Cơ quan này chưa rõ cách thức đường dây bị cắt, cũng như người Nga đang làm gì để đối phó với vấn đề này, theo AFP.
Theo Energoatom, các chất phóng xạ có thể lan ra không khí nếu nguồn điện không được khôi phục. Tuy vậy, phía Ukraine không thể triển khai sửa chữa do khu vực nhà máy đã bị quân đội Nga kiểm soát, cũng như giao tranh vẫn đang diễn ra.
“Các chất phóng xạ có thể được phát xạ ra không khí. Các đám mây phóng xạ có thể được gió đưa tới những vùng khác của Ukraine, Belarus, Nga và châu Âu”, Energoatom tuyên bố.
Chiến sự tại Ukraine gây ra quan ngại về an toàn hạt nhân tại Ukraine. Ảnh: AP. |
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko tuyên bố họ không biết nồng độ phóng xạ trong nhà máy đang là bao nhiêu, vì Ukraine không còn kiểm soát khu vực trên.
Hôm 8/3, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo hệ thống theo dõi phóng xạ tại Chernobyl đã dừng cung cấp dữ liệu, theo Reuters.
Ông Halushchenko cho biết Ukraine cũng không còn kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nơi có khoảng 400 binh lính Nga đóng giữ. Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Việc khu vực các nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Zaporizhzhia bị lôi vào xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như việc Tổng thống Putin yêu cầu đặt lực lượng hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng, đã gây ra mối lo ngại trên khắp châu Âu.
Một số người dân tại Bỉ, Phần Lan hay Na Uy thậm chí tích trữ thuốc iodine với hy vọng loại thuốc này có thể giúp họ giảm nguy cơ ung thư do phóng xạ, nếu một sự cố xảy ra.