hủy quyền tị nạn, nhà sáng lập Wikileaks bị cảnh sát Anh bắt giữ. Trong phiên xử ngày 1/5 tại Anh, Assange bị tuyên án 50 tuần tù giam ở Anh vì vi phạm thỏa thuận bảo lãnh tại ngoại năm 2012 và trốn vào đại sứ quán Ecuador.
Theo luật Anh, chính phủ Mỹ có 65 ngày kể từ thời điểm Assange bị bắt giữ để cung cấp đầy đủ giấy tờ yêu cầu dẫn độ ông. Hạn chót cho phía Mỹ là ngày 15/6.