Trong một báo cáo mới đây, Knight Frank cho biết người giàu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang dành hơn 1/4 tổng tài sản để đầu tư bất động sản ở nước ngoài.
Riêng năm nay, khi lựa chọn địa điểm mua nhà tiếp theo, họ chỉ ra 5 quốc gia hàng đầu là Mỹ, Australia, New Zealand, Anh và Singapore. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng này.
Những người mua nhà tiềm năng nhất
Chia sẻ với Zing, bà Christine Li - Giám đốc Dịch vụ Nghiên cứu khu vực APAC của Knight Frank - cho rằng khách hàng tiềm năng với thị trường nhà ở Việt Nam trong thời gian tới chủ yếu sẽ là người Singapore và Malaysia. Bởi lẽ những quốc gia này đóng góp lượng lớn chuyên gia và lao động quốc tế cho Việt Nam trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, trong 12 tháng tới, người mua từ Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục tìm đến để gia tăng danh mục tài sản cho thuê nếu nước này còn kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt.
Với tốc độ tăng trưởng dân số siêu giàu ở APAC được dự báo ở mức cao nhất toàn cầu giai đoạn 2021-2026, lên đến 33%, cơ hội tăng trưởng cho thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá cao.
Bà Christine Li, Giám đốc Dịch vụ Nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Knight Frank. Ảnh: K.F. |
Trước đó, từ tháng 7/2015 khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thống kê phần lớn người mua nước ngoài đến từ châu Á, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore. Còn người châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản chủ yếu thuê chứ không mua.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng không có làn sóng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam thời gian qua, bởi khảo sát với 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn cho thấy mới có 12.335 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam tính đến hết tháng 8/2020.
Giả định số lượng này chiếm 70% con số thực tế, ông ước tính có khoảng 16.000 căn nhà ở Việt Nam do người nước ngoài sở hữu, chiếm chỉ 0,85% tổng số nhà ở trong cả nước giai đoạn này.
Giá nhà ở Việt Nam vẫn rất phải chăng với đối tượng dân số giàu và siêu giàu
Bà Christine Li - Giám đốc Dịch vụ Nghiên cứu APAC tại Knight Frank
Dù vậy, hậu Covid-19, bà Christine Li cho rằng bất động sản Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế hơn. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là giá cả.
Bà Christine Li ước tính giá nhà hạng sang ở Việt Nam trong năm nay sẽ tăng 2-3%, tuy nhiên nếu xem xét bức tranh tổng thể trên toàn cầu cũng như ở APAC, giá nhà tại đây vẫn rất phải chăng với đối tượng dân số giàu và siêu giàu.
Trong khi chi phí đầu tư ở mức thấp, tăng trưởng giá trị lại được dự báo mạnh mẽ, bởi Việt Nam hiện nay chỉ có ít nguồn cung nhà ở hạng sang và siêu sang. Nhìn lại các thị trường khác trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) hay Manila (Philippines), bà Christine cho biết nguồn cung đang dư thừa, cộng với việc tăng trưởng kinh tế chưa phục hồi khiến những quốc gia này đánh mất sức hút.
Trong lúc này, Việt Nam lại là một trong những nền chính trị và kinh tế ổn định nhất, trở thành điểm đến an toàn để đầu tư tài sản cho giới thượng lưu quốc tế. Với các chỉ số vĩ mô tích cực, Việt Nam cũng đang thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất, từ đó hấp dẫn nhân lực nước ngoài đến sinh sống và làm việc, mở ra phân khúc khách hàng mới cho bất động sản trong nước.
Chưa kể, sau giai đoạn đại dịch với nhiều vấn đề tâm lý, một số cộng đồng Việt kiều sẽ quay về và mua nhà tại Việt Nam, theo ông Alex Crane - Giám đốc điều hành Knight Frank Việt Nam.
Cần bổ sung quy định cụ thể trong Luật Đất đai
Trong bối cảnh nhu cầu tìm mua bất động sản Việt Nam của người nước ngoài ngày càng tăng cao, ông Lê Hoàng Châu đánh giá chính sách "mở cửa" của Việt Nam vẫn chưa trọn vẹn do sự "xung đột" trong pháp luật về nhà ở và pháp luật về đất đai.
Cụ thể, mặc dù Luật Nhà ở 2014 thừa nhận quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài, Luật Đất đai 2013 được ban hành trước đó lại chưa liệt kê cá nhân nước ngoài vào đối tượng sử dụng đất. Vướng mắc này gây khó khăn cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở cho người nước ngoài, khiến nhiều khách hàng bức xúc và không được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Luật Đất đai sửa đổi cần thiết phải ghi nhận quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA
"Chính sách khuyến khích cá nhân nước ngoài mua nhà ở sẽ không thể thực hiện trọn vẹn nếu không giải quyết được tận gốc vấn đề chứng nhận quyền sở hữu.
Để giải quyết tận gốc, Luật Đất đai sửa đổi cần thiết phải ghi nhận quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài", Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Châu cũng đề xuất cho phép thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất tại ngân hàng ở nước ngoài, đồng thời có khung pháp lý rõ ràng về việc những chủ sở hữu là người nước ngoài bán lại tài sản.
Những quy định bổ sung này, theo ông, vừa tạo điều kiện thông thoáng cho cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở, vừa đảm bảo yêu cầu về bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Hiện tại, Quốc hội đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong Phiên họp Chính phủ ngày 24/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cần cân nhắc bổ sung quy định người nước ngoài thuộc đối tượng được phép sở hữu nhà ở theo pháp luật về nhà ở thì được quyền sử dụng đất ở để có căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhằm thống nhất với Luật Nhà ở.