Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã quyết định ngày 15/8 sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền mặt tỷ lệ 20%. Với tỷ lệ chia cổ tức này, các cổ đông hiện hữu của Vinamilk sẽ nhận được 2.000 đồng với mỗi 1 cổ phiếu VNM nắm giữ.
Thời gian thanh toán dự kiến ngày 31/8.
Số lượng cổ phiếu VNM đang lưu hành trên thị trường là hơn 1,45 tỷ cổ phiếu, tương đương, doanh nghiệp này phải chi ra 2.900 tỷ đồng tiền tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 570,88 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 39,34% vốn điều lệ. Như vậy, SCIC sẽ thu về số tiền lên tới 1.141 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức lần này.
Năm 2016, doanh nghiệp này cũng đã chia cổ tức tỷ lệ 60% bằng tiền cho cổ đông.
SCIC dự kiến sẽ thu về hơn 1.100 tỷ đồng tiền mặt cổ tức từ việc sở hữu 39,34% cổ phần tại Vinamilk. Đồ họa: Quang Thắng. |
Vinamilk đang là doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường, với giá trị đạt trên 220.312 tỷ đồng, tương đương 9,7 tỷ USD.
Trong năm 2017, ông lớn ngành sữa đặt kế hoạch 51.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế ước 9.735 tỷ đồng và tiếp tục chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ tối thiểu 50%.
Chỉ trong quý I, doanh nghiệp đã thu về 2.935 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó lợi nhuận ghi nhận cho cổ đông công ty mẹ là 2.935 tỷ đồng, hoàn thành 30% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
SCIC cũng đã công bố danh sách 137 doanh nghiệp dự định bán vốn. Đáng chú ý có những cái tên như CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (bán 39%), CTCP Traphaco (bán 36% vốn), Dược Hậu Giang (bán 43% vốn), CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (bán 50% vốn), Nhựa Thiếu niên – Tiền phong, Nhựa Bình Minh (lần lượt bán 37% và 30% vốn), tập đoàn Bảo Việt bán 3%, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) bán 10%...
Từ đầu năm 2017 đến nay, thị giá cổ phiếu VNM của Vinamilk đã tăng 20%. Đồ họa: VNdirect. |