Quang phổ kế do Giáo sư Bao Jie phát triển đo lường sự thay đổi ánh sáng khi nó tương tác với vật chất theo cách hiệu quả hơn so với mắt thường.
"Mọi người sẽ có một con mắt thứ ba để nhìn thấy những thực tại ẩn giấu", Strait Times trích lời nhà khoa học 34 tuổi cho biết.
Quang phổ kế từ lâu đã được sử dụng trong nghiên cứu nhưng chưa được biến đổi phù hợp để ứng dụng hàng ngày.
Nhóm nghiên cứu đã co thiết bị này lại bằng công nghệ nano lượng tử tới kích cỡ nhỏ bằng đồng xu. Việc sản xuất hàng loạt thiết bị này có thể chỉ tốn vài USD.
Quang phổ kế do Giáo sư Bao Jie của Đại học Thanh Hoa (giữa) phát triển có thể chẩn đoán bệnh da, phát hiện ô nhiễm không khí cùng các chức năng khác. Ảnh: China Daily. |
Các chấm lượng tử, được phát hiện vào đầu những năm 1980, là các tinh thể bán dẫn chỉ có kích thước vài nanomet. Chúng hấp thụ các bước sóng ánh sáng khác nhau khi thay đổi kích thước.
Giáo sư Bao có ý tưởng sử dụng tính năng này để tạo ra các máy đo quang phổ thu nhỏ khi ông thực hiện nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Mỹ từ năm 2010 đến năm 2013.
Năm 2014, ông quay lại Đại học Thanh Hoa. Giáo sư Bao được hàng chục công ty săn đón từ khi thành lập công ty QuantaEye tại Bắc Kinh vào cuối năm 2016.
Giáo sư Bao cũng đang làm việc với một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv, Israel để phát triển mũi giả dựa trên quang phổ lượng tử. Nó sẽ cung cấp thông tin chính xác và định lượng hơn về mùi so với chó cảnh sát và các chuyên gia thử rượu.