Dưới đây là danh sách 10 vật dụng thay đổi nhiều nhất do The Richest đưa ra.
1. Điện thoại, máy tính, tivi, đồng hồ báo thức, đồng hồ đeo tay, máy ảnh
Điện thoại, máy tính, tivi, hay đồng hồ báo thức… đều trải qua nhiều cuộc cách mạng, trở thành sản phẩm độc lập có được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, tất cả những thiết bị này đã và đang được lồng ghép vào nhau, để tạo ra một sản phẩm vô cùng ăn khách là smartphone.
Chiếc smartphone đầu tiên được giới thiệu ở Nhật Bản cuối những năm 1990. Giờ đây nó trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại.
2. Bóng đèn
Những bóng đèn nóng sáng đầu tiên (dùng dòng điện để làm dây tóc nóng đến mức phát sáng) được phát minh bởi Joseph Swan và Warren de la Rue (người Anh) vào giữa thế kỷ 19. Tuy nhiên, những thiết kế này không phù hợp với mục đích thương mại, bởi chúng được làm từ những nguyên liệu quá đắt tiền. Hơn nữa, chân không trong bóng thủy tinh chưa đủ tốt.
Chiếc bóng điện đầu tiên có ý nghĩa thực tiễn cao được Thomas Edison phát minh vào cuối thế kỷ 19 tại Mỹ. Cải tiến tiếp theo phải kể đến việc giới thiệu dây tóc vonfram, giúp tăng tuổi thọ của bóng đèn. Thiết kế này vẫn được giữ nguyên xi đến tận những năm 1990, khi bóng đèn huỳnh quang ra đời.
Cải tiến mới nhất là công nghệ đèn LED, hay còn gọi là điốt phát quang, có khả năng phát ra ánh sáng.
3. Bồn cầu
Những chiếc bồn cầu đầu tiên có hình thù như cái lỗ hoặc chiếc chậu lớn, đi kèm với một đường ống nước để xả trôi chất thải – chức năng mọi bồn cầu hiện đại đều có. Chiếc bồn cầu hiện đại đầu tiên được giới thiệu ở Anh vào cuối thế kỷ 16, dành cho Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất, đi kèm bồn nước.
Cải tiến tiếp theo diễn ra vào thế kỷ 18, khi một khúc cong hình chữ S được thêm vào để ngăn những mùi khó chịu bốc ra ngoài. Đến thế kỷ 20, trên nóc được thiết kế thêm bồn nước. Tiếp theo phải kể đến cải tiến của Nhật Bản, chiếc bồn cầu có sử dụng nước được kiểm soát nhiệt độ, có khả năng tự động làm ấm chỗ ngồi và khử mùi không khí.
4. Ôtô
Chiếc xe hơi với động cơ đốt trong chạy bằng khí Hydro được phát triển bởi người Pháp vào đầu thế kỷ 19. Đến những năm 1880, người Đức lại thiết kế ra xe hơi chạy bằng xăng. Hai dòng xe này đều nhằm mục đích thay thế xe ngựa kéo, nên về cơ bản nó có thiết kế giống xe kéo với 3 hoặc 4 bánh.
Thiết kế cơ bản, với động cơ nằm ở phía trước hoặc sau, vẫn được áp dụng ở hầu hết các dòng xe trong thế giới hiện đại, chủ yếu là xe 4 bánh.
Đến nửa sau thế kỷ 19, động cơ 4 kỳ được phát triển, thay thế cho động cơ 2 kỳ với động cơ đốt trong diesel được người Đức phát triển vào cuối thế kỷ 19.
Trước đây, xe hơi thường hở ở phía trên, nhưng không lâu sau người ta thiết kế thêm phần mui xe để đảm bảo an toàn trong thời tiết khắc nghiệt. Trải qua một thời gian dài, ôtô được cải tiến khá nhiều, từ chiếc cần gạt nước đến máy tính, để kiểm soát hiệu suất của động cơ. Những chiếc xe ngày nay có đủ hình dạng và kích cỡ, phù hợp với túi tiền của tất cả tầng lớp.
5. Ấm đun nước
Những chiếc ấm đun nước trực tiếp trên lửa đã được sử dụng hàng ngàn năm về trước. Đến thế kỷ 19, người ta phát triển ra chiếc ấm đun nước có vòi và tay cầm, làm từ sắt, và được đun trên bếp lò. Vài chục năm sau, người Mỹ phát triển chiếc ấm điện làm từ đồng, và tiếp đó là thép không gỉ.
Thập niên 50 của thế kỷ 20, người ta chế tạo ra chiếc ấm đun nước tự động ngắt khi nước sôi. 30 năm sau, nhân loại biết đến một loại ấm nước có cửa sổ bằng nhựa trong suốt, nền tảng của việc sử dụng thủy tinh chuyên dụng, để người dùng có thể tận mắt nhìn thấy nước đang sôi.
6. Máy nướng bánh
Suốt nhiều thiên niên kỷ, con người đã nướng đồ ăn trực tiếp trên lửa. Mãi đến cuối thế kỷ 19, người Anh mới phát minh ra chiếc lò nướng bằng điện đầu tiên. Để nướng bánh mì bằng chiếc máy này, người ta phải dùng tay để lật. Đến đầu thế kỷ 20, một chiếc máy nướng được phát minh, cho phép người ta lật bánh mà không cần phải chạm vào nó.
Cải tiến tiếp theo của người Mỹ vào đầu thế kỷ 20 đã cho ra đời chiếc máy nướng bánh pop-up. Với chiếc máy này, bánh mì sẽ tự động bật lên khi được nướng xong. Sau đó, người ta đã thêm vào một số chi tiết và tính năng như hẹn giờ, để có được chiếc máy như ngày nay.
7. Bàn là
Trong suốt hơn một thiên niên kỷ, quần áo được làm phẳng bằng nhiều cách khác nhau. Đến thời trung đại, những người thợ rèn mới phát minh ra bàn là phẳng, một vật dụng cần được làm nóng bằng lửa trước khi là quần áo.
Tuy nhiên, loại bàn là này nhanh bị nguội, nên sau đó người ta đã chế ra chiếc bàn là dạng hộp có thể chứa một cái thùng đựng than liên tục cháy, bằng cách đó bàn là có thể nóng lâu hơn. Đến đầu thế kỷ 20, những chiếc bàn là điện được phát minh bởi Henry Seely dần trở nên phổ biến.
Kể từ đó, người ta không ngừng cải tiến nó. Chẳng hạn như việc thêm vào một bộ điều chỉnh nhiệt để giữ cho nhiệt độ theo đúng ý người dùng, hay một bình chứa nước để tạo hơi.
8. Máy hút bụi
Đây là loại máy sử dụng chân không để hút bụi bẩn. Được thiết kế bởi người Mỹ vào thế kỷ 19, chiếc máy hút bụi đầu tiên vận hành bằng sức mạnh của đôi tay. Thế hệ tiếp theo được gắn động cơ chạy bằng khí đốt, nhưng to đến mức cần cả một chiếc xe ngựa kéo mới có thể di chuyển nó từ nhà này qua nhà khác.
Phải đến đầu thế kỷ 20, người Anh mới thiết kế được chiếc máy hút bụi nhỏ gọn, nhưng vẫn dùng sức người. Sau đó, một công dân Mỹ tên James Spangler đã nghiên cứu và điện khí hóa thiết bị này, đem lại thiết kế hình trụ thẳng đứng với những túi lọc dùng một lần.
Thập niên 1980 chứng kiến bước đột phá quan trọng đối với thiết bị hút bụi, khi những chiếc máy không cần túi được giới thiệu trên thị trường Nhật Bản và Anh, sau đó là cả thế giới. Tuy nhiên, thiết kế mới nhất và quen thuộc nhất với chúng ta ngày nay là những máy hút bụi tự động, có khả năng làm sạch những vùng đã được lập trình sẵn. Tất cả những gì bạn phải làm là rũ sạch thùng hút bụi.
9. Xe đẩy em bé
Xe đẩy em bé là thứ không thể thiếu đối với những cặp đôi có con nhỏ. Được phổ biến lần đầu tiên vào thế kỷ 19, xe này có 4 bánh, gồm một chiếc cũi được đan bằng liễu gai, để giữ cho bé thoải mái và an toàn, cùng với phần tay điều khiển. Nhìn chung, chiếc xe này khá cồng kềnh và đắt đỏ.
Đến giữa thế kỷ 20, tuy vẫn giữ nguyên hình dáng cơ bản ban đầu, nhưng xe đẩy đã phần nào được cải tiến, chẳng hạn như hệ thống phanh, chất liệu sợi thay vì liễu gai.
Nhưng phải đến năm 1960, mọi thứ mới thay đổi hoàn toàn, khi Owen McLaren, một kỹ sư hàng không người Anh thiết kế ra chiếc xe đẩy có thể gập lại được. Đây chính là kiểu dáng mà chúng ta vẫn sử dụng hiện nay. Một số thay đổi nhỏ gồm số lượng bánh xe (3 bánh thay vì 4 bánh), cơ chế cho phép gấp-mở dễ dàng, hệ thống phanh và cách bố trí chỗ ngồi.
10. Máy cắt cỏ
Chiếc máy cắt cỏ cơ học dùng sức kéo của ngựa được chế tạo lần đầu tiên bởi người Anh vào thế kỷ 19. Một thời gian sau, công dân người Mỹ tên Elwood McGuire đã thiết kế ra chiếc máy cắt cỏ dùng sức người. Trải qua nhiều thay đổi, máy cắt cỏ ổn định với thiết kế 4 bánh quen thuộc, và có thể sử dụng nhiều loại năng lượng như điện, dầu diesel và khí đốt.
Vào những năm 1960, Karl Dahlman, người Thụy Điển, thiết kế ra sản phẩm Hover Mower, dựa trên nguyên tắc của đệm khí, không cần dùng bánh xe nữa. Chiếc máy này cho phép máy di chuyển sang hai bên, trước và sau rất tiện lợi.