Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có thống kê sơ bộ về tình hình bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong 5 năm qua (2015 - 2020) từ 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn.
Ước lượng, người nước ngoài đã mua khoảng 14.800 - 16.000 căn nhà trên cả nước trong khoảng thời gian trên. So sánh với số liệu từ Bộ Xây dựng, 16.000 căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua chiếm tỷ lệ 2% tổng số nhà ở.
Riêng TP.HCM chiếm đến 81,2% lượng người nước ngoài mua nhà.
Từ đó, hiệp hội đánh giá không có "làn sóng" người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam trong 5 năm qua. Chủ yếu những dự án khu đô thị, khu dân cư, khu chung cư cao cấp, có đầy đủ dịch vụ, tiện ích, an ninh đảm bảo, giao thông thuận lợi thì mới hấp dẫn người nước ngoài lựa chọn cư trú hoặc mua nhà.
Các chủ đầu tư dự án nhà ở đã chấp hành nghiêm túc quy định giới hạn “trần” 30% số lượng căn hộ được bán cho người nước ngoài. Một số dự án đã đạt “trần” 30% như Gateway Thảo Điền, Nassim, Thảo Điền Pearl (quận 2)... thì người nước ngoài chuyển sang ký “Hợp đồng thuê mua nhà” dài hạn 50 năm.
Quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ của một tòa nhà chung cư hoặc không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả tòa nhà chung cư trên địa bàn cấp phường là hợp lý và phù hợp với thực tiễn.
Một khu chung cư trên Xa lộ Hà Nội thu hút số lượng lớn người nước ngoài sinh sống. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hiệp hội đánh giá việc thực hiện chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở, bước đầu đã có tác động tích cực đối với thị trường bất động sản, nhưng chưa tác động tiêu cực quá lớn đối với người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp trong việc tạo lập nhà ở.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong công tác thực thi pháp luật và những chính sách cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà.
Cụ thể, quy định trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp phường, đối với trường hợp chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ dưới 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số lượng nhà ở trong dự án đó.
Trường hợp chỉ có một dự án có số lượng nhà ở riêng lẻ tương đương 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 250 căn.
Trường hợp có từ hai dự án trở lên mà tổng số nhà ở riêng lẻ trong các dự án này ít hơn hoặc bằng 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% số lượng nhà ở của mỗi dự án.
HoREA cho rằng quy định giới hạn “trần” này là thấp và không phù hợp đối với một số phường tập trung đông người nước ngoài sinh sống.
Đơn cử, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng có quy mô hơn 400 ha (Khu A) chủ yếu thuộc địa bàn phường Tân Phong và phường Tân Phú, quận 7, đã và đang triển khai 114 dự án thành phần với 21.845 căn nhà (chủ yếu là căn hộ). Ở 2 phường này, nhiều doanh nghiệp khác còn đang triển khai nhiều dự án nhà ở thương mại, nên quy định giới hạn “trần” (nêu trên) không phù hợp với thực tế là hiện nay, quận 7 có khoảng 20.000 người nước ngoài thường trú, chủ yếu tại Phú Mỹ Hưng.
Hiệp hội nhận thấy đang có xu thế chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dẫn đến khả năng kéo theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài tập trung sinh sống ở một số địa phương.
Do vậy, Nhà nước nên giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ người nước ngoài được sở hữu nhà tại đơn vị hành chính cấp phường, để phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, trừ trường hợp số lượng người nước ngoài sở hữu nhà tại một đơn vị hành chính cấp phường chiếm tỷ lệ cao (có thể từ 20% trở lên) thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo để Thủ tướng xem xét, quyết định.