Trong buổi tọa đàm về Xu hướng thị trường bất động sản sau dịch Covid-19 sáng 16/7, sự chuyển dịch của các chủ đầu tư ra khỏi khu vực trung tâm để phát triển dự án tại các tỉnh và khu vực vùng ven đã thu hút được sự tranh luận của nhiều diễn giả.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam, cho biết trong hai năm trở lại đây xuất hiện xu hướng các chủ đầu tư phát triển dự án tại các khu đô thị vệ tinh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Điều này đóng góp cho thị trường nhiều dự án khu đô thị quy mô lớn song cũng tạo ra nhiều hệ lụy.
Cụ thể, theo thống kê của CBRE, phần lớn các chủ đầu tư phát triển dự án tại đây hướng đến người mua là khách hàng tại TP.HCM, Hà Nội với tỷ lệ mua lên đến 90%. Đây là nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính lớn nhưng lại không có nhu cầu ở trong tương lai gần mà chỉ có ý định mua đón đầu với mục đích đầu tư.
Tình trạng này dẫn đến việc nhiều người có nhu cầu mua ở thực tại địa phương lại không thể mua được nhà vì giá bị đẩy lên quá cao, trong khi chủ của bất động sản lại không sử dụng khiến các dự án này bị bỏ không và rất ít người sinh sống.
"Việc phát triển các khu đô thị lớn rất hữu ích cho thị trường đang khan hiếm nguồn cung nhưng làm sao để đưa nó đến với những người sử dụng cuối cùng mới là điều quan trọng của bài toán, đây là giá trị cốt lõi của một dự án nhà ở", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt khẳng định.
Dự án Thành phố mới Bình Dương sau hơn 10 năm phát triển vẫn không thu hút được lượng cư dân về sinh sống như kỳ vọng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tán thành với ý kiến đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng mặc dù thấy rõ xu hướng ly tâm của các chủ đầu tư về thị trường vùng ven, vấn đề đặt ra cho các khu đô thị lớn này là làm sao thu hút được người dân về sinh sống thật sự.
"Nhiều dự án xây xong 15 năm nhưng vẫn không có người ở. Đối với thị trường bất dộng sản, đó là một tai họa", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
"Nhiều dự án lớn ở các khu đô thị vệ tinh, tỷ lệ người mua để đầu tư lên đến hơn 90%. Khi đầu tư không đạt được mục tiêu lợi nhuận sẽ dẫn đến vỡ trận cho cả người đầu tư và thị trường phân khách đó, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường", ông Châu nói thêm.
Theo ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, khu vực ven TP.HCM được các chủ đầu tư phát triển dự án dựa trên thực tế rằng có nhu cầu về nhà ở của người dân. Tuy nhiên, ông lưu ý đô thị vệ tinh là nơi người dân về nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, vì vậy những khu đô thị này phải gần ở gần nơi làm việc của người dân, có khoảng cách di chuyển phù hợp và hợp lý với nhu cầu trong sinh hoạt.
Bên cạnh đó, đại diện Sở Xây dựng cho biết TP.HCM vẫn có định hướng phát triển cho từng khu vực với 4 vùng chính.
Thứ nhất là khu trung tâm 930 ha được khuyến khích phát triển đô thị nén. Thứ hai là khu nội thành hiện hữu vẫn còn đất ở và nhu cầu lớn về nhà ở do đảm bảo yếu tố đi lại cho người dân. Khu vực thứ 3 là vùng nội thành đang phát triển, đến khi hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển hoàn thiện sẽ đẩy mạnh việc đầu tư các dự án bất động sản. Còn lại là khu vùng ven của thành phố với 5 huyện, nơi có đặc trưng là vùng giao thoa tiếp giáp của TP.HCM với các tỉnh thành lân cận.
Ngoài ra, ông Phạm Đăng Hồ nhận định thị trường bất động sản TP.HCM hiện trong quá trình phát triển vẫn còn lệch pha về cung cầu. Nhu cầu nhà ở giá rẻ từ 25 -30 triệu đồng/m2 vẫn còn rất lớn, trong khi nguồn cung hiện tại tập trung ở hai phân khúc chính là trung và cao cấp, hướng đến đối tượng các nhà đầu tư cá nhân thay vì người có nhu cầu ở thực.