Chia sẻ trong buổi toạ đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” do Câu lạc bộ nhà báo CNTT-VT Việt Nam tổ chức, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính-Viễn thông (hiện là Bộ Thông tin-Truyền thông) Mai Liêm Trực nhấn mạnh, giờ Bộ mới xem xét cấp phép triển khai 4G cho doanh nghiệp là chậm.
“Tất nhiên có khó khăn do cần phải dọn dẹp băng tần..., nhưng đáng lý, các nước thường cấp phép trước 2-3 năm để doanh nghiệp chuẩn bị trước. Nhà mạng Việt Nam bây giờ còn không biết có cấp phép hay không, nhất là công ty tư nhân, thì sẽ không dám đầu tư”, ông cho hay.
Về thời điểm công nghệ, ông cho rằng, bây giờ đã là thời điểm chín muồi.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính-Viễn thông Mai Liêm Trực nhấn mạnh, cần cấp nhanh chóng cấp phép cho các nhà mạng triển khai 4G. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Tài nguyên thì đã có rồi. Nếu thời cơ đã chín muồi, có băng tần thì Bộ nên cấp phép ngay, không đợi đến 2016, để doanh nghiệp còn chuẩn bị. Không khéo chờ rồi 5G đến, chúng ta lại phải ngồi chờ tiếp. Bộ phải có tư duy mạnh mẽ hơn một tí. Các nước đầu tư sớm có thể thế nọ thế kia nhưng không sai lầm. Thực tế đã cho thấy, tất cả các công nghệ mới áp dụng vào Việt Nam thì đều thành công”, ông nhấn mạnh.
Chia sẻ ý kiến của nhà mạng về vai trò của Bộ Thông tin-Truyền thông, ông Trực cho rằng, Bộ cần phải làm đúng chức trách của mình là trung lập công nghệ.
Ông Lê Nam Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông lại cho rằng, để triển khai một dịch vụ vào thị trường, ngoài công nghệ, tài nguyên băng tần còn cần tới nhu cầu. "Người dùng luôn muốn có công nghệ cao, chất lượng tốt, tốc độ nhanh, vùng phủ sóng rộng. Ai cũng muốn có xe Mercerdes và đường cao tốc, nhưng vài chục năm trước chỉ có xe đạp. Xa lộ thông tin cũng vậy. Chúng ta cần xem sự cần thiết của nhu cầu thị trường", ông Thắng phân tích.
Tuy nhiên, ông Trực lại ví: "Ai rồi cũng có nhu cầu dùng xe Mercedes nếu giá xe chỉ khoảng 100 triệu. Di động trước cũng tưởng không ai dùng, giờ anh xe ôm, chị đồng nát cũng dùng… Có cạnh tranh mạnh, có nội dung tốt thì người dân sẽ dùng nhiều".
Ông Trực chia sẻ một thực tế rằng, nhiều doanh nghiệp làm ứng dụng đến gõ cửa nhà mạng để làm nội dung rất khó khăn. Theo ông, các nhà mạng nên chấp nhận hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, xã hội hóa để lực lượng làm các ứng dụng thì giá sẽ rẻ hơn.