Trung Quốc và Canada liên tục bất đồng trong các tháng gần đây. Mới tuần trước, hai nước đưa ra lệnh trừng phạt đối với nhau, sau khi Canada cáo buộc Bắc Kinh có chính sách phân biệt đối xử với người Duy Ngô Nhĩ thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương.
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil, Li Yang, ngày 28/3 đả kích và đổ lỗi cho Thủ tướng Trudeau gây ra khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước, theo Guardian.
“Cậu bé, thành tích lớn nhất của cậu là đã phá hỏng quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Canada", ông Li Yang viết trên Twitter. Ông cũng dùng cách so sánh xúc phạm để nói về quan hệ của Canada với Mỹ, với hàm ý Canada là kẻ chạy theo các chính sách của Mỹ.
Các tweet của ông Li thường mang tính công kích, nhắm đến một số vấn đề ở Mỹ như bạo lực súng đạn, di sản của chế độ nô lệ ở Mỹ, và cách đối xử đối với người xin tị nạn. Nhưng ông Trudeau là lãnh đạo đầu tiên mà ông Li nêu đích danh và có những lời lẽ xúc phạm.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Reuters. |
Gần đây, Canada cùng Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) tăng cường chỉ trích chính sách đối xử của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ. Tuần trước, nhiều quốc gia áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan tới vấn đề này.
Đáp trả lại, Trung Quốc áp lệnh trừng phạt trả đũa lên Michael Chong, một nghị sĩ đối lập ở Canada, cũng là người phê phán Bắc Kinh một cách gay gắt về vấn đề Tân Cương.
Vấn đề gai góc bên dưới mối quan hệ ngày càng căng thẳng này còn là nỗ lực từ Canada nhằm yêu cầu Trung Quốc trả tự do hai công dân Canada - Michael Kovrig và Michael Spavor. Canada nói họ là nạn nhân của toan tính chính trị của Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đòi thả giám đốc Huawei Mạnh Vãn Châu, người bị bắt giữ tại Vancouver năm 2018 theo lệnh bắt của Mỹ.
Ông Kovrig và ông Spavor gần đây bị tòa án xét xử tội do thám. Nhưng phiên tòa này đã bị giới ngoại giao chỉ trích rộng rãi vì đóng cửa và bí mật. Phiên tòa cũng chưa đi đến bản án.
Trong khi đó, vụ kiện của bà Mạnh Vãn Châu được truyền thông cập nhật thông tin liên tục. Bà Mạnh đang đấu tranh pháp lý để chống lệnh dẫn độ sang Mỹ. Vụ việc nhiều khả năng sẽ kéo dài sang mùa hè năm nay.