Quý III năm 2018, Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) đã chuyển nhượng toàn bộ 7,5% vốn sở hữu còn lại tại Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam cho đối tác, kết thúc hơn 13 năm đầu tư vào cụm rạp chiếu phim này.
Trước đó, cũng vì nợ nần mà ông chủ chuỗi nhà sách cùng tên đã phải bán 12,5% vốn sở hữu tại CGV Việt Nam với giá 160 tỷ đồng.
Đến nay, tròn một năm sau khi thoái vốn khỏi cụm rạp phim lớn nhất thị trường, Phương Nam đã phải cơ cấu lại hệ thống bán lẻ để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh chính là bán sách và văn phòng phẩm.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý III/2019 mới công bố cho hay, Phương Nam đã đạt 195 tỷ đồng doanh thu, giảm 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh kỳ này của Phương Nam đã cải thiện khi biên lãi gộp đạt gần 39% (cùng kỳ đạt 37%) nên lợi nhuận gộp thu về vẫn đạt gần 76 tỷ, tương đương cùng kỳ.
Do không còn ghi nhận doanh thu tài chính từ việc thoái vốn khỏi công ty liên kết (cụm rạp phim CGV), lợi nhuận trước thuế kỳ này của Phương Nam chỉ đạt 11 tỷ đồng, giảm 93%.
Theo lãnh đạo công ty, kỳ vừa qua Phương Nam đã phải cơ cấu tinh gọn lại hệ thống bán lẻ gồm các cửa hàng sách khiến doanh thu sụt giảm, đi cùng với đó phát sinh các khoản chi phí cơ cấu lại.
Ngoài ra, do quý III năm trước công ty thu về gần 145 tỷ đồng từ việc bán vốn khỏi cụm rạp chiếu phim CGV, nên năm nay, khi không còn doanh thu từ hoạt động này đã khiến lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ.
Tuy vậy, nếu so với những quý trước đó, doanh thu và lợi nhuận quý III của Phương Nam đã cải thiện đáng kể.
Tính chung 9 tháng, chuỗi nhà sách lớn thứ 2 cả nước đạt 514 tỷ đồng doanh thu, giảm 6%. Tương tự quý III, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Phương Nam chỉ tương đương 1/12 so với cùng kỳ do không còn lợi nhuận từ bán vốn công ty liên kết, đạt 13 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của Phương Nam, phần lớn vẫn đến từ cửa hàng sách bao gồm hàng văn phòng phẩm, đồ chơi, lưu niệm… mang về 269 tỷ, và sách mang về 223 tỷ đồng. Tổng cộng 2 hoạt động này chiếm 96% tổng doanh thu hợp nhất. Ngoài ra là các hoạt động như bán băng đĩa, nhà hàng cà phê sách, sản xuất phim…
Bình quân từ đầu năm, chuỗi nhà sách Phương Nam mang về cho các ông chủ gần 2 tỷ đồng doanh thu và hơn 48 triệu đồng lợi nhuận mỗi ngày.
Bán vốn khỏi cụm rạp CGV giúp Phương Nam trả hết nợ và bù đắp hết lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Tại thị trường Việt Nam, Phương Nam là chuỗi nhà sách lớn thứ 2 sau chuỗi Fahasa. Tuy nhiên, trong khi Fahasa hoạt động kinh doanh ổn định với hàng nghìn tỷ doanh thu và hàng chục tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm thì Phương Nam lại liên tục rơi vào tình trạng khó khăn và thua lỗ.
Nguyên nhân khiến nhà sách này liên tục gặp khó do vướng vào khoản nợ vay hàng trăm tỷ đồng.
Trước năm 2018, Phương Nam có khoản nợ ngắn hạn xấp xỉ 160 tỷ đồng, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán hơn 100 tỷ. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến công ty phải bán toàn bộ vốn tại cụm rạp chiếu phim CGV để lấy tiền trả nợ và bù lỗ.
Tính đến cuối tháng 9 năm nay, tổng nguồn vốn của chuỗi nhà sách này đạt hơn 475 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả chiếm 65% nhưng hầu hết là phải trả người bán ngắn hạn và không còn bất kỳ khoản vay có phát sinh lãi suất nào.
Phần lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán cũng đã được bù đắp hết nhờ khoản doanh thu ghi nhận từ đợt bán vốn cụm rạp CGV cuối năm 2018.