Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 điều có thể bạn chưa biết về thảm họa Chernobyl

Trưởng nhóm điều tra thảm họa Chernobyl tự sát, hơn 1.000 người ở lại vùng cấm là những sự thật có thể nhiều người chưa biết về sự cố hạt nhân 30 năm trước.

Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nổ tung, gây nên thảm họa nguyên tử tồi tệ nhất trong lịch sử. Sau sự cố, chính phủ Liên Xô thành lập một vùng cách ly có bán kính 40 km xung quanh nhà máy.  Các nhà khoa học Ukraine nhận định rằng con người sẽ không thể sống trong vùng cách ly trong ít nhất 20.000 năm nữa.

Mái vòm chắn phóng xạ sẽ hoàn thành trong năm nay

Khi giới chức Liên Xô xây dựng mái vòm đầu tiên để bịt kín lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào năm 1986, quá trình xây dựng diễn ra khẩn trương trong điều kiện tồi tàn. Vì thế mái vòm xuống cấp nhanh chóng, có nhiều lỗ hổng và có thể sập bất kỳ lúc nào.

tham hoa hat nhan Chernobyl anh 1
Chi phí cho mái vòm sắt để bịt kín lò phản ứng số 4 lên tới 1,54 tỷ Euro. Ảnh: Ria Novosti

Chính phủ Ukraine quyết định xây mái vòm sắt ngay cạnh nhà máy. Sau khi quá trình xây dựng kết thúc, các kỹ sư sẽ phá mái vòm cũ rồi vận chuyển mái vòm mới tới nhà máy bằng đường ray. Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới, mái vòm sắt sẽ có chiều cao 108 m và chiều dài 150 m. Chi phí dành cho nó lên tới 1,54 tỷ Euro.

Trưởng nhóm điều tra thảm họa Chernobyl tự sát

Valeri Alekseevich Legasov là một nhà khoa học lỗi lạc của Liên Xô trong lĩnh vực hóa vô cơ và làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Ông nổi tiếng với tư cách người chỉ đạo Ủy ban Điều tra thảm họa Chernobyl.

Vào tháng 8/1986, Legasov trình báo cáo của phái đoàn Liên Xô tại cuộc họp đặc biệt của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna, Áo. Báo cáo của ông khiến các đồng nghiệp phương Tây ngỡ ngàng bởi ông phân tích sâu và tỏ ra rất thành thật về mức độ nghiêm trọng và những hậu quả của thảm kịch, Spiegel đưa tin.

tham hoa hat nhan Chernobyl anh 2
Nhà hóa học

Valeri Alekseevich Legasov

. Ảnh: blogspot.com

Tuy nhiên, sự thẳng thắn và trung thực của Legasov lại khiến ông rơi vào tình thế rắc rối bởi các quan chức Liên Xô không thích ông thể hiện quan điểm theo cách đó. Ngoài ra, do tiếp xúc với chất phóng xạ thường xuyên, sức khỏe của Legasov suy giảm khá nhanh. Tình trạng ấy, cùng với áp lực chính trị, khiến ông quyết định kết liễu cuộc đời vào ngày 27/4/1988.

Ngày 20/9/1996, Tổng thống Nga Boris Yeltsin truy tặng Legasov danh hiệu “Anh hùng Liên bang Nga” vì “sự dũng cảm và tinh thần anh dũng” mà ông thể hiện trong quá trình điều tra thảm họa Chernobyl.

1.200 người ở lại vùng thảm họa

Hơn 100.000 người dân địa phương phải sơ tán ngay sau khi thảm họa xảy ra, rồi hàng nghìn người khác cũng phải rời khỏi nhà. Tuy nhiên, khoảng 1.200 người, phần lớn là phụ nữ lớn tuổi, quyết định ở lại hoặc bỏ chỗ mới để về nhà. Tại sao họ làm vậy? Trong các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, những người đó nói rằng họ yêu quê hương nên không muốn sống ở nơi khác.

tham hoa hat nhan Chernobyl anh 3
Dù ở trong khu vực có nồng độ chất phóng xạ rất cao gần nhà máy Chernobyl, nhiều phụ nữ vẫn sống tới tận ngày nay. Ảnh: CNN

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với CNN, những phụ nữ lớn tuổi nói họ bí mật trở về nhà do chính quyền địa phương ở nơi mới chỉ trợ cấp khoản tiền nhỏ. Vì thế họ phải trở về quê hương để không chết vì đói. Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn họ sống rất lâu sau khi thảm họa xảy ra và thậm chí một số người còn sống đến tận ngày nay, hưởng thọ hơn 80 hoặc 90 tuổi.

Nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất điện

tham hoa hat nhan Chernobyl anh 4
Các chuyên gia chuẩn bị trang phục bảo hộ trước khi làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào tháng 5/1986. Ảnh: theatlantic.com

Nhiều người nghĩ nhà máy Chernobyl ngừng hoạt động ngay sau khi vụ nổ lò phản ứng xảy ra. Tuy nhiên, theo Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ (NRC), 3 lò phản ứng còn lại đã tái khởi động trong khoảng thời gian giữa tháng 10/1986 và tháng 12/1987. Sau đó lò phản ứng số 2 phải ngừng hoạt động vì hỏa hoạn trong tòa nhà chứa turbine. Lò phản ứng số 1 ngừng hoạt động hồi tháng 11/1996 và lò phản ứng số 3 ngừng hoạt động vào tháng 12/1999.

Du khách có thể tham quan nhà máy

tham hoa hat nhan Chernobyl anh 5
 Ngày 

26/4/2015, nghĩa là đúng 29 năm sau khi vụ nổ xảy ra, Bionerd, nickname của một nhà khoa học nữ, công bố bức ảnh chụp cô tại nhà máy Chernobyl

. Ảnh: Daily Mail

Những địa điểm bí mật luôn thu hút sự chú ý của những người tò mò và khu vực cấm xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl không phải ngoại lệ. Không chỉ là nơi để nghiên cứu khoa học, đây còn là nơi để người ta kiếm tiền.

Một số công ty cung cấp dịch vụ thăm quan thành phố Pripyat hoặc nhà máy điện hạt nhân bỏ hoang. Chernobyl Tour, một trong những công ty như thế, khẳng định rằng cơ thể du khách không chịu tác động xấu từ chất phóng xạ nếu họ chỉ vào thành phố Pripyat trong một ngày.

Bi kịch của nạn nhân nhiễm phóng xạ từ thảm họa Chernobyl

Nhiều đứa trẻ mắc dị tật hoặc bệnh nguy hiểm ngay từ khi chào đời vì cha, mẹ nhiễm phóng xạ từ vụ nổ ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl gần 3 thập kỷ trước.

Quân Vũ

Bạn có thể quan tâm