Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh vừa gửi văn bản cho chính quyền tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt về việc tạm ngừng hoạt động Nhà máy xử lý chất thải rắn (XLCTR) Xuân Trường. Thời gian tạm ngừng hoạt động bắt đầu từ 18h ngày 15/6.
Nguyên nhân là công ty đã xử lý hoàn toàn khối lượng rác thải sinh hoạt tháng 4 và tháng 5/2024, nhưng vẫn chưa được UBND TP Đà Lạt thanh toán chi phí xử lý rác của 2 tháng này. Vì vậy, công ty không còn nguồn tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động nhà máy.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường tạm ngưng hoạt động. |
Theo giám đốc công ty, các nhà cung cấp nhiên liệu, thực phẩm cho Nhà máy XLCTR Xuân Trường đang rất khó khăn vì bị nợ số tiền quá lớn. Đa số lao động của nhà máy đã xin tạm nghỉ về quê vì chưa nhận được lương từ tháng 4.
Nhà máy XLCTR Xuân Trường thiếu nhiên liệu và nhân công trầm trọng, không thể vận hành các dây chuyền tách lọc xử lý rác...
Trước đó, từ ngày 6/6, Nhà máy XLCTR Xuân Trường đã tạm ngưng tiếp nhận rác thải của TP Đà Lạt. Các dây chuyền phân loại rác, lò đốt rác của nhà máy đều tạm ngưng hoạt động.
Tuy nhiên đến chiều tối, hàng chục ôtô vẫn chở rác từ nội đô TP Đà Lạt đến Nhà máy XLCTR Xuân Trường và bị dồn ứ trước cổng. Phía Nhà máy phải cho xe đưa rác vào bãi tập kết. Đến sáng 7/6, nhà máy này ngừng hoàn toàn việc tiếp nhận xe chở rác từ TP Đà Lạt.
Về nguyên nhân của tình trạng trên, doanh nghiệp cho rằng những năm gần đây, Nhà máy XLCTR Xuân Trường được áp đơn giá 461.000 đồng/tấn rác.
Đoàn xe chở rác dồn ứ trước cổng nhà máy. |
Tuy nhiên, cuối tháng 5 vừa qua, TP Đà Lạt thông báo sẽ tạm ngưng việc thanh toán chi phí xử lý rác tháng 4/2024 cho công ty (mặc dù đã có biên bản nghiệm thu); trong trường hợp cần thiết, công ty có thể xin tạm ứng khoản chi phí xử lý rác tháng 4/2024 và thời gian sắp tới với đơn giá 129.500 đồng/tấn rác.
Trong khi Phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt cho rằng công ty chưa xử lý phần khối lượng tách lọc làm nguyên liệu phân vi sinh và đang chứa bên hông nhà máy khối lượng gần 300 tấn rác (gồm khối lượng còn lại của mùn nhỏ, tạp chất chuyển sang xử lý đốt). Do đó, phòng đề nghị công ty khẩn trương hoàn thành việc xử lý phần khối lượng nêu trên để có cơ sở xác nhận khối lượng rác tháng 4/2024.
Phía công ty lý giải việc tồn đọng khối lượng tách lọc nguyên liệu làm phân vi sinh là do trên thực tế sản phẩm phân vi sinh không tiêu thụ được. Nhà máy đã sản xuất, nhưng không có cơ quan nào cấp phép việc kinh doanh phân vi sinh từ nguồn rác thải sinh hoạt.
Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND TP Đà Lạt xem xét đề nghị của công ty về việc thanh toán chi phí xử lý rác, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 7/6. Thế nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa giải quyết xong.