Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà Lê sơ xét năng lực quan lại để chống tham nhũng

Lệ khảo khóa giúp nhà nước chọn lựa quan tốt, liêm khiết, vạch mặt quan bất tài, tham nhũng. Từ đó khuyến khích hay khuyên răn, góp phần nâng cao hiệu quả trị nước.

Mô hình điện Kính Thiên thời Hậu Lê. Ảnh: Tạp chí Kiến trúc online.

Trải qua thời gian suốt 100 năm tồn tại của nhà Lê sơ, các vua Lê đều lấy khảo khóa làm một trong những biện pháp xét năng lực quan lại. Lệ khảo khóa theo đó cũng không ngừng được hoàn thiện về quy chế, cách thức để phát huy được hiệu quả của nó.

Mục đích của triều đình khi thực hiện lệ khảo khóa, theo nghiên cứu Tổ chức chính quyền trung ương dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497) là “cốt để xem quan lại có thanh liêm, mẫn cán, xứng đáng với chức vụ do triều đình ủy cho hay không”.

Việc khảo khóa là một biện pháp mang tính cấp thiết. Tổ chức, cá nhân nào làm chậm kỳ khảo khóa, sẽ bị phạt tiền và trị tội theo pháp luật. Lịch triều hiến chương loại chí ghi, vua Lê Thánh Tông năm Tân Mão (1471) có dụ cấm để chậm kỳ khảo khóa với nội dung: “Nếu trong 100 ngày trưởng quan không kê khai (danh sách quan lại được khảo khóa - Người dẫn chú) gửi lên thì cứ tính để chậm một người là phạt 10 quan tiền. Thiên vị tư tình đều phải trị tội”.

Quy định khảo khóa thời vua Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông chia quan lại được khảo khóa làm 3 bậc, gồm: bậc Thượng, bậc Trung, bậc Hạ với mong muốn cốt cho sự phân hạng rõ ràng xác đáng tùy theo năng lực, thành tích.

Kế thừa quy cách, thể thức khảo khóa của các đời vua trước, tháng 12 năm Mậu Thân (1488), vua Lê Thánh Tông ban hành lệ khảo khóa quan lại với nội dung chi tiết. Về mặt thời gian, cứ 3 năm tiến hành khảo khóa một lần là sơ khảo - xét công trạng lần đầu; 6 năm tái khảo - xét công trạng lần thứ hai; 9 năm thông khảo - xét suốt công trạng trong 9 năm.

Tiêu chí chung đối với quan viên được khảo khóa là xét trên cả hai mặt tài và đức. Tài ở đây là năng lực chuyên môn trong công việc được giao. Còn đức là sự thương yêu dân, sự trong sạch, liêm khiết, không tham ô, nhũng nhiễu dân, không biếm công vi tư.

Như vậy, tiêu chí về mặt đức hạnh rất coi trọng về tính liêm khiết của quan viên. Tiêu chí khảo xét quan chức tính tới đức hạnh đã được thực hiện từ thời vua Lý Cao Tông năm Kỷ Hợi (1179) với mục đích được Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Khiến cho quan chức không tham nhũng”.

Lệ khảo khóa đã phát huy được tác dụng của nó, phù hợp với mục đích triều đình khảo xét sự hay dở của quan lại. Đời vua Lê Thánh Tông, qua khảo khóa, nhiều quan viên yếu kém đã bị thải hồi. Chứng cứ để lại trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Năm Mậu Tuất (1478): “Tham nghị Lạng Sơn Trần Duy Hinh, Tri phủ Trường Khánh Ninh Tháp Nhung, Tri phủ Phú Bình Phạm Tháo… và những tên đần độn bỉ ổi, không làm nổi việc, đáng phải cho nghỉ”… “nếu có kẻ nào mỏi mệt hèn kém như bọn Nguyễn Trí Nghiêu, Đỗ Hữu Trực, Đỗ Công Thích… cùng những tên đê tiện bỉ ổi, không có tài cán, không làm nổi việc, đáng cho về nghỉ”.

Qua thực tế tiến hành khảo khóa, nhà nước đã chọn lựa ra được những viên quan có đủ phẩm chất, năng lực làm việc để thăng chức, tuyển bổ lên vị trí cao xứng đáng cho phù hợp. Sử cũ còn ghi lại trường hợp của Đào Cử. Theo Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí, ông “người Yên Mĩ, Siêu Loại. Hai lần trúng khoa Hoành từ. Làm quan đến Thượng thư bộ Hộ”.

Để có được chức vị cao trong Lục bộ, khi đương chức, Đào Cử không ngừng tu tâm dưỡng tĩnh, hết lòng với chức phận được giao. Khi thông khảo (9 năm) vào năm Mậu Thân (1488), Toàn thư chép: “Tháng Giêng nhuận, ngày mồng 3, Đào Cử được thăng Hàn lâm viện thị độc Đông các học sĩ Tu Thận thiếu doãn. Vì Đào Cử giữ chức ở nha môn có nhiều việc, đủ 3 kỳ khảo khóa đều xứng chức, không phạm lỗi, cho nên được thăng”.

Đời vua Lê Hiến Tông, Khâm định Việt sử thông giám cương mục thông tin những người giữ chức thủ lĩnh như Vũ Phục Long, Phạm Như Dụ và Vũ Thế Hảo khi được khảo khóa có nhiều thành tích, lại liêm khiết, trong sạch. Kết quả là được triều đình biểu dương, vua thì nêu tên của họ để làm gương trong lệnh chọn chức thủ lĩnh tháng 12 năm Mậu Ngọ (1498).

Nhận xét về phép khảo khóa thời Lê sơ, Phan Huy Chú đã khẳng định tác dụng to lớn của lệ này là: “Phép khảo khóa của nhà Lê rất là tinh mật, từ khi khai quốc thì rất rõ ở đời Hồng Đức, từ khi Trung hưng về sau thì rất nghiêm ở khoảng Chính Hòa, Vĩnh Thịnh. Người thanh liêm chăm chỉ tất được khen thưởng, người hèn kém thì tức truất bỏ. Các quan cố gắng, chính sự sáng sủa, cho nên nói đến đời trị, ở nước ta thì đời Hồng Đức là hơn cả”.

Trần Đình Ba / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY