Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà nước giảm sở hữu Vietcombank xuống dưới 75%

Sau khi Vietcombank phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho 2 cổ đông ngoại là GIC và Mizuho, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại đây đã giảm từ 77,1% xuống còn 74,8% hiện tại.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank vừa có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc kết quả phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Theo đó, trong đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông ngoại mới đây, nhà băng này đã chào bán hơn 359,77 triệu cổ phiếu với dự tính ban đầu thu về 20.220 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau quá trình phân phối, ngân hàng mới chỉ bán thành công hơn 111,1 triệu cổ phiếu, tương đương 30% lượng đăng ký chào bán.

Trong đó, 2 đối tác mua cổ phần của Vietcombank lần này là Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore - GIC và Ngân hàng Mizuho của Nhật. Đây cũng chính là cổ đông lớn nắm giữ 15% vốn điều lệ trước đó của Vietcombank. Các cổ phiếu do 2 nhà đầu tư ngoại này mua sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Số cổ phiếu Mizuho mua thêm là 16,6 triệu với mục đích giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 15% vốn cổ phần khi Vietcombank tăng vốn. Trong khi đó, GIC đã mua tổng cộng 94,4 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên 2,55% vốn ngân hàng.

Với giá bán là 55.510 đồng/cổ phiếu, thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ này mang về cho Vietcombank khoảng 6.200 tỷ đồng. Trong đó, hơn 900 tỷ đồng đến từ cổ đông lớn Mizuho và còn lại gần 5.300 tỷ đồng là khoản đầu tư mới của GIC tới từ Singapore.

Khoản đầu tư mới của GIC và Mizuho đã làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank lên 37.100 tỷ đồng từ mức gần 36.000 tỷ trước đó.

ty le so huu nha nuoc tai vietcombank anh 1

Đi cùng với đó, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại Vietcombank cũng đã chính thức giảm từ 77,1% xuống 74,8% vốn và lợi ích tại ngân hàng. Đây cũng là lần đầu tiên vốn sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank xuống dưới mức 75%. Trong khi cổ đông Nhật - Mizuho Bank tiếp tục là cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ sở hữu 15%.

Cũng theo báo cáo của Vietcombank, tổng chi phí cho thương vụ bán vốn này là hơn 61 tỷ đồng (chi phí tạm tính do có một số khoản chi phí bằng ngoại tệ chưa thanh toán hết).

Hôm qua (10/1), ban lãnh đạo Vietcombank cũng đã công bố kết quả kinh doanh của nhà băng này trong năm 2018 vừa qua với khoản lợi nhuận trước thuế đạt kỷ lục hơn 18.000 tỷ đồng. Đây là số lợi nhuận cao nhất nhà băng này thu về được trong hàng chục năm kinh doanh, vượt xa nhiều dự đoán của các chuyên gia, quỹ đầu tư và công ty chứng khoán.

Mức lợi nhuận này tăng tới gần 64% so với năm 2017, và vượt 38% kế hoạch ban đầu.


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm