“Cha, xin cha cho con ở lại!”.
“…”.
Hai cha con ngồi nép mình bên cánh cổng Daehan (Đại Hàn Môn) trước cung điện Deoksu, đấu trí trong im lặng.
Thời gian trôi qua một cách nặng nề. Người cha mở lời với con trai mình.
“Con định ngoan cố đến cùng phải không?”.
Ông vừa dứt lời thì người con trai phản kháng dữ dội.
“Con không về! Giờ chỉ chờ bốn tháng nữa là con có việc rồi. Con không về đâu!”.
“Được, cứ cho là con kiếm được việc, rồi sao, con muốn sống kiểu làm công ăn lương ba cọc ba đồng sao?”.
Người con vẫn ngoan cường đáp:
“Còn hơn là làm nông dân!”.
Câu nói vừa thốt ra khiến chính cậu cũng thấy xót xa. Cậu lập tức thấy hối hận vì đã thốt ra những lời này với người cha làm nông của mình. Cậu cúi gằm mặt.
Người cha nhận thấy con mình đang lung lay, nên vội vàng nói:
“Con không biết cha đã tốn bao nhiêu nước mắt khi lên Seoul tìm con. Nếu con không phải là con trai cả thì cha đã để mặc con tự quyết định cuộc đời của mình, nhưng…”.
Những lời này đã đánh gục được người con trai.
Cậu òa lên khóc bởi không ngờ một người cộc cằn như cha lại có thể rơi lệ vì mình.
“Con biết rồi, cha… Con sẽ về!”.
Với tâm trạng hồ hởi khi cuối cùng cũng đã thuyết phục được cậu con trai trở về, người cha đề nghị đi tham quan vườn bách thú. Hai cha con đi bộ từ cung điện Deoksu đến Changgyeongwon (1) (Xương Khánh Uyển). Trước cổng vườn bách thú, nhìn thấy tấm bảng đề: “Người lớn 10 jeon, trẻ em 5 jeon (2)”, người cha bỗng giật mình. Ông cứ tưởng được vào cửa miễn phí.
Người cha nói mình đã được xem hổ nhiều lần ở quê rồi nên bảo con cứ vào xem một mình. Cậu con trai đáp lại một cách hờ hững: “Con cũng không thích xem”.
Người cha đành bấm bụng.
“Nếu con không thích vào một mình thì cha cùng vào với con”.
Nhà sáng lập tập đoàn Hyundai Chung Ju-yung. Nguồn: businesspost. |
Thế là cả hai cha con lần đầu tiên trong đời được tham quan vườn bách thú ở Seoul. Rồi đêm hôm đó, họ lại đi bộ từ Changgyeongwon đến ga Cheongnyangni để bắt tàu lửa. Người cha độ ngũ tuần và cậu con trai 17 tuổi bắt chuyến tàu hồi hương.
Đấy là lần bỏ nhà ra đi thứ ba của Chung Ju-yung.
Người thanh niên ấy chẳng qua chỉ là một trong số sáu vạn người.
Năm 1915, bốn năm trước khi xảy ra phong trào ngày 1 tháng 3 (3), Chung Ju-yung sinh ra là con trai trưởng trong một gia đình làm nông ở thôn Asan, xã Songmyeon, huyện Tongcheon, tỉnh Gangwon.
Từ nhỏ, Chung Ju-yung đã nhiều lần bỏ nhà đi. Với cậu, việc này là sự khởi đầu của những thử thách mới mẻ, nhưng với cha cậu thì đó lại là một hành động ngu ngốc và đáng lo ngại. Cậu còn lấy cả số tiền liên quan đến sinh tử của cả gia đình khi bỏ nhà ra đi. Phát hiện ra số tiền xương máu của mình bị mất, người cha đã sốc nặng và suy sụp.
Việc bỏ nhà ra đi của Chung Ju-yung có mối tương quan nào với thời đại? Trong vòng ba năm kể từ năm 1931, năm nào Chung Ju-yung cũng bỏ nhà đi một lần. Theo cuốn Giải nghĩa lịch sử kinh tế Hàn Quốc do Viện nghiên cứu Kinh tế Giáo dục xuất bản, lúc bấy giờ, mỗi năm có sáu vạn người rời bỏ làng quê để lên thành thị.
Kế hoạch gia tăng sản xuất gạo đã giúp những đại điền chủ người Hàn và người Nhật tha hồ thu lợi, nhưng lại khiến những điền chủ vừa và nhỏ người Triều Tiên tán gia bại sản.
Điều này được thể hiện rõ qua sự thất thoát trầm trọng của lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 1930 đến năm 1935, trung bình mỗi năm ở nông thôn thất thoát khoảng sáu vạn lao động, từ sau năm 1935 thì hiện tượng này còn trở nên nghiêm trọng hơn. Những người con trai rời bỏ quê nhà phần lớn đều không thành công.
Họ đều phải sống một cuộc sống khắc khổ với nguồn thu nhập ít ỏi từ những công việc lao động tay chân như phu khuân vác hay thợ hồ, chỉ giúp họ kiếm đủ cái ăn qua ngày. Chung Ju-yung cũng là một trong số sáu vạn người rời bỏ quê hương ấy, vậy mà ông đã sáng lập nên một tập đoàn dẫn đầu Đại Hàn Dân Quốc.
Nhiều người cũng tìm đến với thế giới mới giống như Chung Ju-yung, chắc chắn họ cũng có những cơ hội để vươn đến thành công như ông. Tuy nhiên, kết quả thực tế lại không được như vậy.
-----------------
1. Changgyeongwon là vườn bách thú nằm trong cung điện Changgyeong, được xây dựng từ thời Nhật chiếm. (ND).
2. “Jeon”là đơn vị tiền tệ của Hàn Quốc trước đây, 1 jeon bằng 1/100 của “won”. (ND)
3. Phong trào ngày 1 tháng 3 (năm 1919) hay còn gọi là khởi nghĩa nhân dân ngày 1 tháng 3 là cuộc vận động phi bạo lực nhằm tuyên bố độc lập của nhân dân Hàn Quốc dưới thời Nhật chiếm.