Nhà máy Chernobyl 32 năm sau thảm họa hạt nhân ám ảnh thế giới
Thứ năm, 26/4/2018 05:43 (GMT+7)
05:43 26/4/2018
Bóng ma hạt nhân vẫn ẩn hiện bên trong nhà máy Chernobyl, hơn ba thập kỷ sau thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử nhân loại khiến cả châu Âu đối mặt nguy cơ nhiễm phóng xạ.
Ngày 26/4/1986, chuông báo động vang lên tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Trước đó vào sáng sớm, các công nhân tại lò phản ứng số 4 tắt hệ thống an toàn để kiểm tra turbine. Lò phản ứng quá nóng vượt khỏi tầm kiểm soát và tạo ra một vụ nổ tương đương 500 quả bom hạt nhân. Trong ảnh, một kỹ sư làm nhiệm vụ tại trung tâm điều khiển của lò phản ứng hạt nhân số 3, nay đã ngừng hoạt động.
Chính quyền đã đợi 24 giờ rồi mới sơ tán thị trấn Pripyat gần đó, 50.000 cư dân chỉ có ba giờ để rời khỏi nơi ở của họ. Sau thảm họa, toàn bộ thị trấn được bao bọc bằng dây thép gai cho đến năm 2000. Nhiều loại động thực vật hiện vẫn sinh sống bình thường ở đây dù mức phóng xạ tại khu vực này vẫn còn rất cao.
Bụi phóng xạ từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô Viết. Tại Belarus, mưa độc từ phóng xạ gây chết cây và đột biến động vật. Những tác động mang tính tàn phá cũng được ghi nhận ở vùng Scandinavia, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Italy, Pháp và Anh.
Thảm họa phóng ra bức xạ lớn hơn ít nhất 100 lần so với hai quả bom nguyên tử được ném xuống Nagasaki và Hiroshima. Không ai biết con số thương vong thực sự, cả trực tiếp và gián tiếp. Các báo cáo đều đã bị thất lạc khi Liên Xô tan rã.
Hơn 100.000 người đã được sơ tán khỏi khu vực ngay sau tai nạn, và tổng số người di tản từ các khu vực bị nhiễm xạ nghiêm trọng vào khoảng 340.000 người. Những người này chưa bao giờ được phép trở về nhà.
Trong bảy tháng sau thảm họa, hơn 500.000 người đã tham gia vào hoạt động dọn dẹp để khử nhiễm các khu vực bị ảnh hưởng. Các lò phản ứng số 1, 2 và 3 được khởi động lại trong khoảng từ tháng 10/1986 đến tháng 12/1987. Nhà máy tiếp tục sản xuất điện hạt nhân cho đến tháng 12/2000.
Nông dân nhận thấy bất thường về di truyền trong vật nuôi ngay sau thảm họa. Điều này tăng vọt trở lại vào năm 1990 khi khoảng 400 động vật biến dạng đã được sinh ra với các chi thừa, màu sắc hoặc kích thước bất thường. Các loài động vật nhiễm phóng xạ đều sống trong "Rừng đỏ", nơi cây cối chuyển thành màu đỏ thẫm do bụi phóng xạ.
Các khu vực nhiễm xạ nặng được gọi chung là "Vùng loại trừ". Bất kỳ ai muốn tiếp cận khu vực này phải được chính phủ Ukraine cho phép và chỉ được lưu lại trong tối đa 12 giờ. Khách du lịch phải qua kiểm tra trước khi vào "Vùng loại trừ" và được yêu cầu không chạm vào bất cứ thứ gì bên trong. Trong ảnh, công nhân đứng bên ngoài nhà máy chờ xe bus đưa họ về nhà sau một ca làm việc.
Bảy triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa và ít nhất 25.000 người được ước tính đã chết do phơi nhiễm phóng xạ. Những người sống sót tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các biến chứng về sức khỏe.
Nguy cơ ung thư cao trong khu vực này dự kiến không thể cải thiện trong ít nhất 40 năm tới. Trong ảnh, xe chở nước xịt nước trên đường để ngăn chặn bụi phóng xạ bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Chernobyl, khu vực nổi tiếng với sự cố hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử nhân loại, lại trở thành thiên đường của nhiều loài động vật như cáo, gấu, hươu, chó sói.
Ngày 29/11, mái vòm khổng lồ mới bằng thép ngăn chặn rò rỉ phóng xạ đã được "trùm" lên địa điểm xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine) cách đây 30 năm.
Trưởng nhóm điều tra thảm họa Chernobyl tự sát, hơn 1.000 người ở lại vùng cấm là những sự thật có thể nhiều người chưa biết về sự cố hạt nhân 30 năm trước.