Sáng 31/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung của dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi.
Góp ý cho nội dung phục hồi danh dự cho người bị oan, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng quy định của dự thảo vẫn chỉ tiếp cận vấn đề theo hướng chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, Nhà nước mới xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ.
Đại biểu Thủy cho rằng cần phải cân nhắc thêm quy định "nếu như người bị oan không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự sẽ không diễn ra".
Theo bà Thủy, báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trích dẫn điều 34 của Bộ luật Dân sự cho rằng xin lỗi và cải chính công khai là quan hệ dân sự, thuộc về quyền nhân thân là chưa phù hợp.
“Cá nhân đã bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, phục hồi danh dự cho người bị oan phải là trách nhiệm công vụ chứ không phải quan hệ dân sự”, bà Thủy khẳng định.
Với tư cách là người hoạt động trong ngành tư pháp, đại biểu Thủy nhận định các biện pháp tố tụng hình sự rất nghiêm khắc. Do đó, nếu như các biện pháp này bị áp dụng sai thì hậu quả để lại cho người bị oan là rất nghiêm trọng.
“Lấy ví dụ biện pháp bắt người được quy định tại điều 113 của Luật tố tụng hình sự. Sau khi bắt xong, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn phải tiến hành các thao tác sau đây: khám người, còng tay, áp giải đi...trước sự chứng kiến của đông đảo xóm giềng, gia đình, vợ con, đồng nghiệp. Nhưng khi được xác định là oan thì phải có đơn yêu cầu nhà nước công khai xin lỗi, phục hồi danh dự”, bà Thủy phân tích.
Nữ đại biểu nhấn mạnh: “Trước khi được Nhà nước bồi thường về vật chất thì người bị oan mong Nhà nước tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự để cho họ trở thành người bình thường và đã không phải chịu ánh mắt canh chừng của xã hội”.
Từ đó, đại biểu Thủy cũng đề nghị quy định này phải được chỉnh lý điều này theo hướng trong mọi trường hợp khi một người bị xác định là oan thì cơ quan tố tụng chủ động xin lỗi công khai và phục hồi danh dự, trừ trường hợp người bị oan không yêu cầu tổ chức xin lỗi.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng chúng ta đang xây dựng một Nhà nước văn minh thì phải cư xử lịch sự. “Bất kỳ ai phạm lỗi với người khác cũng đều phải xin lỗi trước khi bị yêu cầu”, đại biểu Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng cho rằng không phải tất cả người dân đều hiểu được quyền của mình, đặc biệt là người có trình độ văn hoá thấp, sống ở vùng sâu, vùng xa. “Nhà nước cũng nhận lỗi là trách nhiệm phổ biến giáo dục pháp luật chưa đến nơi đến chốn. Việc này phải công bằng với người dân, tại sao bắt họ phải hiểu hết quyền của mình”, ông Nhưỡng chia sẻ.
Từ đó, đại biểu khẳng định Nhà nước phục vụ là Nhà nước phải chủ động thực hiện quyền của người dân chứ không phải đợi đến lúc người dân đòi hỏi.
TAND tỉnh Bình Thuận đã chuyển hơn 10 tỷ bồi thường cho ông Nén
Đại diện TAND tỉnh Bình Thuận cho biết đã làm thủ tục chuyển số tiền hơn 10 tỷ đồng bồi thường oan sai cho Huỳnh Văn Nén.
Chủ tịch Hà Tĩnh: Điều tra kỹ nguyên nhân vụ nổ tại lò vôi ở Formosa
Chủ tịch UBND Hà Tĩnh cho biết lãnh đạo tỉnh cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đang giám sát chặt chẽ và điều tra rõ nguyên nhân vụ nổ thiết bị lọc bụi lò vôi ở Formosa tối 30/5.
Không bảo vệ người tố cáo, làm sao tìm được sự thật?
Góp ý cho Luật tố cáo (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Chánh án TAND Hà Nội) khẳng định điều quan trọng nhất là phải bảo vệ được người tố cáo.