Hãng tin Bloomberg đưa tin hôm 26/11, sau khi De La Rue tạm ngừng chia cổ tức cũng như đưa ra cảnh báo về khả năng hoạt động trong tương lai, cổ phiếu của công ty này đã mất đi 1/5 giá trị.
Không lâu sau khi từ CEO đến các nhà quản lý hàng đầu nói lời chia tay, việc De La Rue thông báo thiếu tiền đã gây ra sự lo lắng nghiêm trọng đối với những khách hàng trong chính phủ và thương mại.
Ngoài việc in tiền giấy, công ty này cũng liên quan đến các hoạt động khác như sản xuất hộ chiếu và nhãn mác chống hàng giả.
De La Rue đang thông báo tình trạng thiếu tiền. Ảnh: The Economist. |
Giám đốc điều hành mới của công ty là ông Clive Vacher từng là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, có kỹ năng trong việc xoay chuyển tình hình kinh doanh. Tuy nhiên, thử thách lần này lại là một bài toán khó đối với ông.
Mặt khác, đối với những người thường xuyên thực hiện giao dịch thanh toán thông qua thẻ và Apple Pay, cú sốc bởi De La Rue là điều không thể tránh khỏi do hoạt động in tiền góp phần lớn vào doanh thu của nhà máy này. Ngoài ra, trong thời đại 4.0 hiện nay, xu hướng chuyển sang xã hội không tiền mặt cũng là một thách thức lớn với De La Rue về dài hạn.
Năm 2018 là khoảng thời gian tồi tệ đối với De La Rue, khiến công ty này chật vật sang đến năm 2019.
Khoản nợ ròng 220 triệu USD đã vượt quá mức vốn hóa thị trường của công ty, vốn đã giảm gần 80% kể từ năm 2017.
Năm ngoái, De La Rue cũng đã thua cuộc trên thị trường khi để mất bản hợp đồng sản xuất hộ chiếu màu xanh thời hậu Brexit béo bở vào tay một đối thủ của Pháp.
Bên cạnh đó, lệnh cấm giao thương với Venezuela cũng khiến nhà máy in tiền có trụ sở tại Anh này không thể sản xuất tiền cho Ngân hàng Trung ương Venezuela. Chưa kể đến sự tác động từ cuộc điều tra tham nhũng tại Nam Sudan.
Sự dứt áo ra đi của ban lãnh đạo đã làm suy yếu đáng kể tinh thần và hiệu suất làm việc của nhân viên tại đây.
Hiện tại, giới quan sát đang khá mong chờ động thái mới từ nhà lãnh đạo công ty, liệu rằng ông Clive Vacher sẽ làm gì để cứu lò in tiền lớn nhất thế giới khỏi bờ vực khủng hoảng.