Hai tuần trước khi trình làng như dự kiến, nhà sản xuất của 578: Phát đạn của kẻ điên thông báo dời lịch chiếu phim sang đầu tháng 5. Đây là quyết định ở phút chót nhưng phù hợp trong bối cảnh thị trường phim bấp bênh ở giai đoạn hiện tại.
Cùng số phận với tác phẩm của Lương Đình Dũng, bộ phim Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác của đạo diễn Hàm Trần cũng rút khỏi đường đua phim Việt tháng 3.
Trao đổi với Zing, các đạo diễn, nhà sản xuất cho rằng họ chưa an tâm khi đưa đứa con tinh thần của mình ra rạp khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để đảm bảo an toàn về mặt doanh thu, họ chấp nhận dời lịch chiếu dù phải chịu thiệt hại lớn về chi phí truyền thông, PR…
Tốn 6 tỷ đồng khi dời lịch chiếu
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay đây là lần dời lịch chiếu đầu tiên và chính thức của 578: Phát đạn của kẻ điên. Trải qua hai năm, kể từ ngày công bố dự án, khởi quay, kế hoạch trình làng của tác phẩm hành động vẫn phải thay đổi.
Nam đạo diễn phân tích nếu ra mắt vào ngày 25/3 như dự kiến, phim sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên cả nước với số ca nhiễm ngày càng tăng cao.
Lượng khán giả đến rạp giảm sâu so với tháng 2 cũng là nguyên nhân khiến doanh thu phim bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, nhà sản xuất quyết định chọn thời điểm an toàn hơn.
"Chúng tôi chọn mốc tháng 5 là đầu mùa hè sẽ phù hợp với phim hành động. Đặc biệt 578: Phát đạn của kẻ điên là thể loại phim có nhiều bối cảnh lớn. Thời điểm đó, tình hình dịch bệnh được dự đoán sẽ ổn định hơn. Khán giả lấy lại tâm lý mua vé ra rạp", anh cho biết.
Hai phim Việt: 578: Phát đạn của kẻ điên và Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác dời lịch chiếu. Ảnh: ĐPCC. |
Nhà sản xuất phim 578: Phát đạn của kẻ điên cho biết theo thống kê ban đầu, thiệt hại sau lần dời lịch chiếu lên đến hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, họ chấp nhận các chi phí phát sinh để đảm bảo an toàn về mặt doanh thu.
Việc các phim Việt thay nhau dời lịch chiếu, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt đánh giá 578: Phát đạn của kẻ điên và Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác là hai dự án có mức đầu tư lớn. Trong đó, phim của Lương Đình Dũng có kinh phí đầu tư trên 60 tỷ đồng.
Vì thế, nhà sản xuất không thể giới thiệu phim với khán giả trong tình hình thị trường chiếu rạp đang đi xuống, độ rủi ro lớn.
"Theo tôi, các đạo diễn, nhà sản xuất phim đã lường trước được tình huống này. Việc họ dời phim là quyết định buộc phải làm và khôn ngoan trong lúc này. Với mức đầu tư lớn, họ không thể đánh cược vào canh bạc đầy rủi ro, bấp bênh", anh Nguyễn Phong Việt cho biết.
Giải thích lý do các phim Việt chọn tháng 5 để công chiếu, nhà phê bình phim phân tích thời điểm đó, độ phủ vaccine ở lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được triển khai, tình hình dịch Covid-19 kiểm soát ổn định trở lại. Lúc ấy, khán giả sẽ bớt lo lắng, e dè khi quyết định mua vé xem phim.
Ngoài ra, vào mùa hè, nhiều phim bom tấn của Hollywood sẽ đổ bộ vào Việt Nam như Doctor Strange 2, Top Gun, John Wick: Chapter 4. Điều đó khiến cho thị trường phim sẽ dần hồi phục và khởi sắc trở lại.
Lợi thế của 'Bóng đè'
Trong khi hai phim Việt có mức đầu tư lớn, được kỳ vọng là 578: Phát đạn của kẻ điên và Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác dời lịch chiếu, hai dự án còn lại là Bóng đè của Lê Văn Kiệt và Mến gái miền Tây của Võ Đăng Khoa vẫn giữ nguyên lịch phát hành.
Đáng chú ý, Bóng đè có suất chiếu sớm vào ngày 17/3 và trình làng chính thức từ 18/3 có lợi thế lớn khi không phải đối đầu với bom tấn nước ngoài hay phim Việt nào khác.
Dàn diễn viên trong phim Bóng đè của Lê Văn Kiệt. Ảnh: Phương Lâm. |
Tất yếu, tác phẩm của Lê Văn Kiệt sẽ được ưu tiên về suất chiếu. Điều quan trọng cuối cùng có thể làm nên thành công của phim về mặt doanh thu đến từ chất lượng sản phẩm.
"Đến lúc này, Bóng đè vẫn là ẩn số. Đạo diễn Lê Văn Kiệt là bảo chứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh thành công trước đây nên khán giả kỳ vọng khá nhiều. Nếu phim tốt, chỉn chu, tôi nghĩ sẽ đạt mức doanh thu khoảng 30-40 tỷ đồng", nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt nhận định.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Phong Việt, bất lợi của phim đến từ việc đầu năm đến nay, nhiều dự án điện ảnh Việt thuộc thể loại kinh dị đã trình làng như Chuyện ma gần nhà, Người lắng nghe: Lời thì thầm... gặp tình trạng "đầu voi, đuôi chuột". Điều đó khiến khán giả hình thành tâm lý nghi ngại khi xem phim kinh dị Việt.
Về Mến gái miền Tây, nhà phê bình phim cho biết anh không đánh giá cao. Thông qua trailer của bộ phim, Nguyễn Phong Việt dự đoán phim rất khó ăn khách và tạo tiếng vang.
"Câu chuyện tập trung vào đề tài LGBT trên nền liên quan đến những gánh hát lô tô, ít nhiều sẽ làm khán giả gợi nhớ đến bộ phim Lô Tô cùng đề tài ra rạp vào năm 2017. Màu sắc của phim có cảm giác rất truyền hình, cũng như câu chuyện đã bị cũ và nhàm chán với thị hiếu khán giả hôm nay", anh chia sẻ.
Về phía nhà phát hành, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV cho rằng đến tháng 4, rạp phim mới có thể khởi sắc. Thời điểm đó có các phim Việt lớn ra mắt như Thanh sói, Em và Trịnh, Nghề siêu dễ.
"Hiện tại, các nhà phát hành phim Việt ra mắt phim với tâm thế xây dựng lại thị trường, tạo lại thói quen ra rạp xem phim của khán giả và không kỳ vọng thắng doanh thu. Chỉ khi khán giả có thói quen ra rạp xem phim, sau đó mới tính tiếp được", đại diện CGV chia sẻ.