OTT là các ứng dụng liên lạc di động hoạt động trên nền băng thông rộng (tức Mobile Internet). Có thể thấy OTT đã qua 2 thế hệ phát triển: thế hệ đầu với các dịch vụ Skype, Yahoo hay Facebook xuất phát từ PC (máy tính cá nhân) và nay chuyển mạnh sang nền mobile.
Thế hệ hiện tại là các dịch vụ ứng dụng trên di động như Viber, Line, Zalo, Kakao phát triển từ cuối 2012 trở lại đây. Hiện có thể phân loại OTT thành 5 nhóm khác nhau: tiện ích (Google, Yahoo); mạng xã hội (Facebook, Twitter); giải trí (Youtube); viễn thông cơ bản (Kakaotalk, Line, Viber) và dạng dịch vụ phi thoại data.
Trước câu chuyện OTT phát triển đang ảnh hưởng mạnh tới doanh thu thoại của các nhà mạng và vấn đề quản lý ra sao đối với loại hình dịch vụ này, tại buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến rất mở. Ngay chính các nhà mạng cũng không còn coi OTT là nguy cơ, mà coi đây là xu thế tất yếu và đã chuyển sang đặt vấn đề hợp tác kinh doanh dịch vụ trên cơ sở tính cước data. Bản chất của OTT là kinh doanh trên nền tảng hạ tầng của nhà mạng, nếu nhà mạng tăng cước đắt thì dịch vụ OTT thoại đơn thuần cũng biến mất.
Toàn cảnh buổi tọa đàm dịch vụ OTT ở Việt Nam và chính sách quản lý. |
Cũng tại buổi tọa đàm, trước câu hỏi của báo giới về vấn đề khi bị sụt giảm doanh thu do sự xuất hiện của OTT, đã bao giờ các nhà mạng đơn phương hoặc dùng các biện pháp kỹ thuật chặn OTT không? Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel thẳng thắn chia sẻ: với tư cách là thành viên lãnh đạo tập đoàn, Viettel khẳng định chưa bao giờ chặn các dịch vụ OTT. Chắc các mạng Mobifone và Vinaphone cũng làm như vậy? Đồng quan điểm với Viettel, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc Mobifone cũng cho rằng: nếu dịch vụ OTT có vấn đề thì có thể do lỗi bởi chính dịch vụ. Mobiffone cũng chưa bao giờ đơn phương chặn OTT.
Trở lại vấn đề doanh thu, trước những con số sụt giảm ngàn tỷ mỗi năm của các nhà mạng. Đại diện Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một con số “mới” về vấn đề này: Trung bình chỉ số arpu trên smartphone của mạng Viettel bị sụt giảm 15-20% doanh thu do ảnh hưởng của OTT. Tuy nhiên, “Về lâu dài dịch vụ thoại đối với OTT sẽ bão hòa, dịch vụ phi thoại mới là mục tiêu các OTT nên hướng tới. Và sự bắt tay giữa các nhà cung cấp viễn thông với OTT sẽ là mục tiêu lâu dài để cả hai cùng win-win”, ông Hùng nhấn mạnh.
OTT là xu thế không thể cấm cản
Theo bà Nguyễn Thị Mơ, Phó vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) vấn đề quản lý OTT là việc phải làm. Bởi OTT đơn thuần là dịch vụ viễn thông, do đó nó cũng sẽ chịu sự quản lý như các dịch vụ viễn thông khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam OTT là loại hình dịch vụ mới và hiện mới phát triển dịch vụ thoại là chủ yếu. Do đó, quan điểm của Bộ TT-TT là để thị trường tự điều chỉnh và Bộ sẽ có những công cụ quản lý thích hợp tùy theo sự phát triển của thị trường dịch vụ này.
Không thể cấm cản dịch vụ OTT. |
Về bản chất, OTT hiện mới phát triển dịch vụ thoại là chủ yếu trên cơ sở hạ tầng 3G do cước data tại Việt Nam tương đối rẻ. Nếu tăng cước 3G, tức tăng cước data lập tức dịch vụ OTT sẽ khó sống. Tuy nhiên, vì OTT là xu thế phát triển nên cách quản lý sao cho hài hòa lợi ích doanh nghiệp OTT, doanh nghiệp viễn thông, quyền lợi người tiêu dùng là điều cần phải cân nhắc. Trước mắt, Bộ TT-TT khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp OTT ngồi lại với nhau hợp tác kinh doanh các dịch vụ thoại và phi thoại, qua đó đem lại được lợi ích tối đa cho người tiêu dùng và giúp thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, bền vững.
Đứng ở giác độ là cơ quan ban hành chính sách, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng chia sẻ: OTT về cơ bản cũng là dịch vụ viễn thông, do đó nếu thời gian nếu có cấp phép hoạt động thì nó cũng sẽ chịu sự quản lý như dịch vụ viễn thông, dù có những đặc thù riêng. Cái khó nhất hiện nay là tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các OTT trong nước và ngoài nước, giữa OTT với doanh nghiệp viễn thông sao cho hài hòa lợi ích các bên mới là điều cần bàn.
Thực tế OTT cũng như các dịch vụ thương mại điện tử là những dịch vụ xuyên biên giới trong quá trình toàn cầu hóa. Luật chơi “đồng tiền không biên giới” là vấn đề cốt lõi của các Hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, việc phá bỏ sự ngăn cản sự luân chuyển của các dòng tiền lại vướng vào vấn đề trình độ phát triển và sở hữu trí tuệ. Trong cuộc chơi này, ai khỏe người ấy thắng và dĩ nhiên sẽ không có sự “bình đẳng” một cách tuyệt đối. Chính vì vậy, nếu cấp phép cho các OTT trong nước thì vấn đề đặt ra là quản lý thế nào đối với các OTT nước ngoài ra sao để sân chơi này được bình đẳng khi các doanh nghiệp phải có các nghĩa vụ (đăng ký kinh doanh, thuế phí…) như nhau.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng thì cho rằng: Việt Nam cũng như ngôi nhà có cửa, có chủ quyền. Do đó, nếu cấp phép cho các OTT trong nước hay ngoài nước thì cần sự công bằng trong chính sách. Vó dụ bắt doanh nghiệp đặt server tại Việt Nam chẳng hạn để dễ dàng quản lý thuế phí và kiểm soát chất lượng dịch vụ. Khi văn hóa và trình độ phát triển của mỗi nước không giống nhau, nếu cùng chơi một luật thì những nước đi sau sẽ chết. Do đó, quản lý OTT theo hướng mở và nhà mạng cũng nên coi đây là cơ hội để làm mới mình, phát triển các dịch vụ data là hướng đi chủ đạo thời gian tới.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất về bản chất, không có gì là miễn phí. OTT cũng là dịch vụ “thu phí”, cái chính là nó không lấy tiền trực tiếp từ dịch vụ mà thông qua các dịch vụ khác (quảng cáo trực tuyến chẳng hạn). Đơn cử, Skype sau 4 năm phát triển đã bán cái cho Microsoft với giá 8,3 tỷ USD để hãng này kinh doanh quảng cáo trực tuyến trên đó là ví dụ. Do đó, Việt Nam cũng nên tạo sân chơi và đề ra luật chơi cho các OTT mới là mục tiêu chứ không phải cấm cản nó. Đó cũng là kinh nghiệm và mục đích hướng tới như các nước trên thế giới đang làm hiện nay.