Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là Triển lãm và Hội thảo Máy công cụ, cơ khi chính xác và gia công kim loại - MTA Vietnam 2022 được tổ chức nhưng Sodick Việt Nam vẫn chưa đưa đủ sản phẩm công nghệ mới về nước.
Ông Mai Đình Trịnh Vũ, Quản lý kinh doanh của công ty, cho biết sự kiện thường niên này luôn là dịp để giới thiệu những sản phẩm, công nghệ tiên tiến nhất, nhưng đến nay doanh nghiệp mới chỉ chắc chắn trưng bày được một số loại máy như máy bắn điện tích hợp AI, máy cắt dây, máy phay. Riêng sản phẩm được mong đợi nhất là máy in 3D kim loại chưa thể ra mắt thị trường Việt Nam.
"Các hãng lớn trên thế giới đều đang đua tranh về công nghệ này, chúng tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên phải mất 8 tháng xin giấy phép từ Chính phủ Nhật Bản để đưa máy về Việt Nam, chưa kể giá trị máy rất cao và quá trình vận chuyển hiện nay còn bị gián đoạn", ông Vũ chia sẻ.
Đứt gãy chuỗi cung ứng và hàng loạt chi phí leo thang
Ông BT Tee, Tổng giám đốc Informa Markets Vietnam, cũng thừa nhận việc đứt gãy chuỗi cung ứng đang là thách thức lớn nhất của ngành sản xuất chế biến, chế tạo.
Ngành công nghiệp chế tạo chịu nhiều sức ép từ đứt gãy chuỗi cung ứng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hiện tại các máy móc, linh kiện từ nước ngoài gặp khó khăn trong việc vận chuyển về Việt Nam do thiếu container, thiếu tàu, chi phí và thời gian vận chuyển đều tăng cao, từ đó quá trình lắp ráp, gia công máy móc, công cụ bị kéo dài, dẫn đến chi phí sản xuất bị đội lên.
Lúc này, các nhà máy buộc phải tăng tồn kho để đảm bảo tiến độ đơn hàng, trong khi việc xuất khẩu máy móc, công cụ, linh kiện ra nước ngoài cũng gặp khó khăn tương tự, gây ảnh hưởng lớn đến dòng tiền trong vận hành doanh nghiệp.
Song song đó, giá nguyên nhiên vật liệu, nhân công... cũng đang leo thang, gây sức ép cho các doanh nghiệp.
Trong 1-2 năm tới các chi phí sẽ còn tăng lên nhiều nữa, đặc biệt trong năm 2023, gây nên mối lo ngại lớn cho các doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Ông BT Tee, Tổng giám đốc Informa Markets Vietnam
"Thông thường, giá tăng có thể làm giảm nguồn cầu, tuy nhiên ở một số ngành hàng như cơ khí chế tạo này, người mua hàng không có sự lựa chọn nào khác.
Trong 1-2 năm tới tôi cho rằng các chi phí sẽ còn tăng lên nhiều nữa, đặc biệt trong năm 2023, gây nên mối lo ngại lớn cho các doanh nghiệp trong ngắn hạn", ông nói thêm.
Vì vậy, ông BT Tee cho rằng đây là lúc doanh nghiệp cần nhìn nhận rõ nét hơn về toàn bộ chuỗi cung ứng của mình. Trao đổi với Zing, ông nói quản trị chuỗi cung ứng là quản trị sản xuất, tức tối ưu hóa quá trình vận hành, chứ không chỉ đơn thuần là vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.
"Mỗi quy trình sản xuất ra một số linh kiện khác nhau, từ đó lắp ráp vào một sản phẩm máy móc cuối cùng. Như vậy quản trị chuỗi cung ứng là một quá trình phức tạp yêu cầu khả năng cân bằng chuỗi sản xuất, tức dự báo, tính toán làm thế nào cân đối các quy trình nhằm đảm bảo đầu ra của mỗi quy trình phù hợp với nhu cầu và tiến độ sản xuất của toàn sản phẩm. Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam còn thiếu", ông BT Tee nhấn mạnh.
Do đó, để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, bản thân mỗi doanh nghiệp phải có phương án tối ưu hóa hoạt động vận hành gồm cả sản xuất và kinh doanh, thông qua việc cập nhật những kiến thức về các công nghệ mới, giải pháp mới từ đó có sự cân nhắc để lựa chọn phương án phù hợp.
Thiếu hụt nguồn nhân lực
Tuy nhiên, để tối ưu sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh, doanh nghiệp không chỉ cần công nghệ mới mà còn cần một đội ngũ lao động chất lượng.
Qua quá trình làm việc với nhiều đối tác trong ngành, ông BT Tee cho biết không ít doanh nghiệp ở TP.HCM đang thiếu hụt nhân lực. Khoảng 20-25% lao động nghỉ việc do ảnh hưởng của Covid-19 đã không quay trở lại nhà máy, văn phòng.
Nhân sự ngành công nghiệp chế tạo đang thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng. Ảnh: Bloomberg. |
Trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại một tọa đàm mới đây, ông Shon Young Il, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) tại miền Trung và miền Nam Việt Nam cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp trong hiệp hội hiện chỉ vận hành được khoảng 80% do thiếu lao động.
Ông chỉ ra tâm lý của người lao động trong nước giờ đây không còn muốn làm những công việc nặng, còn người nước ngoài lại gặp khó khăn trong việc cấp giấy phép lao động tại Việt Nam.
Do đó, theo đại diện Informa Markets Vietnam, khi số lượng nhân sự sụt giảm, các doanh nghiệp càng cần phải chú trọng hơn nữa vào đào tạo đội ngũ hiện có nhằm cải thiện kĩ năng, hiệu suất làm việc, từ đó đẩy mạnh đóng góp của lực lượng lao động có sẵn vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp đồng thời có thể nâng cao độ phức tạp của các sản phẩm để bắt kịp thị trường.
Ông dự báo với đà tăng trưởng hiện nay, ngành chế biến chế tạo sẽ tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn hơn nữa cho GDP cả nước, cũng như thu hút ngày càng nhiều dòng vốn FDI. Trong đó, năm 2023 sẽ là năm bùng nổ khi các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định hơn.