Đây là kế hoạch kinh doanh được Hội đồng Quản trị Công ty CP Văn hóa Phương Nam (chủ sở hữu chuỗi nhà sách cùng tên) trình cổ đông và đã được thông qua cho cả năm 2020.
Cụ thể, ban lãnh đạo nhà sách Phương Nam dự kiến tổng doanh thu thuần cả năm nay đạt khoảng 540 tỷ đồng, giảm 20% so với số thu thực tế năm liền trước. Kéo theo mức giảm này, số lợi nhuận trước thuế Thu nhập doanh nghiệp cả năm sẽ là 0 đồng.
Nguyên nhân chính khiến nhà sách có quy mô lớn thứ 2 tại Việt Nam phải đặt kế hoạch kinh doanh không lợi nhuận cho cả năm nay do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Cùng với kế hoạch này, HĐQT Phương Nam cũng xin cổ đông cho phép tự quyết định điều chỉnh kế hoạch cả năm phù hợp với tình hình thực tế tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Lợi nhuận năm 2018 của Nhà sách Phương Nam cao đột biến nhờ thoái vốn khỏi cụm rạp chiếu phim CGV Việt Nam. |
Lãnh đạo nhà sách này chia sẻ, Phương Nam đã trải qua nhiều năm kinh doanh kém hiệu quả, trong những tháng đầu năm nay còn chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 càng khiến tình hình khó khăn hơn.
Hiện tại, công ty đang cố gắng đàm phán với các bên cho thuê mặt bằng để giảm giá thuê. Tuy nhiên, ngoài một số đối tác hiện đã đồng ý hỗ trợ giá nhưng số khác do cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch nên không hỗ trợ nhiều.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh quý I của chuỗi nhà sách này khi doanh thu thuần 3 tháng đầu năm giảm tới 20%, đạt 118 tỷ đồng. Dù vẫn ghi nhận gần 49 tỷ lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, sau khi trừ chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp và hoạt động khác, Phương Nam lỗ ròng gần 9 tỷ, cao gấp 4,5 lần số lỗ cùng kỳ.
Thậm chí, trong hầu hết tháng 4, nhiều nhà sách của chuỗi đã phải đóng cửa để thực hiện cách ly xã hội.
Dịch Covid-19 khiến cả Phương Nam, Fahasa và nhiều chuỗi nhà sách gặp khó khăn. Ảnh: Phương Lâm. |
Trước nhu cầu mua sắm thay đổi trong mùa dịch, từ tháng 2, nhà sách Phương Nam đã thử nghiệm kinh doanh thêm các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như khẩu trang vải, nước rửa tay khô, nước súc họng, nón/kính bảo hộ, găng tay…
Một số nhà sách tại TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Nghệ An… còn bày bán nhu yếu phẩm như gạo, mì gói, dầu ăn, tương ớt, thịt hộp, nước đóng chai để tăng doanh thu.
Với kỳ vọng một năm kinh doanh không lỗ, nhà sách này sẽ phải ghi nhận ít nhất 1 quý có lợi nhuận dương từ nay đến hết năm, để bù đắp số lỗ gặp phải trong quý I.
Thực tế, Phương Nam không phải chuỗi nhà sách duy nhất gặp khó khăn vì dịch bệnh.
Kế hoạch kinh doanh năm nay của Công ty CP Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) cũng ghi nhận đà tăng trưởng âm vì ảnh hưởng bởi dịch. Cụ thể, Fahasa đặt kế hoạch doanh thu cả năm đạt 2.600 tỷ đồng, giảm 30%. Đây cũng là doanh số thấp nhất của chuỗi nhà sách này từ năm 2016 đến nay.
Đặc biệt, chủ chuỗi nhà sách lớn nhất Việt Nam chỉ kỳ vọng thu về 3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vỏn vẹn 1/10 so với năm 2019 và là mức thấp nhất trong nhiều năm.
Fahasa cũng cho biết, dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp trong ngành đều gặp khó khăn, hoạt động suy giảm nặng nề và khó dự đoán thời gian hồi phục. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, HĐQT công ty sẽ điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế.
Tại Việt Nam, Phương Nam và Fahasa là 2 chuỗi nhà sách lớn nhất thị trường xét về quy mô và phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, trong khi Fahasa hoạt động kinh doanh ổn định với hàng nghìn tỷ đồng doanh thu và hàng chục tỷ lợi nhuận mỗi năm (trước dịch) thì Phương Nam lại liên tục rơi vào tình trạng khó khăn vì các khoản nợ.