Giữa tháng 8, Zalo - ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) Việt Nam công bố vượt mốc 4 triệu người dùng. Trong khi đó, 2 đối thủ trực tiếp là Line (Nhật Bản) và Kakao Talk (Hàn Quốc) đã “bặt tăm tung tích” về số lượng người dùng tại Việt Nam.
Trước khi Zalo vượt mốc 4 triệu, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đã dự báo về kết cục sớm của cuộc đua OTT với phần thắng thuộc về ứng dụng Việt Nam khi sản phẩm này vượt các đối thủ ngoại rất xa trên bảng xếp hạng App Store cũng như Google Play. Điều này còn diễn ra trong bối cảnh Line cũng như Kakao Talk thực hiện các chương trình quảng cáo liên tục trên truyền hình hay khuyến mại cực khủng với phần thưởng hàng ngày là xe Vespa LX 125…
Zalo - ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) Việt Nam công bố vượt mốc 4 triệu người dùng. |
Thời gian gần đây, Kakao Talk đã giảm mạnh các hoạt động quảng bá và truyền thông, ứng dụng này cũng “mất hút” trên bảng xếp hạng của App Store cũng như Google Play so với Line chứ chưa nói đến Zalo. Khi OTT nội địa vượt 4 triệu người dùng, kèm theo việc phiên bản Zalo cho Windows Phone mới ra đời, đã nhảy vọt lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng, cuộc đua giữa các ứng dụng nhắn tin miễn phí tại Việt Nam dường như đã được phân định.
Cùng với cột mốc 4 triệu, Zalo công bố mỗi ngày có tới 40 triệu SMS được trao đổi qua ứng dụng này, với độ phủ ở khắp 63 tỉnh, thành phố; vươn tới cả vùng hải đảo xa xôi như Trường Sa hay Bạch Long Vĩ. Ở phía bên kia, Line và Kakao Talk không có phản ứng nào về lượng người dùng, đặc biệt là số lượng SMS - nhân tố quan trọng nhất đánh giá sự tồn tại và phát triển của một OTT.
Trên lý thuyết, cơ hội cạnh tranh với Zalo của Line và Kakao Talk vẫn còn nhưng họ phải có một bước phát triển đột biến và vượt ứng dụng Việt Nam đồng loạt trên 3 mặt trận quan trọng nhất (App Store, Google Play cũng như Windows Phone). Trong khi đó, OTT nội địa liên tục chinh phục những cột mốc phát triển mới và không ngừng có những cải tiến mạnh mẽ về sự ổn định cũng như tốc độ nhắn tin trên mọi hạ tầng viễn thông như 2G - 2,5G - 3G hay Wifi (thế mạnh nổi trội của Zalo). OTT Việt Nam vừa ra mắt phiên bản mới trên Android và iOS với nhiều cải tiến, giúp tốc độ gửi tin nhắn thoại tăng đáng kể nhờ cơ chế truyền dữ liệu tức thời, ngay khi bắt đầu quá trình ghi âm. Trong khi đó, với các ứng dụng OTT thông thường, việc gửi tin nhắn chỉ bắt đầu sau khi ghi âm xong.
Với một người sử dụng OTT trên di động, điều quan trọng số 1 với họ là khả năng nhắn tin nhanh, ổn định và bạn bè cũng như người thân cùng cài ứng dụng đó. Cũng vì thế, việc Zalo vượt mốc 4 triệu người dùng cho thấy sự tin tưởng của họ dành cho OTT nội địa này.
Tuy nhiên, cục diện thị trường cũng có thể có những chiêu thức mới để cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT. Các OTT ngoại có thể sẽ có chiến lược đột phá gì để lật ngược thế cờ, khi mà dùng quảng cáo với mức độ "khủng", khuyến mại giải thưởng lớn… không thay đổi được tình hình? Tuồng hay vẫn còn ở phía trước và thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi này.